Cả nước ghi nhận hơn 93.800 ca sốt xuất huyết, nhiều người bệnh diễn biến nặng

(Banker.vn) Cả nước hiện ghi nhận 93.814 ca mắc sốt xuất huyết, 26 trường hợp tử vong. Đáng lo ngại, nhiều ca bệnh có diễn biến phức tạp.
Số ca sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng chóng mặt, làm gì để tránh? 1 tuần, Hà Nội ghi nhận hơn 2.400 ca sốt xuất huyết

Tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 93.814 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 26 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022 (228.490/117) số mắc giảm 58,9%, tử vong giảm 91 trường hợp, tuy nhiên đặc thù các bệnh nhân sốt xuất huyết nặng năm nay có diễn biến phức tạp, nhiều trường hợp trẻ nhưng diễn biến nặng khi mắc.

Cả nước ghi nhận hơn 93.800 ca sốt xuất huyết, nhiều người bệnh diễn biến nặng
Cả nước ghi nhận hơn 93.800 ca sốt xuất huyết, nhiều người bệnh diễn biến nặng. Ảnh minh họa

Hà Nội là một trong những địa phương có số ca mắc cao và vẫn tiếp diễn phức tạp. Theo thống kê, trong tuần này, trên địa bàn thành phố tiếp tục có thêm gần 2.600 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 1,5 lần so với tuần đầu của tháng 9/2023. Cộng dồn 9 tháng năm 2023, Hà Nội đã ghi nhận 15.354 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022, trong đó có nhiều ổ dịch phức tạp kéo dài.

Giới chuyên gia cho hay, sở dĩ Hà Nội ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất là xu thế chung về dịch tễ của cả khu vực, vì thông thường Hà Nội cũng như các tỉnh khu vực miền Bắc thường ghi nhận ca mắc bắt đầu tăng từ tháng 7, 8 và đạt đỉnh vào tháng 9, 10. Ngoài ra năm nay còn có các yếu tố về thời tiết nắng nóng, mưa nhiều thuận lợi cho đàn muỗi véc tơ phát triển với mật độ cao, phát tán virus Dengue ở cộng đồng mạnh.

Ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW cho thấy, bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện có xu hướng tăng nhanh trong những ngày qua. Trung bình, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 4-5 trường hợp có dấu hiệu cảnh báo sốc sốt xuất huyết với biểu hiện: Đau bụng, đau tức vùng gan, chảy máu niêm mạc, tiểu cầu thấp, máu cô đặc.

Theo các bác sĩ, những trường hợp này cần phải được phát hiện và điều trị tích cực, bởi chỉ sau 4-6 tiếng, bệnh nhân có thể bị sốc sốt xuất huyết, khi đó người bệnh sẽ diễn biến nguy kịch rất nhanh, thậm chí tử vong.

Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt. Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, người dân thực hiện đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Khi bị sốt cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Tâm An

Theo: Báo Công Thương