Cuộc họp được tổ chức trong 2 ngày (24-25/2), với sự tham dự của Phó Thống đốc NHTW của 25 nền kinh tế mới nổi thành viên BIS. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh làm trưởng Đoàn đại biểu của Việt Nam.
Tại cuộc họp, các Phó Thống đốc cho rằng đại dịch COVID-19 đặt ra yêu cầu xem xét sự tương tác giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa từ góc nhìn mới. Suy thoái đột ngột và nghiêm trọng từ đại dịch đã làm tăng cầu ở cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, tăng nhu cầu điều phối chính sách trong nước chặt chẽ hơn, và sử dụng bảng cân đối ngân hàng trung ương nhiều hơn.
Khác với các cuộc khủng hoảng trước, các thị trường mới nổi đã nới lỏng cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để ứng phó với cú sốc COVID-19.
Một hình thức tương tác phổ biến giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa là nghiệp vụ cho vay thông qua hoạt động của NHTW cho vay trực tiếp hoặc gián tiếp nhằm hỗ trợ dòng tín dụng đến các khu vực mục tiêu, mở rộng danh sách tài sản bảo đảm đủ điều kiện, kéo dài thời gian đáo hạn khoản cho vay…
Ở các nước mới nổi, chính sách tiền tệ đóng vai trò lớn hơn trong việc ứng phó với khủng hoảng COVID-19, tương tác giữa các ngân hàng trung ương với cơ quan quản lý tài khóa tại các thị trường mới nổi tỏ ra khá hiệu quả trong giai đoạn dịch bệnh.
Phần thảo luận của các Phó Thống đốc cho thấy, khác với các cuộc khủng hoảng trước đó, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đã bổ trợ cho nhau trong việc giải quyết các khiếm khuyết của nền kinh tế và giảm nhẹ suy thoái từ cú sốc COVID-19.
Khuôn khổ chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và thị trường tài chính được tăng cường đã giúp các nhà hoạch định chính sách hành động kịp thời và hiệu quả. Ảnh hưởng của thâm hụt tài khóa lên lạm phát nhỏ hơn so với trước đây; cùng với đó, mức dự trữ ngoại hối cao hơn đóng vai trò như bộ đệm chống đỡ trước cú sốc đảo ngược luồng vốn và tỷ giá mất giá mạnh, tạo dư địa cho chính sách tiền tệ và củng cố khả năng chống đỡ của nền kinh tế.
Ngoài ra, tình hình tài chính công tại các nền kinh tế mới nổi được cải thiện trên nhiều mặt do đẩy mạnh thực hiện chính sách tài khóa nghịch chu kỳ, hạn chế chi tiêu trong thời gian tốt, qua đó cải thiện niềm tin của nhà đầu tư. Khu vực ngân hàng được củng cố tạo điều kiện cho các phản ứng tài khóa và tiền tệ mạnh mẽ, hiệu quả.
Trong thời gian tới, chiều hướng tương tác giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh. Các nhà hoạch định chính sách sẽ phải đối mặt với nhiều hạn chế phục thuộc vào các yếu tố bên trong và bên ngoài.
Ở bên ngoài, quá trình phục hồi dự kiến sẽ diễn ra từ từ và ẩn chứa nhiều yếu tố không chắc chắn; đệm chính sách trở nên mỏng hơn trong bối cảnh khu vực tư nhân chịu nhiều thiệt hại từ cuộc khủng hoảng.
Bên cạnh đó, việc chính phủ Mỹ thực hiện kích thích tài khóa quy mô lớn và tăng cường phát hành nợ đã tạo áp lực lên lạm phát, làm tăng lợi tức dài hạn tại các thị trường chủ chốt. Nếu tình trạng này tiếp diễn, các nhà đầu tư nước ngoài có thể thấy tài sản tại các nền kinh tế mới nổi trở nên kém hấp dẫn.
Hình ảnh các đại diện tham dự Cuộc họp các Phó Thống đốc NHTW thị trường mới nổi của BIS
Theo đánh giá của các Phó Thống đốc, các gói kích thích tài khóa quy mô lớn khiến đệm tài khóa trở nên mỏng hơn đáng kể, thể hiện ở tỷ lệ nợ/GDP cao ở một số nền kinh tế mới nổi. Nếu tình trạng căng thẳng hiện tại tiếp diễn, lãi suất có thể sẽ tiếp tục được giữ ở mức thấp. Tuy vậy, nếu lãi suất thấp duy trì quá lâu, lợi nhuận của ngân hàng có thể bị xói mòn.
Nhóm các nền kinh tế mới nổi trong BIS gồm 25 quốc gia. Cuộc họp của các Phó Thống đốc NHTW các nền kinh tế mới nổi được BIS tổ chức 1 lần/năm về các lĩnh vực liên quan đến chính sách tiền tệ và kinh tế vĩ mô. Đây là cuộc họp Phó Thống đốc đầu tiên mà NHNN tham gia với tư cách thành viên chính thức BIS.
T.H
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ (link gốc)
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|