Chuỗi F&B - miếng bánh tỷ đô tại Việt Nam

(Banker.vn) Theo khảo sát, tổng tiêu thụ trà và cà phê tại Việt Nam ước tính 2,3 tỉ USD với tốc độ tăng trưởng dự kiến hơn 10%/năm.
Cơ hội từ thị trường F&B tại Việt Nam

F&B luôn là lĩnh vực quan trọng và nhiều tiềm năng phát triển. Bước sang giai đoạn hậu COVID-19, nhiều doanh nghiệp F&B đã thích ứng với xu hướng mới, tiếp tục nỗ lực trong việc sản xuất, xây dựng chiến lược phát triển phù hợp, từ đó củng cố vị thế và giá trị trên thị trường.

Số liệu doanh thu ngành F&B nửa đầu tháng 04/2022 cho thấy những thay đổi tích cực khi mức tăng trưởng của các doanh nghiệp đạt gần 40% so với cùng kỳ quý 01/2022 và tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ quý 04/2021.

Các cửa hàng Phúc Long flagship là động lực chính cho tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận
Các cửa hàng Phúc Long flagship là động lực chính cho tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận

Với tốc độ đô thị hóa cao, mức thu nhập bình quân ngày càng gia tăng, cộng hưởng với sự nổi lên của thế hệ Millennials (25-38 tuổi) và Gen Z (18-24 tuổi), hiện chiếm tới 47% dân số cả nước đã đem lại tiềm năng phát triển mạnh mẽ cho chuỗi bán lẻ F&B hiện đại. Thế hệ Milleninials và GenZ sẵn sàng chi trả nhiều hơn để sử dụng các sản phẩm và dịch vụ chất lượng, đáp ứng linh hoạt nhu cầu cá nhân và kết hợp xuyên suốt giữa kênh offline và online.

Sự nhộn nhịp này được thể hiện rõ hơn qua sự gia nhập của các thương hiệu nổi tiếng ở mảng F&B, phổ biến tại Việt Nam như Starbucks, The Coffee Bean & Tea Leaf; Các chuỗi trà trong khu vực Đông Nam Á, chủ yếu từ Đài Loan như: Gong Cha, Royal Tea và Dingtea...; Và các chuỗi cửa hàng nội địa cũng chiếm không kém phần lớn ưu thế như: Phúc Long, The Coffee House, Highlands Coffee, Trung Nguyên Legend...

Phúc Long kiosk trong cửa hàng WinMart+
Phúc Long kiosk trong cửa hàng WinMart+

Trước những tín hiệu tích cực trên, tổ chức nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới Mordor Intelligence Inc cũng đã dự báo, ngành F&B Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng kép hàng năm lên tới 8,65% trong giai đoạn từ năm 2021-2026. Bước sang quý 03/2022, nhiều doanh nghiệp F&B đã ghi nhận những thay đổi rõ rệt, trong đó có Phúc Long – chuỗi và café “đình đám” được giới trẻ rất yêu thích hiện nay.

Những con số đầy triển vọng

Là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ở lĩnh vực F&B với tuổi đời hơn 50 năm, Phúc Long liên tục được nhắc đến trên nhiều diễn đàn kinh doanh về sự tiên phong, nỗ lực tạo ra nhiều ý tưởng, sáng tạo và đi đầu trong ngành trà, cà phê thu hút cộng đồng quan tâm, đặc biệt là giới trẻ.

Phúc Long là điểm đến yêu thích của giới trẻ
Phúc Long là điểm đến yêu thích của giới trẻ

Vào ngày 25/10/2021, Công ty cổ phần Phúc Long Heritage đã chính thức thay đổi thông tin đăng ký kinh doanh. Theo đó, ông Nguyễn Đăng Quang (Masan Group) trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Lâm Bội Minh (Phúc Long) là Tổng giám đốc. Người đứng đầu Tập đoàn Masan kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị của Phúc Long khi chuỗi trà và café này mới là công ty liên kết đã hé lộ vai trò quan trọng của mảnh ghép này trong nền tảng Point of Life của Masan. Đến tháng 01/2022, Tập đoàn Masan đã mua thêm 31%, nâng tỉ lệ sở hữu tại Phúc Long lên 51%.

Mới đây, tháng 8/2022, The Sherpa - Công ty thành viên của Masan đã công bố thỏa thuận chi hơn 3.600 tỷ đồng (tương đương 154 triệu USD) mua 34% cổ phần Phúc Long, nâng tổng tỉ lệ sở hữu của Masan tại doanh nghiệp này lên 85%.

Chỉ trong nửa đầu năm 2022, Phúc Long Heritage ghi nhận doanh thu 820 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Đóng góp vào kết quả kinh doanh ấn tượng của Phúc Long phải kể đến tốc độ mở rộng quy mô “thần tốc” của chuỗi F&B này. Cụ thể, tính đến cuối tháng 6/2022, có gần 971 kiosk trong WinMart+, tăng đáng kể so với con số 28 kiosk trong nửa đầu năm 2021.

Bên cạnh đó, doanh thu của các cửa hàng flagship vào 6 tháng đầu năm 2022 và Quý 2/2022 đạt lần lượt 549 tỷ đồng and 281 tỷ đồng. Các cửa hàng flagship ghi nhận biên LNST lần lượt là 25,0% và 23,6% trong 6 tháng đầu năm 2022 và Quý 1/2022. Các cửa hàng này được kỳ vọng là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của Phúc Long trong nửa cuối năm 2022 khi công ty đặt mục tiêu mở thêm 40-50 cửa hàng flagship. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển đáng kể của doanh nghiệp này khi cộng hưởng vào hệ thống WinMart/WinMart+ nói riêng và hệ sinh thái rộng lớn của Masan nói chung.

Trà Phúc Long đậm vị là thức uống ưa thích của nhiều millennials và genZ
Trà Phúc Long đậm vị là thức uống ưa thích của nhiều millennials và genZ

Quy mô số lượng điểm bán trong top đầu các chuỗi bán lẻ F&B cũng là lợi thế cạnh tranh vượt trội của Phúc Long để phát triển doanh thu từ kênh online. Hiện nay, 35% doanh thu của Phúc Long đến từ kênh online. Các khách hàng trẻ của Phúc Long có thể đặt đồ uống qua các ứng dụng mua sắm và được giao hàng tận nơi nhanh chóng nhờ hơn 1.000 điểm bán offline của thương hiệu này.

Phúc Long đã ở vị thế sẵn sàng để trở thành thương hiệu F&B hàng đầu tại Việt Nam nhờ sự cộng hưởng với nền tảng Point of Life của Masan, chiến lược kinh doanh bài bản với danh mục sản phẩm liên tục được cập nhật, đáp ứng đúng xu hướng và phù hợp với nhu cầu ngày càng cao của người dùng.

PV

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán