Cổ phiếu ngân hàng chìm trong "biển lửa", nhiều mã bị khối ngoại xả mạnh tuần qua

(Banker.vn) Trong tuần giao dịch cuối tháng 9, ghi nhận tới 26/27 cổ phiếu ngân hàng giảm, trong đó CTG và PGB là hai mã giảm mạnh nhất, lần lượt giảm 7,2%, 6,8%.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong tháng 9/2022 thị trường chịu rất nhiều áp lực từ việc FED tăng lãi suất mạnh, ngân hàng nhà nước cũng tăng các mức lãi suất điều hành lên thêm 1%, các quỹ ETF chịu áp lực rút vốn ròng khi lợi tức trái phiếu ở các nước tăng...Điều này khiến cho nhiều mã cơ bản tốt đã liên tiếp chịu áp lực bán mạnh về các vùng hỗ trợ tăng trưởng dài hạn.

Trên góc nhìn dài hạn, thị trường vẫn đang có mức định giá thấp so với trung bình 5 năm gần nhất. Nhưng ngắn và trung hạn vẫn chưa thoát khỏi xu hướng giảm giá.

Đồ thị kỹ thuật VN-Index. (Nguồn: KBSV).
Đồ thị kỹ thuật VN-Index. (Nguồn: KBSV).

Duy nhất 1 cổ phiếu ngân hàng tăng giá

Đối với cổ phiếu ngân hàng, trong tuần qua (26 - 30/9), có tới 26/27 mã cổ phiếu ngân hàng giảm giá. Trong đó, cổ phiếu CTG của VietinBank giảm mạnh nhất với mức giảm 7,2%, kết tuần còn 23.200 đồng/cp, qua đó về lại vùng đáy hồi tháng 6.

VCB và BID cũng không nằm ngoài xu hướng với mức giảm lần lượt là 3,6% và 2,4%. Bên cạnh đó, không ít cổ phiếu ngân hàng khác có mức giảm trên 5% như OCB, VPB, LPB, MSB, PGB, ...

Chiều ngược lại, duy nhất SGB là mã tăng giá trong tuần qua. Điều này nhờ trong phiên cuối tuần, SGB đã bất ngờ đảo chiều tăng kịch trần.

Thanh khoản của nhóm cổ phiếu ngân hàng có sự cải thiện lớn trong tuần qua. Cụ thể, có gần 495 triệu cổ phiếu ngân hàng được giao dịch, tăng hơn 26% so với tuần trước đó. Giá trị giao dịch tương đương đạt 12.336 tỷ đồng, tăng hơn 28%.

Trong đó, EIB bất ngờ dẫn đầu toàn ngành về khối lượng giao dịch với hơn 102 triệu đơn vị được trao tay, cách biệt so với mức 62,9 triệu đơn vị của VPB đứng sau đó. Chiếm chủ yếu trong đó là các giao dịch thỏa thuận.

Trong phiên cuối tuần, dữ liệu giao dịch ghi nhận hơn 64 triệu CP EIB được trao tay theo phương thức thỏa thuận. Tính chung trong cả tuần, hơn 77 triệu cp EIB được thỏa thuận, tương ứng với giá trị giao dịch gần 3.000 tỷ đồng.

Về khối ngoại, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục xu hướng giảm tỷ trọng cổ phiếu. Riêng trong nhóm ngân hàng, nhóm này đã bán ròng nhiều nhất 115 tỷ đồng CTG và 25 tỷ đồng HDB.

Còn nhóm tự doanh tích cực mua vào với tâm điểm chính là VCB (mua ròng 87 tỷ đồng), MBB (73 tỷ đồng), TCB (71 tỷ đồng),...

hận định của các công ty chứng khoán tuần (3 - 7/10)

Chứng khoán BIDV (BSC): Lực bắt đáy xuất hiện tại vùng 1.100 báo hiệu một xu hướng hồi phục khi thị trường đã xác định được vùng đáy ngắn hạn. Xu hướng giao dịch tuần sau có thể tich cực hơn khi dòng tiền này chảy vào thị trường.

Chứng khoán MB (MBS): Với phiên phục hồi hơn 30 điểm kể từ mức đáy trong phiên với nhiều cổ phiếu đóng cửa ở mức tăng cao nhất trong phiên, đây sẽ là tín hiệu hỗ trợ cho thị trường trong tuần tới, bên cạnh đó việc chứng khoán thế giới đã ổn định trở lại khi đà tăng dữ dội của đồng USD đã gặp vùng cản mạnh và có dấu hiệu đạt đỉnh.

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV): Mặc dù áp lực rung lắc sẽ còn tiếp diễn trong phiên kế tiếp, cơ hội mở rộng nhịp hồi phục của chỉ số trong ngắn hạn đang có phần chiếm ưu thế. Nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua đuổi, chỉ tiếp tục gia tăng một phần tỷ trọng ngắn hạn khi giá của các cổ phiếu mục tiêu đã lùi về vùng hỗ trợ.

Chứng khoán Vietcombank (VCBS): Không loại trừ việc phiên tăng điểm kết tuần chỉ lại phiên phục hồi kỹ thuật và quán tính giảm có thể vẫn còn tiếp diễn. Các nhà đầu tư tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi thị trường cho tín hiệu cân bằng, không vội vàng bắt đáy, mua đuổi cổ phiếu để quản trị rủi ro trong ngắn hạn.

Thu Thủy

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán