Cổ phiếu nhóm đầu tư công không còn "im hơi lặng tiếng"

(Banker.vn) Thời gian gần đây, dòng tiền đang nhen nhóm tại một số cổ phiếu đã "im hơi lặng tiếng" trong nhiều tháng qua, điển hình là các mã thuộc nhóm đầu tư công. Tuy nhiên, trước những thách thức về lãi vay và trích lập dự phòng của các doanh nghiệp ngành này, câu hỏi đặt ra là: Sóng đầu tư công có cơ hội trở lại hay không và đâu sẽ là nhân tố hút dòng tiền của các cổ phiếu?

Trên thị trường chứng khoán, giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 4 vừa qua là quãng chững lại của hầu hết các cổ phiếu đầu tư công. Thậm chí nhiều nhà đầu tư còn dán nhãn "đầu cơ" với các cổ phiếu này.

Cổ phiếu nhóm đầu tư công không còn
Sau gần 3 tháng đi ngang, một số cổ phiếu nhóm đầu tư công đã thu hút mạnh dòng tiền trở lại

Tuy nhiên, sau gần 3 tháng đi ngang, một số mã đã thu hút mạnh dòng tiền trở lại. Tính từ đầu tháng 5 đến nay, LCG đã tăng gần 11%, C4G tăng gần 10%, HHV tăng 16% hay VCG cũng tăng gần 10%. Đáng chú ý, nhiều cổ phiếu có tín hiệu tăng vượt đỉnh cũ, phá vỡ xu hướng đi ngang.

"Nhóm cổ phiếu đầu tư công đã phản ứng rất tích cực với thông tin thúc đẩy chính sách tài khóa. Với dòng tiền không đòi hỏi quá lớn ở nhóm này thì sớm muộn gì nhóm cổ phiếu này cũng sẽ vượt qua vùng tích lũy trong hơn 1 tháng trở lại đây", ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc, Công ty CP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam, đánh giá.

Cổ phiếu nhóm đầu tư công không còn
Nhiều cổ phiếu nhóm đầu tư công có tín hiệu tăng vượt đỉnh cũ, phá vỡ xu hướng đi ngang

Tuy nhiên, việc cổ phiếu tăng tương đối "nóng" trong khoảng thời gian ngắn cũng khiến giới đầu tư lúng túng khi chọn điểm mua. Mặt khác, theo các chuyên gia, việc lựa chọn doanh nghiệp không phải chỉ nhìn theo kỳ vọng doanh thu, mà đòi hỏi nhà đầu tư cần phân tích rõ sức khỏe tài chính của từng doanh nghiệp.

"Với các doanh nghiệp xây dựng, hạ tầng, áp lực nợ vay là khá lớn. Nhà đầu tư phải đánh giá bức tranh về mặt năng lực tài chính của họ đến đâu. Họ có nguồn vốn thực sự mạnh mẽ không, quy mô lãi vay của họ có hỗ trợ gì về mặt lãi suất không...Nếu doanh nghiệp chỉ đơn thuần vay truyền thống thì áp lực chi phí nợ vay tác động lên lợi nhuận khá lớn", ông Vũ Đức Nam, Sáng lập ART Investor, nhận định.

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDirect, trung bình tỷ lệ nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu của các công ty xây dựng hạ tầng là 1,1 lần trong cuối quý I vừa qua, cao nhất có doanh nghiệp nợ lên tới 2,4 lần vốn chủ sở hữu, nhưng cũng có cả doanh nghiệp gần như không có vay nợ.

"Theo tôi được biết, có những dự án đang làm theo hình thức BT thì Chính phủ và các địa phương đang chuyển hướng không làm theo hình thức này nữa mà chuyển sang đầu tư công, lấy vốn ngân sách để đầu tư, đây cũng là một yếu tố giúp chúng ta có thêm điều kiện giải ngân vốn mạnh mẽ hơn trong những quý tới", ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc, Công ty CP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam cho hay.

Cũng theo Công ty Chứng khoán VNDirect, bốn yếu tố hỗ trợ giúp đẩy nhanh các dự án đầu tư công trong năm nay bao gồm:

Thứ nhất, nợ công của Việt Nam đã giảm đáng kể trong những năm qua nhờ tăng trưởng GDP cao trong giai đoạn 2016-2022 và Chính phủ kiểm soát chi tiêu chặt chẽ. Tỷ lệ nợ công giảm từ mức 51% GDP trong năm 2016 xuống còn 40% GDP trong năm 2022 (ước tính của IMF), thấp hơn nhiều so với mức trần nợ công là 60% GDP. Nợ công thấp tạo dư địa cho việc mở rộng chính sách tài khóa để hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Thứ hai, lợi suất trái phiếu chính phủ đã giảm mạnh kể từ đầu năm 2023. Tính đến ngày 16-6, trên thị trường sơ cấp, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm và 15 năm giảm 1,6 điểm phần trăm và 1,7 điểm phần trăm, xuống lần lượt 2,9%/năm và 3,1%/năm. Trên thị trường thứ cấp, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 5 năm và 10 năm cũng giảm 2,8 điểm phần trăm và 2,4 điểm phần trăm xuống lần lượt 2,2%/năm và 2,75%/năm.

Thứ ba, lạm phát đã chậm lại đáng kể khi CPI tháng 5-2023 so với cùng kỳ chỉ tăng 2,43%, trong khi tháng 1 tăng 4,89%. Khi áp lực lạm phát giảm, Chính phủ có thể cân nhắc nới lỏng chính sách tài khóa.

Thứ tư, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ngành giao thông – vận tải hoàn tất công tác chuẩn bị để khởi công ba tuyến đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, Biên Hòa – Vũng Tàu, Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột và hai đường vành đai gồm Vành đai 4 Hà Nội và Vành đai 3 TPHCM. Các dự án này được yêu cầu khởi công trước ngày 30-6-2023.

Theo VNDirect, các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng sẽ được hưởng lợi lớn từ xu hướng đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong giai đoạn 2023-2025. Sau khi liên tiếp được chỉ định thầu tại các dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 (đầu năm 2023), các công ty xây dựng hạ tầng hàng đầu đã ghi nhận giá trị backlog (đơn hàng tồn đọng) tăng đáng kể.

Trong số này, tiêu biểu phải kể tới là Cienco 4 và Công ty CP Lizen (LCG). Với Lizen, trong khi trung bình tỷ lệ nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu của các công ty xây dựng hạ tầng vào thời điểm cuối quí 1-2023 là 1,1x, thì tại công ty này lại gần như không có nợ vay ròng. Với Cienco 4, do phải hợp nhất nhiều dự án BOT, tỷ lệ nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu đang cao hơn so với trung bình ngành, đạt 1,3x tại thời điểm cuối quí 1-2023.

Mặc dù vậy, Cienco 4 vẫn có sức khỏe tài chính tốt nhờ dự án BOT được hợp nhất là Nam Bến Thủy 2 vẫn đang có dòng tiền hàng năm dương. Nếu loại bỏ dư nợ vay tại dự án, tỷ lệ nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu của Cienco 4 chỉ ở mức 0,5x, thấp hơn đáng kể so với trung bình ngành.

"Thiên thời" ủng hộ, điểm mặt các cổ phiếu "đá xây dựng" đáng để đầu tư

Ngành đá xây dựng được thiên thời ủng hộ trong giai đoạn tới. Vậy đâu là những cổ phiếu đáng để đầu tư?

Tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 6 tháng đầu năm đạt hơn 3.220 tỷ đồng

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu chủ tịch, các thành viên hội đồng quản trị Eximbank nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, không ...

Gửi gắm niềm tin vào cổ phiếu nhóm ngành nào nửa cuối năm 2023?

Đa số các công ty chứng khoán dự báo đà tăng của thị trường chứng khoán sẽ còn kéo dài, lựa chọn cổ phiếu nào ...

Nhật Hải

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán