Hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 781 tỷ đồng
Chiều 23/10, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại phiên họp Quốc hội chiều 23/10 |
Về chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, kết quả giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) đạt 44.458 tỷ đồng, đạt 90% kế hoạch.
Theo ông Dũng, đối với chính sách giảm thuế VAT, các khó khăn, vướng mắc bao gồm: Cách xác định hàng hóa, dịch vụ giảm thuế; thời điểm lập hóa đơn; cần phải lập hóa đơn riêng đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế.
Về nguyên nhân, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhiều nội dung chính sách chưa có tiền lệ, chưa bao quát đủ các tình huống phát sinh. Tiếp đó, một số quy định chưa được hướng dẫn, giải thích đầy đủ, phát sinh lúng túng trong thực hiện.
Về chính sách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, đến cuối tháng 8/2023, số tiền hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 781 tỷ đồng, tương đương 1,95% nguồn lực được Quốc hội quyết định, dư nợ đạt gần 57.000 tỷ đồng cho hơn 2.100 khách hàng.
Tuy nhiên, kết quả thực hiện thấp, dự kiến đến hết năm 2023 chỉ đạt khoảng 1.408 tỷ đồng, tương đương 3,5% nguồn lực. Trong số các ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất, chỉ có khoảng 13% khách hàng đáp ứng điều kiện thụ hưởng, trong đó 67% khách hàng không có nhu cầu hỗ trợ.
Với chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đã giải ngân khoảng 3.679,3 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho 128.746 lượt người sử dụng lao động và 5.194.162 lượt lao động.
Về vướng mắc, việc lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ chậm do người lao động, người sử dụng lao động muốn gộp 3 tháng tiền thuê nhà vào làm thủ tục 1 lần, hồ sơ đề nghị dồn vào một thời điểm (tháng 7, 8 năm 2022), gây áp lực trong việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ.
Về nguyên nhân, thay đổi trong nhu cầu hỗ trợ của người lao động so với thời điểm xây dựng chính sách; các địa phương rà soát đối tượng chưa sát thực tế.
Bên cạnh đó, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quyết liệt, còn có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, thận trọng quá mức làm phát sinh thêm thủ tục hành chính so với yêu cầu. Một số người sử dụng lao động e ngại công tác thanh, kiểm tra; thiếu cơ sở dữ liệu về người lao động.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu một số nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định. Theo đó, triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Trong đó, tiếp tục giao Chính phủ triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị quyết số 43/2022/QH15.
Đối với số vốn không thực hiện hết khi kết thúc thời gian thực hiện chính sách (dự kiến 38.592 tỷ đồng), trình Quốc hội hủy dự toán, kế hoạch vốn, không huy động nguồn lực, không làm tăng bội chi.
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV |
Tiếp đó, sử dụng số vốn từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 còn dư sau khi thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Cho phép bổ sung đối tượng vào Nghị quyết số 43/2022/QH15 và bố trí số vốn 2.920,7 tỷ đồng còn dư sau khi thực hiện chính sách nêu trên cho 5 dự án thuộc ngành y tế.
Trong đó: 2.420,7 tỷ đồng cho 4 dự án của Bộ Y tế (dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế tại Bệnh viện K cơ sở Quán Sứ - đợt hai 790 tỷ đồng; dự án đầu tư trang thiết bị y tế - Bệnh viện Bạch Mai 790 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng khoa khám bệnh - Bệnh viện Bạch Mai 340,7 tỷ đồng; Dự án mua sắm trang thiết bị y tế, cải tạo sửa chữa Bệnh viện Chợ Rẫy 500 tỷ đồng.
Bố trí 500 tỷ đồng cho 1 dự án của Đại học Quốc gia Hà Nội. Đây là dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế - dự án đầu tư xây dựng Tòa nhà trung tâm khoa khám bệnh và kỹ thuật nghiệp vụ - Bệnh viện Đại học Y Dược của Đề án đầu tư tổng thể Bệnh viện Đại học Y Dược cơ sở Linh Đường (mới), Đại học Quốc gia Hà Nội giai đoạn từ năm 2023 - 2030.
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá, các chính sách triển khai thực hiện đã có tác động tích cực, góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi kinh tế, đóng góp quan trọng trong các kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và 2023, đưa đất nước ra khỏi giai đoạn khó khăn, được cử tri, nhân dân đánh giá cao và cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Về chính sách tài khóa, Ủy ban Kinh tế cho rằng kết quả thực hiện các gói hỗ trợ của chính sách tài khóa đã có tác động tích cực tới người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế; trong đó, một số chính sách hỗ trợ có kết quả thực hiện cao như các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí đạt 94,6% kế hoạch.
Đặc biệt, chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) đạt 90% kế hoạch và hiện đã được Quốc hội cho phép tiếp tục áp dụng trong thời gian từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023 (Nghị quyết số 101/2023/QH15); chính sách cho vay thông qua Ngân hàng chính sách xã hội đạt 54,55% hạn mức tối đa, trong đó nổi bật là chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã đạt 100% kế hoạch đề ra.
Về nội dung Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định liên quan đến việc triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, ông Vũ Hồng Thanh nêu, tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, Quốc hội đã quy định thời hạn thực hiện các chính sách của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến hết ngày 31/12/2023.
"Ủy ban Kinh tế cho rằng trong điều kiện tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm 2023 thấp, giải ngân vốn của Chương trình chậm, đề nghị Chính phủ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện chính sách hỗ trợ 2% lãi suất này; đối với số vốn không giải ngân hết kế hoạch sau khi kết thúc thời gian giải ngân của Chương trình, trình Quốc hội hủy dự toán, kế hoạch vốn theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Luật Ngân sách nhà nước" - ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|