Chính phủ chốt thời hạn cải cách tiền lương, sáp nhập huyện, xã

(Banker.vn) Trong năm 2024, Chính phủ quyết liệt sắp xếp đơn vị hành chính, khẩn trương hoàn thành vị trí việc làm, triển khai đồng bộ, hiệu quả cải cách tiền lương.
Cải cách tiền lương cùng với tăng lương hưu, các khoản trợ cấp từ 1/7/2024 Mức phụ cấp của công chức, viên chức bị bãi bỏ khi cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024

Ngày 8/1, Văn phòng Chính phủ thông tin, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

Theo đó, Chính phủ xác định 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

"Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tăng tốc sáng tạo; hiệu quả bền vững" là chủ đề được Chính phủ xác định trong năm nay, với nhiều trọng tâm chỉ đạo điều hành.

Chính phủ chốt thời hạn cải cách tiền lương, sáp nhập huyện, xã
Yêu cầu quyết liệt thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã

Trong đó, nhóm nhiệm vụ thứ 9, Chính phủ yêu cầu tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Theo đó, Chính phủ chỉ đạo thực hiện quyết liệt việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của các cơ quan, đơn vị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã vào Quý III năm 2024 để đầu năm 2025 tập trung cho đại hội Đảng các cấp, nhất là cấp xã.

Theo Nghị quyết, cần triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả, thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương về cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Để xây dựng bộ máy tinh gọn, Chính phủ quán triệt phải hoàn thành việc xây dựng vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống hành chính nhà nước trước ngày 31/3/2024.

Trong việc này, Chính phủ yêu cầu xác định rõ trách nhiệm từng bộ, ngành, địa phương và người đứng đầu để làm cơ sở thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ 1/7.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội khóa XV đã quyết nghị từ ngày 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước.

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 về lộ trình cải cách tiền lương, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương được ban hành năm 2018 đặt mục tiêu cải cách tiền lương từ 1/7/2021 nhưng chưa thể thực hiện vì nguồn lực còn khó khăn do đại dịch Covid-19 và tác động từ tình hình quốc tế.

Chính phủ đã cố gắng trích lập quỹ lương, tăng thu giảm chi, đến nay có khoảng 560.000 tỷ đồng tiết kiệm chi cho cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024 đến hết năm 2026.

"Song song cải cách tiền lương khu vực Nhà nước, chúng ta cũng cải cách tiền lương khu vực ngoài Nhà nước, doanh nghiệp, để tiệm cận với nhau", Thủ tướng nhấn mạnh.

Chí Tâm

Theo: Báo Công Thương