Điều hành tỉ giá linh hoạt đã giúp Việt Nam vượt qua những “cú sốc”

(Banker.vn) Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam hồi tháng 7/2023, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen cho biết: “Bộ Tài chính Hoa Kỳ ghi nhận các thành tựu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trong quá trình hiện đại hóa công tác điều hành chính sách tiền tệ, cụ thể là cơ chế điều hành tỉ giá. Tỉ giá đã trở nên linh hoạt và minh bạch hơn. Có thể nói, hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ tỉ giá đang được phát huy tốt, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Hai năm qua, kinh tế thế giới đã trải qua các cú sốc lớn và theo quan điểm của tôi, việc điều hành tỉ giá linh hoạt hơn đã giúp Việt Nam vượt qua những cú sốc này”.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam hồi tháng 7/2023, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen cho biết: “Bộ Tài chính Hoa Kỳ ghi nhận các thành tựu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trong quá trình hiện đại hóa công tác điều hành chính sách tiền tệ, cụ thể là cơ chế điều hành tỉ giá. Tỉ giá đã trở nên linh hoạt và minh bạch hơn. Có thể nói, hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ tỉ giá đang được phát huy tốt, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Hai năm qua, kinh tế thế giới đã trải qua các cú sốc lớn và theo quan điểm của tôi, việc điều hành tỉ giá linh hoạt hơn đã giúp Việt Nam vượt qua những cú sốc này”.

Nhìn lại bức tranh kinh tế thế giới trong năm 2022, từ suy thoái sâu trong đại dịch Covid-19 nhanh chóng chuyển trạng thái lạm phát cao kỉ lục, lên mức trên 8% tại Mỹ và trên 10% tại châu Âu, hơn 80 quốc gia lạm phát từ 2 con số trở lên. Lạm phát tăng cao nên xu hướng thắt chặt tiền tệ là không tránh khỏi. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất với tần suất và mức độ nhanh nhất trong lịch sử, tăng 5% chỉ trong 14 tháng. Thị trường quốc tế biến động mạnh, từ tiền tệ với đồng USD có thời điểm tăng giá lên mức kỉ lục trong 20 năm, đến cổ phiếu, trái phiếu, và lưu chuyển dòng vốn toàn cầu. Xu hướng tăng lãi suất, bán can thiệp ngoại tệ diễn ra tại nhiều nước mới nổi và đang phát triển nhằm bảo vệ đồng nội tệ trước áp lực mất giá quá mạnh, kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Những tháng đầu năm 2023, nhiều quốc gia đối mặt với rủi ro suy thoái kinh tế kèm lạm phát cao, thương mại toàn cầu giảm, khủng hoảng tại một số ngân hàng ở Mỹ, châu Âu tiếp tục đặt ra thách thức cho điều hành chính sách tiền tệ trên toàn thế giới.

Trong bối cảnh môi trường quốc tế biến động phức tạp, khó lường, là một nền kinh tế nhỏ có độ mở rất lớn như Việt Nam, nội tại còn nhiều khó khăn, thách thức, công tác điều hành chính sách tiền tệ, nhất là điều hành lãi suất, tỉ giá, tín dụng gặp rất nhiều khó khăn để xử lí hài hòa nhiều mục tiêu mâu thuẫn nhau. Làm sao để vừa hỗ trợ kinh tế phục hồi sau đại dịch mà vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát trong bối cảnh giá cả, lạm phát toàn cầu tăng cao; vừa giảm áp lực mất giá mạnh của VND mà vẫn phải giữ ổn định mặt bằng lãi suất; vừa đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng trong khi vẫn phải đảm bảo nhu cầu tín dụng cho nền kinh tế, đồng thời triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn… Đó là những thách thức không nhỏ với NHNN.

Điều hành tỉ giá cân nhắc trên cục diện toàn nền kinh tế

Ngày 14/9/2023, tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước về các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, điều hành tỉ giá phải cân nhắc trên cục diện của toàn nền kinh tế chứ không vì doanh nghiệp nào cả.

Theo Thống đốc, trong bối cảnh kinh tế chính trị thế giới đang diễn biến khó lường thì NHNN đang nỗ lực điều hành, điều tiết các giải pháp chính sách tiền tệ để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường kinh tế vĩ mô.

Đối với NHNN, khi điều hành chính sách tỉ giá đứng trên cục diện của toàn quốc gia, có doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp nhập khẩu, có chính sách dẫn đến được lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu nhưng sẽ vất vả cho doanh nghiệp nhập khẩu vì sẽ phải chịu chi phí và ngược lại. Theo số liệu được công bố, năm 2022, Việt Nam xuất siêu hơn 12 tỉ USD, các doanh nghiệp FDI xuất siêu đến 36 tỉ USD. Sản xuất trong nước của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, hàng hóa, máy móc và nguyên vật liệu của nước ngoài, do vậy nếu tỉ giá mà tăng lên thì các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ rất vất vả.

Thống đốc nhấn mạnh: “Ổn định tỉ giá, không có nghĩa là cố định nhưng cũng phải phù hợp. NHNN cũng phải cân nhắc trên góc độ cục diện toàn nền kinh tế chứ không phải trên góc độ ổn định của một doanh nghiệp nào cả".

Mới đây, tại Hội nghị Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú một lần nữa khẳng định: “Doanh nghiệp cứ yên tâm với tỉ giá. Hiện tỉ giá vẫn đang biến động trong biên độ cho phép, chúng tôi khẳng định sẽ điều hành không để xảy ra tâm lí găm giữ ngoại tệ chờ tỉ giá tăng. Hiện nay, nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào, dòng vốn FDI vẫn tiếp tục tăng trưởng, các nguồn ngoại tệ khác cũng diễn biến tích cực… là cơ sở để ổn định tỉ giá”.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh: “Nếu để cứng đơ thì không còn là kinh tế thị trường. Không thể có sự bất biến trong tỉ giá”. Phó Thống đốc cũng cho biết, điều hành lãi suất, tỉ giá không phải chỉ vì lợi ích của các doanh nghiệp, mà nó còn liên quan tới đầu tư nước ngoài, vay nợ Chính phủ và cả hệ số tín nhiệm của Việt Nam, vì thế việc điều hành phải hài hòa.

Về điều hành lãi suất trong tương quan với tỉ giá, Phó Thống đốc cho biết, điều hành lãi suất là bài toán khó nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô hiện nay. “Khi lãi suất giảm sâu, sự ổn định tỉ giá có nguy cơ bị phá vỡ. Đây là điều buộc NHNN phải cân nhắc hài hòa nhiều yếu tố trong điều hành chính sách tiền tệ” - Ông nói.

Hiện nay, có nhiều yếu tố tích cực đang hỗ trợ ổn định tỉ giá. Cụ thể, theo IMF, dự báo dự trữ ngoại hối Việt Nam cuối năm 2023 ở mức 95 tỉ USD. Điều này là hoàn toàn khả thi, thậm chí có thể cao hơn khi tình hình xuất nhập khẩu và dòng vốn FDI cải thiện hơn nữa.

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, do nhập khẩu giảm mạnh hơn so với xuất khẩu nên cán cân thương mại của Việt Nam trong tháng 9/2023 tiếp tục xuất siêu khoảng 2,29 tỉ USD, nâng tổng xuất siêu trong 9 tháng năm 2023 là 21,68 tỉ USD (cùng kì năm là 6,9 tỉ USD).

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tháng 9/2023, cả xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng trưởng dương so với cùng kì năm trước, ghi nhận xu hướng tích cực sau nhiều tháng từ đầu năm liên tiếp giảm. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2023 đạt 60,53 tỉ USD, tăng 3,6% so với cùng kì năm trước. Trong đó, xuất khẩu tăng khoảng 4,6%, nhập khẩu tăng khoảng 2,6%.

Bên cạnh đó, môi trường đầu tư thuận lợi tiếp tục là yếu tố “hút” nhà đầu tư nước ngoài đăng kí dự án đầu tư mới và giải ngân vốn đầu tư trong tháng 9/2023. Điều này giúp dòng vốn FDI đăng kí vào Việt Nam được duy trì tích cực trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường. Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết ngày 20/9/2023, tổng vốn FDI đăng kí cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 20,21 tỉ USD, tăng 7,7% so với cùng kì.

Ngoài ra, lượng khách du lịch quốc tế hồi phục nhanh hơn, cùng với dòng kiều hối vẫn chảy mạnh về nước, đây sẽ là nguồn ngoại tệ đáng kể góp phần giúp cán cân thanh toán tiếp tục cải thiện, qua đó giúp ổn định thị trường ngoại hối và tỉ giá.

Trên thị trường tiền tệ thế giới, đến tháng 9/2023, FED đã quyết định giữ nguyên mức lãi suất cho vay chủ chốt hiện tại, song để ngỏ khả năng về một đợt tăng lãi suất nữa trước cuối năm nay để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, giai đoạn đồng USD neo ở mức cao như cuối năm 2022 đã đi qua.

Với những yếu tố trên, các chuyên gia cho rằng, tỉ giá trong những tháng cuối năm 2023 sẽ tiếp tục ổn định, biến động trong biên độ +/- 3%.

Doanh nghiệp vơi bớt nỗi lo rủi ro biến động tỉ giá

Theo NHNN, từ đầu năm đến nay, NHNN đã điều hành tỉ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước, thực hiện can thiệp thị trường linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ. Theo đó, tỉ giá diễn biến linh hoạt theo cả 2 chiều (có tăng có giảm), phù hợp với điều kiện thị trường và nền tảng kinh tế vĩ mô, hỗ trợ hấp thu cú sốc bên ngoài. Về cơ bản, thị trường ngoại tệ và tỉ giá diễn biến tương đối ổn định trong bối cảnh các dòng ngoại tệ chảy vào nền kinh tế được duy trì, cân đối cung cầu ngoại tệ cải thiện so với năm 2022. Thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. NHNN mua được ngoại tệ từ các tổ chức tín dụng để bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước.

Trước đó, từ giữa tháng 11/2022, áp lực thị trường tài chính quốc tế giảm bớt khi FED phát tín hiệu giảm dần mức độ tăng lãi suất, chỉ số US Dollar Index (DXY) đã giảm gần 11% so với mức cao nhất năm 2022. Năm 2023, trong bối cảnh FED vẫn duy trì lãi suất điều hành ở mức cao và có thể tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, nhiều đồng tiền tiếp tục xu hướng mất giá so với USD như giai đoạn năm 2022. Tại một số nền kinh tế gặp khó khăn và đang thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng mạnh mẽ như Trung Quốc, Nhật Bản, đồng tiền mất giá mạnh so với USD.

Nhìn lại diễn biến trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉ giá giao dịch USD/VND trên thị trường có xu hướng giảm. Từ giữa tháng 6/2023, FED tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ và duy trì lãi suất ở mức cao, trong khi lãi suất điều hành của NHNN và lãi suất thị trường trong nước giảm, tạo áp lực khiến tỉ giá USD/VND trong nước có dấu hiệu tăng trở lại. Đến ngày 25/9/2023, tỉ giá trung tâm ở mức 24.076 VND/USD (tăng 1,97% so với cuối năm 2022); tỉ giá giao dịch bình quân trên thị trường liên ngân hàng khoảng 24.369 VND/USD (tăng 3,37% so với cuối năm 2022). Cập nhật đến ngày 27/10/2023, tỉ giá trung tâm được NHNN công bố ở mức 24.107 VND/USD, tăng thêm 12 đồng so với mức niêm yết hôm 26/10/2023, tăng 2,09% so với cuối năm 2022. Áp dụng biên độ 5%, tỉ giá trần mà các NHTM áp dụng là 25.312 VND/USD và tỉ giá sàn là 22.902 VND/USD.

Nếu so với các đồng tiền khác trong khu vực, VND vẫn là một trong những đồng tiền khá ổn định, chỉ mất giá nhẹ so với USD. Theo Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), tính đến ngày 08/09/2023, so với cuối năm 2022, tỉ giá các đồng tiền mất giá so với USD diễn biến như sau: VND (-2,06%); TWD (-4,25%); THB (-3,04%); JPY (-12,67%); KRW (-5,08%); PHP (-1,94%); MYR (-6,3%); CNY (-6,26%)...

Nhờ tỉ giá ổn định những tháng đầu năm 2023, cùng với các yếu tố vĩ mô khác cho phép, từ đầu năm tới nay, NHNN cũng đã 4 lần giảm lãi suất điều hành. Từ đó xác lập xu hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19. Với việc tìm được điểm cân bằng giữa hai mục tiêu ổn định tỉ giá và mặt bằng lãi suất, các chuyên gia đánh giá chính sách tiền tệ đã hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp một cách tích cực trong bối cảnh khó khăn sau dịch bệnh, nhất là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có thể vơi bớt nỗi lo rủi ro biến động tỉ giá.

Đối với các doanh nghiệp, việc ổn định tỉ giá có tác động rất tích cực trong giai đoạn hiện nay. Bởi lẽ, với khoản vay lên tới cả chục triệu USD thì tỉ giá chỉ thay đổi khoảng 1% sẽ khiến doanh nghiệp có thể thiệt hàng tỉ đồng. Còn đối với doanh nghiệp xuất khẩu, đồng USD tăng giá có thể giúp doanh thu xuất khẩu khi được quy đổi sang VND sẽ tăng. Song, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phải nhập tới 70% nguyên liệu từ nước ngoài. Do đó, giá USD tăng khiến doanh thu phải gánh thêm khoản bội chi lớn về phí nhập khẩu, vận chuyển…

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cũng không thể chủ quan, cần theo dõi sát diễn biến thị trường. Một số yếu tố có thể tạo áp lực lên tỉ giá cần theo dõi như lạm phát các nước phát triển vẫn đang ở mức cao và việc Trung Quốc mở cửa trở lại; FED có thể thay đổi xu hướng điều hành lãi suất. Về lâu dài, các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu cần phải làm tốt hơn công tác dự báo để lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh, trong đó chủ động các kịch bản ứng phó với biến động của tỉ giá, nên tham gia vào các công cụ về phòng ngừa rủi ro tỉ giá.

Hiện nay, các ngân hàng Việt Nam và nước ngoài đều có nhiều sản phẩm, dịch vụ để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu như tài trợ thương mại và ưu đãi thanh toán quốc tế cũng như mua bán ngoại tệ. Do đó, các doanh nghiệp cần chủ động trong việc lựa chọn những ngân hàng có khả năng tài trợ thương mại tốt, sử dụng các công cụ tài chính phái sinh, đồng thời sàng lọc thị trường và đa dạng hóa đồng tiền thanh toán thì sẽ có nhiều cơ hội giảm thiểu rủi ro, thậm chí hưởng lợi từ chênh lệch giá các đồng tiền.

Với việc duy trì ổn định tỉ giá, các chuyên gia đánh giá, thời gian tới, NHNN có điều kiện ưu tiên ổn định lãi suất, xem xét mua ngoại tệ, tăng cung tiền ra nền kinh tế để các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu cũng như các doanh nghiệp vay ngoại tệ lớn giảm thiểu rủi ro tỉ giá.

NHNN cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường để điều hành tỉ giá phù hợp với điều kiện thị trường, can thiệp thị trường khi cần thiết, phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
 
Tài liệu tham khảo

1. https://gos.gov.vn
2. https://sbv.gov.vn
3.https://baochinhphu.vn
 
Thanh Lan
NHNN
Theo: Tạp chí Ngân hàng
    Bài cùng chuyên mục