Bộ Công Thương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

(Banker.vn) Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đã ký văn bản giao nhiệm vụ cho từng đơn vị thuộc Bộ thực hiện đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.
Bộ Công Thương khẳng định đã trình Dự thảo sửa đổi các Nghị định kinh doanh xăng dầu từ giữa tháng 7/2023 Bộ Công Thương ban hành chương trình hành động thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Công Thương đến năm 2030

Theo đó, các đơn vị có thủ tục hành chính thuộc Bộ tiếp tục đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nội dung cải cách hành chính theo quy định tại Nghị quyết số 76/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030; quán triệt thực hiện nghiêm túc các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác cải cách thủ tục hành chính góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công và sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trong thời gian tới.

Căn cứ vào Chỉ số cải cách hành chính năm 2022, tổ chức rà soát, phân tích đánh giá; xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu, nguyên nhân và trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong triển khai nhiệm vụ được giao để có giải pháp cải thiện các chỉ số trong thời gian tới. Tăng cường thông tin, tuyên truyền về ý nghĩa, kết quả các chỉ số tới đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm và sự đồng thuận đối với công tác cải cách hành chính.

thủ tục hành chính
Bộ Công Thương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm và công bố, công khai các cán bộ, công chức, viên chức để xảy ra chậm trễ, gây phiền hà. Kịp thời xử lý, ngăn chặn tình trạng công chức, viên chức đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ, nhiệm vụ; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách, các giải pháp phù hợp để khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động quy định thủ tục hành chính trong đề nghị xây dựng dự án luật, pháp lệnh; dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong đó kiên quyết chỉ ban hành và duy trì thủ tục hành chính thật sự cần thiết, với chi phí tuân thủ thấp.

Công bố, công khai kịp thời, đầy đủ, chính xác các thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính để đội ngũ cán bộ, công chức và người dân, doanh nghiệp biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện. Định kỳ hàng quý thống kê đầy đủ những thủ tục hành chính được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ để kiểm soát chặt chẽ việc ban hành và thực hiện thủ tục hành chính, gửi Văn phòng Bộ.

Phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khẩn trương tiến hành số hóa các thủ tục hành chính, số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực từ đó hình thành kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng Dịch vụ công của Bộ Công Thương.

Cụ thể các Cục: Xuất nhập khẩu, Công Thương địa phương, Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp và Vụ Thị trường trong nước khẩn trương rà soát, sửa đổi văn bản pháp luật để thực hiện Nghị quyết số 100/NQ-CP của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công Thương, tiến độ hoàn thành trong tháng 9/2023.

Ngoài ra, các Cục: Công nghiệp, Điều tiết điện lực, Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp, Xuất nhập khẩu, chủ động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi thủ tục hành chính để thực thi phương án phân cấp thủ tục hành chính tại Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022, tiến độ hoàn thành trong tháng 9/2023.

Thứ trưởng Phan Thị Thắng cũng đề nghị Văn phòng Bộ chủ trì cho ý kiến, thẩm định, thẩm tra quy định thủ tục hành chính trong đề nghị xây dựng dự án luật, pháp lệnh; dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Chủ trì hướng dẫn việc thực hiện Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022 − 2025, bảo đảm mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 20% thủ tục hành chính nội bộ và cắt giảm tối thiểu 20% chi phí tuân thủ.

Theo dõi, đôn đốc việc sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của các đơn vị có liên quan đến việc thực thi phương án phân cấp thủ tục hành chính theo Quyết định số 1015/QĐ-TTg; đầu mối tổng hợp, xây dựng báo cáo tình hình thực thi phương án phân cấp gửi Văn phòng Chính phủ.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì thực hiện tái cấu trúc quy trình giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công đã được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh để tiếp tục đơn giản hóa các quy trình, thủ tục, giấy tờcông dân theo thẩm quyền và trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bảo đảm thực chất, hiệu quả, hoàn thành trong tháng 9 năm 2023.

Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ xây dựng tiếp tục xây dựng phương án cắt, giảm đơn giản hóa quy định kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương để trình Thủ tướng Chính phủ; xây dựng báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ trong trường hợp có khó khăn, vướng mắc.

Hướng dẫn đơn vị thuộc Bộ truy cập vào Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh để xử lý triệt để, dứt điểm các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ Công Thương.

Cục Điều tiết điện lực chủ trì rà soát phương án cắt giảm đơn giản hóa đối với nhóm thủ tục hành chính nội bộ trọng tâm ưu tiên theo Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ, hoàn thành trong tháng 8 năm 2023.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đã ký văn bản số 5059/BCT-VP về việc thực hiện Công điện số 644/CĐ-TTg và Coogn văn số 3668/BNV-CCHC.

Hải Linh

Theo: Báo Công Thương