Bị quản lý dòng vốn đầu tư, các ngân hàng nói gì?

(Banker.vn) Một trong những thay đổi lớn nhất của dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp là chuyển từ quản lý doanh nghiệp sang quản lý dòng vốn.
Hải Phòng đứng thứ 8 cả nước về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công Nền kinh tế trông vào động lực đầu tư công Kiến nghị kiểm toán góp phần đảm bảo minh bạch trong quản lý vốn đầu tư công

Doanh nghiệp có quy mô lớn, ở lĩnh vực đặc thù

Chia sẻ tại tọa đàm về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 8/8, ông Lê Anh Xuân - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính kế toán, Ngân hàng Nhà nước - cho hay, Ngân hàng Nhà nước được giao làm đại diện chủ sở hữu tại 12 doanh nghiệp và tổ chức tín dụng, gồm 8 tổ chức tín dụng là 4 ngân hàng “Big 4” (Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank), 3 ngân hàng chuyển giao bắt buộc (CBBank, OceanBank, GPBank) và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam. Cùng với đó có một tổ chức tài chính là Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; 3 DN là Nhà máy In tiền Quốc gia, Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam và Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam.

Tổng vốn điều lệ của các doanh nghiệp thuộc Ngân hàng Nhà nước là 233.000 tỷ đồng, tổng vốn chủ sở hữu là 170.000 tỷ đồng, quy mô tài sản lên tới hơn 8,5 triệu tỷ đồng. “Đây là những doanh nghiệp có quy mô lớn, ở những lĩnh vực đặc thù, có tác động quan trọng đến hoạt động kinh tế xã hội của đất nước” - ông Xuân cho hay.

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, hiện việc quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng đang thực hiện theo các luật chung như: Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014 (Luật số 69) và các luật chuyên ngành như: Luật các Tổ chức tín dụng, Luật Bảo hiểm tiền gửi…

Bị quản lý dòng vốn đầu tư, các ngân hàng nói gì?
Toạ đàm về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện, việc triển khai thi hành Luật số 69 đã có một số vướng mắc như: Khái niệm doanh nghiệp do Thủ tướng thành lập. Bởi trong khối ngân hàng thương mại, một số ngân hàng trước đây do Hội đồng Bộ trưởng thành lập, do đó, có vướng mắc về xác định thẩm quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu. “Hiện, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 97 để tháo gỡ vấn đề này” - ông Xuân nói.

Bên cạnh đó, có một số nội dung mà Luật số 69 chưa làm rõ nên vướng mắc khi triển khai như: phê duyệt dự án mua sắm tài sản; các vấn đề liên quan khác cần báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu; khái niệm tài sản… Do đó, việc sửa đổi Luật số 69 lần này là rất quan trọng.

Theo đại diện Ngân hàng Agribank, một trong những thay đổi lớn nhất của dự thảo là chuyển từ quản lý doanh nghiệp sang quản lý dòng vốn đầu tư. Ở góc độ tổng thể, việc quản lý dòng vốn đầu tư có vẻ đơn giản hơn quản lý tổ chức, nhưng thực chất lại phức tạp và khó khăn hơn do liên quan đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đại diện Agribank cho rằng, với quan điểm này, dự thảo quy định quản lý đến doanh nghiệp F2 (doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp - doanh nghiệp F1) sẽ làm phức tạp hơn công tác quản lý.

“Nếu quản lý theo dòng vốn thì chỉ nên quản lý đến các doanh nghiệp F1, vì dòng vốn nhà nước chỉ đầu tư vào đến F1, còn nếu quản lý F2 thì “hơi rộng”. Theo dự thảo, cứ F1 đầu tư vào doanh nghiệp khác thì đó là F2, nhưng thực tế có trường hợp vốn đầu tư của F1 chỉ có 10%, việc quản lý đến F2 về con người và cơ cấu tổ chức sẽ “bí”. Chưa kể, nếu vốn nhà nước đầu tư vào F1 chỉ có 51%, sau đó F1 lại đầu tư vào F2 chỉ có 10% thì số vốn đầu tư rất nhỏ. Do vậy, nên đầu tư đến đâu thì quản lý đến đó sẽ phù hợp hơn” - đại diện Agribank nêu quan điểm.

Một nội dung nữa cũng được đại diện Agribank cho ý kiến, đó là vấn đề phân phối lợi nhuận sau thuế vào Quỹ đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp. Hiện nay, theo quy định bắt buộc, hàng năm các ngân hàng thương mại đều phải tăng vốn điều lệ, trong khi đối với các doanh nghiệp khác thì không bị điều chỉnh bởi quy định này. Do đó, tùy từng loại hình doanh nghiệp mà dự thảo quy định cho phép được để lại 50%, 80% hay 100%, với các tổ chức tín dụng do tính đặc thù nên đề xuất được để lại 100%.

Cũng về vấn đề này, bà Phùng Nguyễn Hải Yến - Phó Tổng giám đốc Vietcombank - đánh giá, dự thảo luật cơ bản đã bám sát “hơi thở” cuộc sống của các doanh nghiệp có vốn nhà nước, sửa đổi được những bất cập tại Luật hiện hành. Tuy nhiên, các quy định tại dự thảo cần nhất quán với các luật khác liên quan đến các tổ chức tín dụng. Cụ thể, liên quan đến phân phối lợi nhuận và các quỹ, với các tổ chức tín dụng, quy định này đã được cụ thể hoá tại Điều 148 của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, nên quy định này tại dự thảo cũng cần thống nhất và tính đến tính chất đặc thù của tổ chức tín dụng, khi phải cung ứng một lượng vốn lớn cho nền kinh tế, nên cần tăng vốn từ lợi nhuận để lại nhằm đảm bảo các tiêu chí về tỷ lệ an toàn vốn.

Bị quản lý dòng vốn đầu tư, các ngân hàng nói gì?
Các tổ chức tín dụng do tính đặc thù nên đề xuất được để lại 100% lợi nhuận để tăng vốn

Chưa rõ địa vị pháp lý của các ngân hàng 0 đồng

Ông Triệu Việt Thắng - Trưởng phòng Pháp chế GPBank - một ngân hàng thuộc nhóm “ngân hàng 0 đồng” cho hay, vì là ngân hàng đặc thù, Nhà nước quản lý chứ không phải đầu tư vốn. Hiện, các ngân hàng đang thực hiện tái cơ cấu và khi Luật này ban hành, các ngân hàng mong muốn Luật sẽ có những quy định cụ thể, tạo điều kiện để các ngân hàng thực hiện tái cơ cấu.

Bên cạnh đó, tại khoản 11, điều 58, quy định doanh nghiệp chỉ được bán nợ cho tổ chức kinh tế có chức năng mua bán nợ. Tuy nhiên hiện nay việc bán nợ đang là một giải pháp quan trọng để các ngân hàng thuộc diện chuyển giao bắt buộc thực hiện tái cơ cấu.

“Nếu giới hạn đối tượng được mua nợ thì có thể sẽ khó khăn cho các ngân hàng trong việc xử lý nợ, tái cơ cấu” - đại diện Ngân hàng Xây dựng nêu ý kiến và đề xuất cho phép áp dụng theo Luật Các tổ chức tín dụng.

Phát biểu làm rõ một số ý kiến các doanh nghiệp nêu, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Bùi Tuấn Minh cho biết, việc đưa các doanh nghiệp F2 vào Luật mới là để tháo gỡ bất cập hiện nay ở Luật số 69 chưa quy định về doanh nghiệp F2, do đó các doanh nghiệp lúng túng khi thực hiện. Theo tinh thần của dự thảo, cơ quan đại diện chủ sở hữu quản lý doanh nghiệp F1, doanh nghiệp F1 quản lý F2, “đây là để tháo gỡ, dễ thực hiện hơn chứ không phải để làm khó khăn hơn” - ông Bùi Tuấn Minh nêu rõ.

Về quỹ đầu tư phát triển, ông Bùi Tuấn Minh khẳng định, đây không phải là quỹ của doanh nghiệp mà là của chủ sở hữu, ngay ở tên gọi đã nêu rõ. Do đó, chủ sở hữu có thể sử dụng quỹ này để cho các mục đích khác cũng như điều chuyển tới các doanh nghiệp khác. Cũng với quan điểm này, việc phân phối lợi nhuận sau thuế phải được thực hiện theo Luật này chứ không phải Luật Các tổ chức tín dụng, bởi đây mới là luật chuyên ngành về quản lý vốn nhà nước.

Liên quan đến các ngân hàng 0 đồng, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết, đây là vấn đề đang rất khó để xác định đối tượng. Các ngân hàng này thuộc 100% sở hữu của nhà nước, nhưng tính toán giá trị thế nào thì chưa rõ. Do đó, việc đưa các ngân hàng vào luật này hay để ở luật khác thì rất cần được thảo luận, phân tích thêm và đặc biệt là cần có đề xuất giải pháp của Ngân hàng Nhà nước, cơ quan trực tiếp quản lý, nắm rõ về các ngân hàng này.

Ngân Thương

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục