Báu vật Champa bị nghi đồ giả: Bảo tàng Lịch sử quốc gia nói gì?

(Banker.vn) Trước xôn xao một số hiện vật trong trưng bày “Báu vật Champa - Dấu ấn thời gian” là đồ giả, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã lên tiếng chính thức.
Giới thiệu 60 hiện vật tiêu biểu tại trưng bày 'Báu vật Champa – Dấu ấn thời gian' Bảo tàng Lịch sử quốc gia vẫn mở cửa đón khách dịp nghỉ lễ 30/4-1/5

Ngày 28/8, Bảo tàng Lịch sử quốc gia khai mạc trưng bày “Báu vật Champa - Dấu ấn thời gian” giới thiệu tới công chúng hơn 60 hiện vật tiêu biểu của văn hoá Champa bằng chất liệu vàng, bạc và đá quý, có niên đại thế kỷ 17 - 18. Các hiện vật tiêu biểu cho 2 loại hình: Tượng, linh vật tôn giáo và đồ trang sức, vật dụng mang biểu tượng quyền uy hoàng tộc, tôn giáo đều được thể hiện rất tinh mĩ với trình độ chế tác kim hoàn kỹ thuật cao, có giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật đặc biệt.

Tuy nhiên, ngay sau sự kiện, trên mạng xã hội xuất hiện không ít ý kiến chỉ ra rằng, có đồ giả trong trưng bày bảo vật Champa lần này.

Báu vật Champa bị nghi đồ giả: Bảo tàng Lịch sử quốc gia nói gì?
Các hiện vật trong trưng bày “Báu vật Champa - Dấu ấn thời gian” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Trước các ý kiến, ông Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia - đã cho biết, bộ sưu tập “Báu vật Champa - Dấu ấn thời gian” của nhà sưu tập Đào Danh Đức đã được Bảo tàng tiếp xúc và nghiên cứu từ năm 2013. Từ đó đến nay, cán bộ Bảo tàng luôn tìm tòi, đối sánh tư liệu, hiện vật đang lưu giữ tại các bảo tàng công lập và sưu tập tư nhân để có cái nhìn khách quan và thấu đáo hơn về sưu tập này.

Trong quá trình đó, theo ông Nguyễn Văn Đoàn, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tiếp xúc với nhiều nguồn tư liệu của các nhà nghiên cứu người Pháp công bố trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, cùng với việc khảo sát trực tiếp những sưu tập hiện vật đang lưu giữ tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh và sưu tập Bảo vật Hoàng cung triều Nguyễn đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia để so sánh, đánh giá sự tương đồng của các sưu tập đó với sưu tập của ông Đào Danh Đức.

Đối với sưu tập hiện vật của ông Đào Danh Đức, Bảo tàng đã thành lập Nhóm nghiên cứu, giám định, đồng thời mời các chuyên gia có kinh nghiệm trong việc nghiên cứu, giám định cổ vật. “Trong quá trình giám định, các chuyên gia cũng như nhóm nghiên cứu, giám định của Bảo tàng đều nhận thấy những hiện vật trong sưu tập của Đào Danh Đức đều có lớp patin xỉn màu theo sự bào mòn của thời gian, cùng những dấu vết sứt, móp, thủng, rách… rất tự nhiên, thể hiện rõ nét sự chân xác của cổ vật”, ông Nguyễn Văn Đoàn khẳng định.

Nhấn mạnh thêm, ông Nguyễn Văn Đoàn cho hay, các chuyên gia cũng rất quan tâm đến kỹ thuật chế tác, các dấu hiệu cho thấy rõ những hiện vật này đều được tạo tác bằng kỹ thuật gò, dát, dập, chạm và hàn ghép thủ công bằng nhựa thực vật. Các họa tiết trang trí dày, nhỏ nhưng không rườm rối, rất tinh mĩ, phản ánh trình độ điêu luyện của người thợ kim hoàn đương thời. Khi so sánh với sưu tập đồ trang sức thời chúa Nguyễn (thế kỷ 17 - 18) hiện lưu giữ tại Bảo tàng cũng cho thấy nét tương đồng về kỹ thuật tạo tác kim hoàn.

Báu vật Champa bị nghi đồ giả: Bảo tàng Lịch sử quốc gia nói gì?
Trang sức trong trưng bày “Báu vật Champa - Dấu ấn thời gian”

Bên cạnh phương pháp giám định chuyên gia, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia thông tin, cơ quan này cũng đã đề nghị chủ sưu tập cho phân tích thành phần hợp kim của từng hiện vật bằng phương pháp chụp huỳnh quang tia X để xác định thành phần hợp kim. Qua kết quả phân tích, các hiện vật bằng kim loại vàng đều có thông số tương đồng với 3 thành phần chính là vàng, bạc và đồng, trong đó vàng chiếm tỉ lệ từ 60 - 80%, bạc chiếm tỉ lệ từ 15 - 30%, đồng chiếm tỉ lệ 2 - 6%.

Đối với hiện vật bạc, qua phân tích nhận thấy gồm có 3 thành phần chính là bạc, đồng và kẽm, trong đó bạc chiếm tỉ lệ từ 80 - 90%, đồng chiếm tỉ lệ 5 - 10%, còn lại là kẽm. Tỷ lệ vàng, bạc của các hiện vật trong sưu tập Đào Danh Đức hoàn toàn tương đồng với những hiện vật cùng chất liệu được chúng tôi khai quật tại di tích tháp Cấm Mít (Đà Nẵng) và một số hiện vật Champa trong sưu tập hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng”.

Ngoài ra, những viên đá được khảm và đính trên hiện vật cũng đã được tiến hành giám định và kết quả đều xác định đây là những viên đá tự nhiên, thuộc các loại đá thạch anh màu và saphire. “Từ kết quả giám định hiện trạng, kỹ thuật chế tác, đối sánh tư liệu và phân tích thành phần hợp kim và đá, đều xác định tính chân xác của sưu tập hiện vật này- ông Đoàn nói.

Về đề tài trang trí, qua so sánh, các chuyên gia nhận thấy, các đề tài trang trí trên sưu tập này đều có sự tương đồng với các phong cách nghệ thuật nổi tiếng của nhiều giai đoạn phát triển trong lịch sử nghệ thuật Champa như phong cách Mỹ Sơn, Đồng Dương, Quá Giáng, Phong Lệ, Chánh Lộ, Tháp Mẫm, Dương Long…

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đoàn, khi xác định niên đại, nhận thấy trang trí trên sưu tập này có sự kế thừa đậm nét các phong cách nghệ thuật trên nên bước đầu, các chuyên gia đặt sưu tập này trong một khung niên đại tương thích với bối cảnh lịch sử (thế kỷ 16 - 19). Đây cũng là hiện tượng chúng ta thường thấy trong nền văn hóa Đông Sơn - Đại Việt, hay Óc Eo - Mạc Cửu…

“Chúng tôi cho rằng, sưu tập cổ vật của Đào Danh Đức nằm trong giai đoạn muộn của văn hoá Champa, thế kỷ 17 - 18, trước khi Champa được sáp nhập vào Đại Nam dưới triều vua Minh Mạng, thời Nguyễn, năm 1832” - ông Nguyễn Văn Đoàn nhấn mạnh.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục