Chiến sự Nga-Ukraine: Tại sao Ukraine biết Krinky là bẫy nhưng vẫn tấn công?

(Banker.vn) Chiến sự Nga-Ukraine: Tại sao Ukraine biết Krinky là bẫy nhưng vẫn tấn công? Với việc thay đổi lãnh đạo AFU, Kiev có thể tiếp tục tấn công tại Kherson.
Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 30/1/2024: Nga áp sát Ugledar, phòng tuyến Ukraine có nguy cơ đổ vỡ Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 31/1/2024: Thông tin máy bay F-16 tham chiến tại Ukraine là tin giả? Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 1/2/2024: Ukraine sẽ cách chức Tổng tư lệnh Valeriy Zaluzhny trong những ngày tới

Sau những đồn đoán về việc Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Quân đội Ukraine, Kirill Budanov có thể sẽ thay thế tướng Valeriy Zaluzhny giữ chức Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine (AFU), rất có khả năng cuộc chiến tại đầu cầu Krinky (Kherson) sẽ tiếp diễn.

Vậy tại sao Ukraine biết Krinky đang là “cối xay thịt” những vẫn tiếp tục đẩy quân vượt sông dưới hỏa lực vượt trội của Nga?

Tiêu hao binh lực của Ukraine

Trong cuộc trao đổi với Bộ tư lệnh Liên hợp chỉ huy Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, sau khi nghe báo cáo tình hình mặt trận Kherson, ông Vladmir Putin đã khuyến nghị Đại tướng Valery Gerasimov, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nga, Tư lệnh Chiến dịch quân sự đặc biệt hay để Ukraine tiếp tục đưa những lực lượng tinh nhuệ vượt sông Dnieper sang phía tả ngạn bằng… những chiếc xuồng hơi, để phá hủy và tiêu hao những đơn vị này một cách có hệ thống bằng hỏa lực và trận địa kiên cố.

Theo tờ Izvestia của Nga, Tổng thống Nga Putin nói: "Đừng vội đẩy đối phương ra khỏi đó. Hãy để họ gửi thêm quân tới và chơi cuộc chiến tiêu hao để rồi bị tiêu diệt hoàn toàn. Thật đáng buồn đó là logic của bất kỳ cuộc chiến nào".

Chiến sự Nga-Ukraine: Tại sao Ukraine biết Krinky là bẫy nhưng vẫn tấn công?
Dù biết Krinky đang là "cối xay thịt", nhưng Ukraine vẫn đổ quân vào giữ đầu cầu bên tà ngạn sông Dnieper này. Ảnh: AP

Trả lời báo The New York Times, các binh sĩ Ukraine tham gia mặt trận Kherson cảm thấy thất vọng trước những báo cáo tích cực từ các quan chức Ukraine. Điều đó như giọt nước tràn ly, phá vỡ sự im lặng của họ.

Sĩ quan Ukraine có tên Alexey cho biết, lực lượng vũ trang Ukraine không thể giành được chỗ đứng ở bờ trái sông Dnieper cũng như di chuyển thiết bị đến đó. "Đây thậm chí không phải là một cuộc chiến sinh tồn. Đây là nhiệm vụ tự sát", sĩ quan Alexey nói.

Binh sĩ này cũng phủ nhận tuyên bố của các quan chức Kiev rằng Ukraine đã giành được chỗ đứng ở bờ trái sông Dnieper và tạo ra khu vực bàn đạp, đồng thời gọi thông tin này là phóng đại.

Tổn thất chính của binh sĩ Ukraine được cho là bởi công tác chỉ huy, hậu cần kém, cũng như tham vọng "chiến thắng trên truyền thông" của Kiev.

Tại sao Ukraine vẫn lao vào bẫy?

Như mọi hành động quân sự trước đó, phía Nga đã nắm rõ được mục đích tác chiến ưu tiên của Ukraine chính là giành lại quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ đã được Moscow sáp nhập. Vì vậy, chiến thuật quân sự của họ là từng bước chủ động dẫn dụ lực lượng vượt sông vào trận địa định sẵn để "quyết chiến".

Có thể thấy, toàn bộ thế trận phòng thủ tại Kherson của Moscow bám theo sông Dnieper dài cả trăm km với nhiều cù lao, kênh rạch và đầm lầy chia cắt. Việc ngăn chặn hoàn toàn lực lượng Ukraine vượt sông là rất khó khăn và cần huy động lực lượng lớn.

Vậy khi không thể ngăn chặn hoàn toàn đối phương vượt sông thì tại sao lại không tạo ra một hoặc một vài điểm đầu cầu để Ukraine tập trung lực lượng đổ bộ tại vị trí đã được chuẩn bị để tập trung hỏa lực tiêu hao.

Điều này đã được chứng minh trong thực tế. Trong các điểm tại chân cầu Antonov, theo cách vô tình hay hữu ý, lực lượng Ukraine đã giữ được vị trí mà phía Nga có lợi thế trong phòng thủ và hỏa lực.

Ukraine dường như rất dễ dàng vượt sông, nhưng lại khó mở rộng khu vực đầu cầu hoặc thiết lập cầu phao để vận chuyển lực lượng lớn sang bờ trái. Với địa hình đô thị kết hợp rừng thưa, khu vực này thực tế phù hợp cho lực lượng phòng thủ hơn là tấn công.

Và điều gì xảy ra khi lực lượng Ukraine vượt sông! Họ dễ dàng chiếm cứ các khu vực ven bờ, nhưng không thể phát triển vào phía trong do hỏa lực và các tuyến phòng thủ của Nga đã được dựng sẵn.

Với thế chủ động, lại vượt trội cả hỏa lực và quân số, phía Nga hoàn toàn có thể đẩy lực lượng đổ bộ Ukraine khỏi điểm đầu cầu này. Tuy nhiên, lực lượng phòng thủ Nga lại không tổ chức phản công, mà chỉ tập kích hỏa lực hai bên bờ sông biến nơi đây thành hỏa ngục, qua đó tiêu hao lực lượng Ukraine.

Chiến sự Nga-Ukraine: Tại sao Ukraine biết Krinky là bẫy nhưng vẫn tấn công?
Quang cảnh như trên mặt trăng tại mặt trận Krinky. Ảnh: Getty.

Để giữ vị trí bàn đạp, Ukraine liên tục phải đưa lực lượng vượt sông để tấn công, nhưng bất thành. Những gì diễn ra sau đó cũng không quá khó để nhận ra Krinky đã biến thành cái "thòng lọng" hay nói theo cách của người Nga chính là "nồi hầm" tiêu hao lực lượng Ukraine hàng ngày.

Quan trọng hơn nữa, Krinky không chỉ có vai trò tại mặt trận Kherson, mà là một phần chiến lược tiêu hao được Moscow hoạch định cho cả chiến trường dài hơn 1.000km.

Một yếu tố khác cần tính tới chính là truyền thông, Ukraine buộc phải đẩy mạnh tấn công vào Krinky và tuyên bố sẽ đưa chiến sự tới Bán đảo Crimea nhằm thuyết phục các đồng minh về quyết tâm của Kiev trong cuộc xung đột với Nga và đổi lấy những gói viện trợ quân sự.

Xét về toàn cục, trong khi Quân đội Nga đang có thế chủ động trên chiến trường, nội bộ Ukraine lục đục và nguồn lực viện trợ từ phương Tây bị gián đoạn, cuộc chiến tại Krinky nếu có tiếp diễn cũng giống như “thiêu thân lao vào lửa”.

Kim Ngân

Theo: Báo Công Thương