Chiến sự Nga-Ukraine 30/3/2024: Đức tiết lộ giải pháp chấm dứt xung đột; Ukraine huy động ít quân hơn dự kiến

(Banker.vn) Thông tin chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 30/3/2024: Đức tiết lộ giải pháp chấm dứt xung đột; Ukraine huy động ít quân hơn dự kiến ban đầu.
Chiến sự Nga-Ukraine ngày 27/3/2024: Nga phá vỡ phòng tuyến của Ukraine ở Verbove, tập kích dồn dập ở 114 khu vực Chiến sự Nga-Ukraine ngày 28/3/2024: NATO chưa sẵn sàng điều quân tới Ukraine; Nga nói về khả năng huy động thêm quân Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 29/3/2024: Ukraine thừa nhận quân đội trì trệ; Nga tăng cường an ninh ở Crimea

Thông tin chiến sự

Nga tập kích tên lửa vào Ukraine. Không quân Ukraine cho biết, đêm 28, rạng sáng ngày 29/3, 4 máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tu-95MS của Nga đã cất cánh từ sân bay Olenya ở tỉnh Murmansk. Các máy bay ném bom bay theo hướng đông nam.

Đến 4h51 sáng cùng ngày, không quân Ukraine tiếp tục ghi nhận sự hoạt động của 3 máy bay chiến đấu MiG-31K cất cánh từ sân bay Savasleyka ở lãnh thổ Nga. Được biết, 3 chiếc máy bay này có mang theo tên lửa Kinzhal.

Trong khi đó, Bộ Chỉ huy tác chiến của Lực lượng vũ trang Ba Lan thông báo đã điều động máy bay chiến đấu xuất kích trong bối cảnh Nga thực hiện cuộc tập kích tên lửa quy mô lớn vào mục tiêu quân sự Ukraine.

Nga-Ukraine
Chiến sự Nga-Ukraine ngày qua vẫn rất căng thẳng. Ảnh: TASS

Nga tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng Ukraine. Tập đoàn DTEK, công ty năng lượng tư nhân lớn nhất Ukraine, thông báo thiết bị tại 3 nhà máy nhiệt điện đã bị hư hỏng nghiêm trọng và một kỹ sư điện cũng bị thương do cuộc tấn công của Nga.

Thiết bị bị hư hỏng nghiêm trọng. Sau khi cuộc tấn công kết thúc, các kỹ sư điện đã nhanh chóng bắt tay vào giải quyết hậu quả”, DTEK thông báo. Theo phía Ukraine, Nga đã tập kích các cơ sở ở các tỉnh Dnipropetrovsk, Poltava và Cherkasy.

Một số diễn biến liên quan

Đức tiết lộ giải pháp duy nhất chấm dứt xung đột. Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố, hòa bình tại Ukraine có thể đạt được bất cứ lúc nào nếu Nga rút hết quân khỏi nước láng giềng.

Một số quốc gia, trong đó có Ukraine, đang thảo luận ở cấp cố vấn an ninh về các điều kiện có thể dẫn đến hòa đàm nhằm chấm dứt xung đột giữa Moscow và Kiev”, ông Scholz nói.

Tuy nhiên, Thủ tướng Scholz nhấn mạnh, “hòa bình có thể đạt được bất cứ lúc nào” nếu Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine.

Trong khi đó, đáp lại bình luận của Thủ tướng Đức, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, các cuộc đàm phán mà ông Scholz đề cập đến đều không có sự tham gia của Nga. Moscow nhiều lần khẳng định, bất kỳ cuộc đàm phán nào về hòa bình ở Ukraine mà không có Nga đều vô nghĩa.

Ukraine cần huy động ít quân hơn dự kiến. Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi tuyên bố, quân đội nước này sẽ cần huy động ít người hơn dự kiến ban đầu trong cuộc xung đột với Nga.

Theo ông Syrskyi, số binh lính cần huy động đã “giảm đáng kể” sau khi nhà chức trách xem xét các nguồn lực. Vị tướng này không nêu con số cụ thể.

Chúng tôi hy vọng sẽ có đủ người có khả năng bảo vệ tổ quốc của mình. Tôi đang đề cập đến cả những người được huy động và những chiến binh tình nguyện”, ông Syrskyi nói.

Ông Syrskyi cho rằng, quân đội Ukraine đang chuẩn bị “những tuyến phòng thủ mạnh mẽ ở hầu hết các khu vực bị đe dọa”. Ông tin các lực lượng Kiev chắc chắn sẽ giữ được vị trí của mình nếu Ukraine nhận được thêm đạn dược và hệ thống phòng không từ các đối tác phương Tây.

Nga nghiên cứu tên lửa Anh viện trợ cho Ukraine. Giới chuyên gia Nga được cho đang tích cực nghiên cứu các đặc tính chiến thuật và kỹ thuật của tên lửa hành trình Storm Shadow, do Anh và Pháp phối hợp phát triển và chuyển giao cho quân đội Ukraine.

Mới đây, một đoạn video do truyền thông Nga công bố đã ghi lại cảnh chuyên gia Nga tháo dỡ các bộ phận của tên lửa Storm Shadow và lần đầu tiên hé lộ cấu trúc bên trong của vũ khí này.

Đoạn video cho thấy tên lửa bị gãy một phần cánh, nhưng lớp vỏ composite bên ngoài cùng cấu trúc bộ phận bên trong còn nguyên vẹn. Chúng được tháo dỡ ngay tại hiện trường rơi, dường như để tách rời phần đầu nổ trước khi đưa về trung tâm nghiên cứu.

Theo truyền thông Nga, tên lửa nói trên có thể bị rơi vì bị hệ thống tác chiến điện tử của Moscow gây nhiễu hoặc gặp lỗi kĩ thuật khi bay, chứ không phải bị hỏa lực phòng không đánh chặn.

Ukraine để ngỏ khả năng đàm phán với Nga. Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba cho biết, nước này có thể tham gia kết nối ngoại giao với Nga sau hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Thụy Sỹ, dự kiến diễn ra trong năm nay.

Những người tham gia hội nghị thượng đỉnh sắp tới ở Thụy Sỹ sẽ được tự do lựa chọn những điểm trong đề xuất của Kiev mà họ muốn thực hiện, chẳng hạn như an ninh lương thực hoặc năng lượng hay trao đổi tù nhân”, ông Kuleba nhấn mạnh.

Theo Ngoại trưởng Ukraine, hội nghị thượng đỉnh đầu tiên sẽ quy tụ các quốc gia muốn giải quyết những vấn đề họ mong muốn, thành lập các nhóm công tác và kế hoạch hành động.

Sau đó, giữa các hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất và lần thứ hai, việc liên lạc với Nga có thể diễn ra theo những quy tắc được các bên tham gia đồng ý. Chúng tôi phải đảm bảo Nga không có cơ hội cản trở hội nghị thượng đỉnh hay tiến trình hòa bình như vậy”, ông Kuleba cho hay.

Thanh Bình

Theo: Báo Công Thương