Cổ phiếu Hoa Sen (HSG) và sự thật sau một lời hứa...

(Banker.vn) Tính tới hết phiên giao dịch cuối tuần qua (4/11), cổ phiếu HSG đã giảm 65,1% giá trị sau lời hứa giá cổ phiếu tăng bằng lần tại Đại hội đồng cổ đông thường niên trong tháng 3/2022...

Mới đây, lãnh đạo tại Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HSG – sàn HOSE) đã thông báo đăng ký giao dịch cổ phiếu HSG của công ty. Theo đó, ông Đinh Viết Duy, Thành viên HĐQT đăng ký bán 50.000 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 0,02% về 0,01% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ 9/11 đến 8/12.

Cổ phiếu Hoa Sen (HSG) và sự thật sau một lời hứa...

Trước đó, ông Trần Quốc Phẩm, Phó tổng giám đốc đăng ký bán 400.000 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 0,12% về còn 0,06% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ 7/11 đến 2/12.

Thực tế, cổ phiếu HSG đang trải qua đợt bán tháo và giảm giá liên tục. Cụ thể, từ ngày 15/10/2021 đến ngày 4/11/2022, cổ phiếu HSG đã giảm 73,2% từ 41.460 đồng về 11.100 đồng/cổ phiếu và là một trong những cổ phiếu giảm mạnh nhất sàn HoSE.

Trước đó, từ 23/6 đến 24/6, Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen, tổ chức liên quan của ông Lê Phước Vũ vừa bán ra toàn bộ 17.749.301 cổ phiếu HSG để giảm sở hữu từ 3,6% về còn 0% vốn điều lệ. Như vậy, sau giao dịch, Công ty của ông Vũ không còn sở hữu cổ phiếu HSG.

Thêm nữa, từ ngày 17/10 đến 18/10, ông Bùi Thanh Tâm, Phụ trách Quản trị Công ty vừa bán ra 200.000 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 0,11% về chỉ còn 0,08% vốn điều lệ.

Cổ phiếu HSG giảm 65,1% giá trị sau "lời hứa" giá cổ phiếu tăng bằng lần

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2022, ông Lê Phước Vũ cho biết Công ty đang có bước ngoặt để thay đổi chiến lược. Trong đó, hình thành hệ thống Hoa Sen Home trong 5 - 10 năm tới, nếu triển khai tốt hệ thống sẽ đóng góp tốt vào cơ cấu doanh thu của Tập đoàn.

Trong đầu tư của xã hội, đầu tư vào nhà ở là một số tiền lớn. Hệ thống Hoa Sen Home cung cấp toàn bộ hệ thống cho việc này, vì vậy doanh số 1 - 5 tỷ USD là chuyện bình thường.

Hệ thống Hoa Sen Home sẽ là bước ngoặt lớn cho Tập đoàn. Ngoài ra, Tập đoàn không tập trung vào sản xuất, hiện Công ty đang giữ vị trí top đầu ngành tôn mạ ở Đông Nam Á và đứng vị trí top trong khu vực châu Á.

Với ngành Tôn đứng đầu, ống thép đứng thứ 2 và ống Nhựa đứng thứ 3, nhưng Công ty không đầu tư vào sản xuất nữa, tập trung nguồn lực vào cái nào tạo ra giá trị lớn nhất, tiềm năng nhất… Khi phát triển hệ thống phân phối, doanh số từ hệ thống phân phối có thể đóng góp từ 40.000 - 50.000 tỷ đồng.

Về vấn đề tại sao Hoa Sen không sản xuất, ông Vũ cho biết là do Công ty hướng tới mảng đang có lợi thế, hệ thống phân phối có hơn 600 cửa hàng trên cả nước, có dữ liệu khách hàng, có năng lực cạnh tranh…

Tóm lại, Công ty có hệ thống phân phối, nguồn lực tài chính, có khách hàng, có thương hiệu… để có thể phát triển Hoa Sen Home thành hệ thống phân phối số 1 tại Việt Nam, trong đó, chủ yếu nâng cấp năng lực, công nghệ…

"Sẽ không sản xuất, tài sản không cần thiết sẽ thực hiện bán hết để lấy tiền mặt, không sản xuất và tập trung phát triển Hoa Sen Home. Công ty không chia lợi nhuận, tập trung nguồn lực để phát triển cho tập đoàn, nếu chia hết lợi nhuận khi gặp khó khăn Công ty sẽ chịu áp lực lớn", ông Vũ chia sẻ.

Đồng thời, ông Vũ cho biết thêm: Khi thành công với chuỗi Hoa Sen Home, P/E của hệ thống phân phối sẽ là 25 lần, không còn 4 - 5 lần như hiện nay khi công ty hoạt động trong lĩnh vực thép. Nếu điều hành tốt, cổ phiếu Hoa Sen sẽ gấp nhiều lần so với Hoa Sen ở thời điểm hiện tại.

Được biết, Đại hội cổ đông thường niên diễn ra ngày 21/3, khi đó cổ phiếu HSG giao dịch vùng 31.830 đồng/cổ phiếu. Như vậy, sau lời hứa tăng bằng lần trong đại hội, tính tới ngày 4/11, cổ phiếu HSG đã giảm 65,1% giá trị.

Cổ phiếu Hoa Sen (HSG) và sự thật sau một lời hứa...
Diễn biến giá cổ phiếu HSG thời gian gần đây (Nguồn: TradingView)

Kinh doanh dưới giá vốn dẫn tới lỗ 886,98 tỷ đồng

Hoa Sen công bố Báo cáo quý IV niên độ 2021-2022 (1/7-30/9/2022) với doanh thu đạt 7.939,12 tỷ đồng, giảm 49,7% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 886,98 tỷ đồng, tức giảm 1.827,35 tỷ đồng.

Trong kỳ, Công ty kinh doanh dưới giá vốn dẫn tới lợi nhuận gộp ghi nhận âm 230,67 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 2.473,97 tỷ đồng, tức giảm 2.704,64 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh thu tài chính giảm 26,9% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 35,88 tỷ đồng về 97,4 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 30,9%, tương ứng giảm 49,86 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 44,8%, tương ứng giảm 621,02 tỷ đồng về 765,93 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Như vậy, mặc dù đã cố gắng tiết giảm chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp nhưng do kinh doanh dưới giá vốn, Hoa Sen vẫn báo lỗ 886,98 tỷ đồng trong quý IV.

Được biết, quý lỗ gần nhất IV/2018 (từ 1/7 đến 30/9/2018) với giá trị lỗ 101,8 tỷ đồng.

Điểm đáng lưu ý, quy mô tài sản của Hoa Sen thời điểm 30/9/2018 là 21.205,6 tỷ đồng nhưng lỗ 101,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời điểm 30/9/2022, quy mô tài sản là 17.023,9 tỷ đồng và ghi nhận lỗ 886,98 tỷ đồng.

Như vậy, thời điểm quý IV niên độ 2021-2022 có quy mô tài sản bằng 80,3% thời điểm quý IV niên độ 2017-2018 nhưng lỗ thì bằng 871%. Có thể thấy, thời điểm 30/9/2022 có quy mô tài sản nhỏ hơn nhưng lỗ thì lớn hơn rất nhiều thời điểm 30/9/2018.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, Hoa Sen ghi nhận doanh thu đạt 49.710,64 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 251,05 tỷ đồng, giảm 94,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong niên độ tài chính 2021-2022, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 46.399 tỷ đồng và 3 kịch bản lợi nhuận sau thuế lần lượt là 1.500 tỷ đồng, 2.000 tỷ đồng và 2.500 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm tài chính, Công ty mới hoàn thành được 10% kế hoạch lợi nhuận năm (kế hoạch lãi 2.500 tỷ đồng) và hoàn thành 16,7% kế hoạch năm (kế hoạch lãi 1.500 tỷ đồng). Như vậy, với việc ghi nhận lỗ trong quý IV, Công ty đã không thể hoàn thành được kế hoạch lợi nhuận năm cho dù kịch bản lợi nhuận thấp nhất.

Nguyên Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục