“Cầm cương” giá vàng – Kỳ 3: Kê ''liều thuốc đắng'' giúp ''giã tật'' căn bệnh sốt giá vàng

(Banker.vn) Chuyên gia kinh tế cho rằng cần có những "liều thuốc" mạnh để giúp thị trường vàng dần ổn định, lành mạnh và phát triển theo hướng tích cực.
“Cầm cương” giá vàng – Bài 1: Hoa mắt, chóng mặt vì giá vàng "nhảy múa" liên tục “Cầm cương” giá vàng – Bài 2: Giá vàng "nóng bỏng tay", ai hưởng lợi? Giá vàng chiều nay 21/4/2024: Vàng SJC tuần qua tăng nhiều nhất 1,4 triệu đồng/lượng, vì sao nhiều người vẫn lỗ nặng?

Trong hơn một tháng gần đây, thị trường chứng kiến sự tăng như "vũ bão" của giá vàng. Ngày 15/4, vàng thậm chí khiến nhiều người sốc khi vượt mốc 85,4 triệu đồng lượng - mức cao chưa từng có trong lịch sử.

Trước sức nóng khủng khiếp của giá vàng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, để ổn định thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án can thiệp.

Tăng nguồn cung, bình ổn thị trường

Một trong những giải pháp được triển khai ngay là Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cung vàng miếng để giảm chênh lệch so với thế giới. Từ nhiều năm nay, SJC là đơn vị được giao độc quyền sản xuất vàng miếng nhưng trên thực tế chục năm qua, Ngân hàng Nhà nước chưa cấp phép cho đơn vị này dập thêm. Do đó, nguồn cung mặt hàng này trở nên hạn chế và cũng là một nguyên nhân khiến vàng miếng neo cao so với thế giới. Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ tiếp tục tạo điều kiện tối đa nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất để xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ.

“Cầm cương” giá vàng – Kỳ 3: Kê liều thuốc đắng giúp giã tật căn bệnh sốt giá vàng
Giá vàng trong nước gần đây liên tục tăng nóng, khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng liên quan để yêu cầu doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua, bán vàng nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả quản lý. Đồng thời sẽ tăng cường giám sát, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng giá vàng.

Đối với Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Ngân hàng Nhà nước đã có báo cáo tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện và cũng đã đề xuất một số phương hướng chỉnh sửa, bổ sung và triển khai trong thời gian tới.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ xem xét cho doanh nghiệp nhập vàng nguyên liệu trong thời gian tới.

Xóa bỏ độc quyền vàng miếng

Ngân hàng Nhà nước mới đây đã đề xuất bỏ cơ chế nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng SJC, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện. Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, nhà nước bỏ độc quyền vàng miếng cũng tỷ lệ thuận với nguồn cung tăng lên, giảm tình trạng thiếu hụt vàng, giá vàng trong nước sẽ dần sát với giá vàng thế giới. Tuy nhiên đây cũng là nỗi sợ đối với các nhà đầu tư đang tích trữ vàng SJC, bởi bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng, giá vàng SJC chắc chắn sẽ lao dốc.

Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, muốn cho phép các doanh nghiệp như: PNJ, DOJI được sản xuất vàng miếng thì cũng phải cho SJC nhập vàng nguyên liệu về để sản xuất thêm.

Bên cạnh bỏ độc quyền vàng SJC, nếu có sự thay đổi về chính sách nhập khẩu vàng nguyên liệu, các doanh nghiệp sẽ sản xuất ra nhiều hơn, nhà đầu tư cũng có thể sẽ bán ra vàng miếng nhiều hơn, vị chuyên gia chia sẻ.

Ông Khánh cũng cho biết thêm: Trước mắt chúng tôi kiến nghị việc cho phép 3 doanh nghiệp là PNJ, SJC, DOJI được nhập 1,5 tấn vàng/năm, tương ứng mỗi doanh nghiệp nhập 500 kg vàng/năm. Doanh nghiệp cũng chỉ được phép xin nhập trong phạm vi có kiểm soát, sẽ chia làm nhiều lần nhập, tùy theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước. Cũng theo vị này, thực chất con số 1,5 tấn không lớn, bởi nhu cầu vàng nữ trang trong nước lên tới 20 tấn.

"Chẳng hạn, một năm doanh nghiệp được nhập bao nhiêu miếng vàng, không để tự do muốn nhập bao nhiêu thì nhập. Khi kiểm soát như vậy, các vấn đề về tỷ giá, ngoại hối cũng kiểm soát được", ông Khánh nhấn mạnh.

Trong khi chờ đợi nhập khẩu vàng về Việt Nam do thủ tục sẽ mất rất nhiều thời gian, Ngân hàng Nhà nước thông báo chuẩn bị đấu thấu vàng miếng SJC sau 11 năm tạm ngừng hoạt động này. Đây được xem là một quyết sách hợp lý và cần thiết.

Ngân hàng Nhà nước có một lượng vàng khá lớn trong kho dự trữ có thể can thiệp ngay thị trường. Tháng 12/2023 Ngân hàng Nhà nước đã rà soát lại toàn bộ quy trình đấu thầu, do vậy đến nay, sau chỉ đạo của Thủ tướng thì Ngân hàng Nhà nước đã trong tư thế sẵn sàng để có thể đấu thầu. Trước đây ở giai đoạn mới áp dụng nghị định 24 về quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước cũng đã từng tổ chức khoảng 80 phiên đấu thầu vàng, ông Khánh cho hay.

Thêm nữa, không ai có thể tiết chế được nhu cầu mua vàng của người dân, nên giải pháp chắc chắn là phải tăng cung từ nguồn dự trữ ngoại hối quốc gia.

Mở cửa xuất, nhập khẩu vàng miếng

Theo các chuyên gia, xuất khẩu vàng hiện vẫn là một trong những bài toán khó. Do sự chênh lệch giá quá cao so với thị trường vàng thế giới và hiện tại nguồn cung vàng nguyên liệu cũng hạn chế khiến việc xuất khẩu gặp nhiều bất lợi.

Doanh nghiệp không được phép xuất khẩu vàng nguyên liệu, chỉ được xuất khẩu vàng mỹ nghệ, vàng trang sức theo giấy phép đăng ký kinh doanh (vàng, trang sức, mỹ nghệ là các sản phẩm vàng có hàm lượng vàng từ 8 kara trở lên, đã qua gia công chế tác để phục vụ nhu cầu trang trí, mỹ thuật).

Bên cạnh đó, thuế xuất khẩu của mặt hàng này cũng khá cao, 2% cho sản phẩm có chi tiết chứa vàng hàm lượng 95% trở lên, nên giá vàng sẽ là yếu tố quyết định giá thành phẩm đắt hay rẻ.

Vậy nên, cần phải mau chóng cải thiện tình trạng giá vàng tăng đột biến như hiện nay để giúp các doanh nghiệp sản xuất hạ giá thành, tăng doanh thu, thu hút đối tác nước ngoài, tạo điều kiện để ngành công nghiệp sản xuất phát triển.

Giám sát chặt, xử lý nghiêm

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, ngày 21/3/2024 Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục ban hành văn bản số 587/TCQLTT-CNV chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường thực hiện Công điện số 23/CĐ-TTg ngày 20/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý vàng.

Thời gian gần đây, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã tăng cường quản lý theo địa bàn, thu thập thông tin, theo dõi biến động mặt hàng vàng, thường xuyên giám sát thị trường để kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm, tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, các địa phương cũng chủ động rà soát, xây dựng, triển khai thực hiện ngay kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với mặt hàng vàng; chú trọng kiểm tra về điều kiện kinh doanh, nguồn gốc xuất xứ… quyết liệt xử lý tận gốc những vụ buôn lậu vàng trái phép xuyên biên giới. Đặc biệt xử lý nghiêm các hành vi trục lợi, đầu cơ, thao túc giá vàng.

Thủ tướng chính phủ cũng yêu cầu 100% các doanh nghiệp triển khai sử dụng hoá đơn điện tử trong các giao dịch mua, bán vàng nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng đưa ra quan điểm, Nhà nước cần làm rõ việc liên thông với thị trường vàng thế giới hay sẽ tách ra khỏi thị trường này như mong muốn của Nghị định 24/2012. Trong trường hợp có liên thông thì bắt buộc phải chấp nhận những diễn biến tiếp tục liên quan đến giá vàng thế giới chịu tác động bởi thị trường này.

"Ngược lại, nếu tách rời không phụ thuộc thì giá vàng chỉ biến động dựa vào cung cầu trong nước. Từ vấn đề này mới có thể đưa ra các hướng bình ổn thị trường vàng phù hợp", ông Ánh nhấn mạnh.

Xử lý ngay và luôn tình trạng chênh lệch giá vàng quá cao

Ngày 20/03/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 23/CĐ-TTg yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng.

Thủ tướng cũng chỉ đạo tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước, khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để bình ổn. Thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Đặc biệt, khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp để xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật liên quan đến thị trường vàng.

Theo: Báo Công Thương