Dệt may Thành Công (TCM) lãi 26 tỷ đồng trong tháng 1, đơn hàng quý III bắt đầu ký kết

(Banker.vn) Dệt may Thành Công (TCM) ghi nhận lợi nhuận sau thuế 26 tỷ đồng trong tháng 1/2025, tăng 13% so với cùng kỳ. Công ty cho biết đã hoàn tất đơn hàng quý I, đang tiếp tục nhận đơn cho quý II và bắt đầu ký kết hợp đồng quý III.

Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) mới đây đã công bố báo cáo tình hình kinh doanh tháng 1/2025, ghi nhận kết quả tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm trước.

Dệt may Thành Công (TCM) lãi 26 tỷ đồng trong tháng 1, đơn hàng quý III bắt đầu ký kết
Hình minh họa

Theo đó, doanh thu của Công ty mẹ đạt 346,3 tỷ đồng, tăng 3%, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 26 tỷ đồng, tăng 13%.

Trong đó, doanh thu của doanh nghiệp vẫn chủ yếu đến từ ba mảng chính, với sản phẩm may chiếm tỷ trọng lớn nhất 81%, tiếp theo là vải với 13% và sợi đóng góp 5% tổng doanh thu.

Về tình hình đơn hàng, Dệt may Thành Công cho biết công ty đã hoàn tất việc nhận đơn hàng cho quý I/2025, đồng thời tiếp tục nhận đơn hàng cho quý II và bắt đầu ký kết hợp đồng cho quý III.

Trong lĩnh vực xuất khẩu, TCM hiện có mặt tại 40 quốc gia thuộc bốn châu lục, với châu Á là thị trường chủ lực. Riêng trong tháng 1/2025, khu vực này chiếm 80,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Công ty, trong đó Hàn Quốc đóng góp 41,07% – thị trường trọng điểm mà Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng gần 30% trong năm 2025 so với năm trước. Nhật Bản chiếm 25,8%, trong khi thị trường nội địa chiếm 6,47%.

Châu Mỹ đóng góp 14,9% vào tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó Mỹ chiếm 10,37% và Canada chiếm 4,15%. Tại châu Âu, tỷ trọng xuất khẩu đạt 3,9%, với Anh đóng góp phần lớn ở mức 3,35%.

Bước sang năm 2025, Công ty tập trung đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), đa dạng hóa danh mục sản phẩm, đặc biệt chú trọng các dòng sản phẩm thân thiện môi trường, tái chế và có giá trị cao. Công ty cũng đầu tư vào thiết kế theo yêu cầu khách hàng và phát triển nhãn hàng riêng theo mô hình ODM, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ngoài ra, trước diễn biến dịch chuyển đơn hàng khỏi Trung Quốc do ảnh hưởng từ chính sách thuế nhập khẩu của Mỹ, Công ty tận dụng cơ hội này để mở rộng thị trường xuất khẩu cũng như đẩy mạnh hoạt động kinh doanh nội địa.

Theo dự báo ngành, xuất khẩu dệt may Việt Nam năm 2025 được kỳ vọng tăng trưởng 9-10%, đạt kim ngạch 47-48 tỷ USD. Dệt may Thành Công cũng đang xây dựng kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu năm 2025 tăng khoảng 19% so với năm trước, đồng thời tối ưu hóa lợi nhuận nhằm tạo giá trị bền vững cho cổ đông và nhà đầu tư.

Báo cáo của SSI Research đánh giá triển vọng tích cực cho ngành dệt may Việt Nam năm 2025, nhờ lợi thế cạnh tranh toàn cầu và xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc.

Trước đó, trong năm 2024, ngành dệt may ghi nhận mức tăng trưởng 24%, vượt trội so với VN-Index. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sợi trong nước bị ảnh hưởng do Trung Quốc bán phá giá sợi. Dự báo năm 2025, ngành sẽ tăng trưởng nhờ sản lượng hơn là giá bán, khi người tiêu dùng vẫn thắt chặt chi tiêu và ưu tiên mua sắm tại các cửa hàng giá rẻ.

Mỹ chiếm hơn 40% kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam, trong khi thị phần Trung Quốc tại Mỹ đã giảm 13% từ năm 2019 đến 2023. Xu hướng này tạo cơ hội cho Việt Nam, Ấn Độ và Bangladesh mở rộng thị phần. SSI dự báo mức thuế nhập khẩu áp lên hàng dệt may Việt Nam có thể từ 10-20%, thấp hơn Trung Quốc. Chi phí lao động tại Việt Nam hiện chỉ bằng một nửa Trung Quốc, giúp duy trì lợi thế cạnh tranh.

Dự kiến, doanh thu ngành tăng dưới 15%, quay lại mức tăng trưởng trung bình 13-15% của giai đoạn 2015-2019, sau thời kỳ sụt giảm từ 2019-2023. Biên lợi nhuận gộp có thể đi ngang, với tiềm năng cải thiện nếu tỷ lệ đơn đặt hàng FOB tăng.

Chi phí vận chuyển dự kiến tăng 5-10% trong nửa đầu năm 2025, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận ròng. Tuy nhiên, chỉ số USD mạnh có thể giúp các doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi từ thu nhập ngoại hối, bù đắp phần nào áp lực chi phí. Với đơn hàng được đảm bảo đến hết quý I/2025 và sự điều chỉnh chuỗi cung ứng toàn cầu, ngành dệt may Việt Nam vẫn được kỳ vọng tăng trưởng ổn định.

Dệt may Thành Công vượt 50% kế hoạch lợi nhuận cả năm, đang "gối đầu" đơn hàng cho quý I/2025

Dệt may Thành Công đạt lợi nhuận sau thuế 250 tỷ đồng trong 10 tháng đầu năm 2024, vượt 50% chỉ tiêu lợi nhuận cả ...

Ngành dệt may chuyển mình: STK, TNG, MSH và TCM đón đầu xu hướng

Ngành dệt may Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ, với thặng dư thương mại tăng từ 41% lên 53% trong hơn một thập kỷ ...

Thu Hà

Thu Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục