Báo Công Thương phối hợp Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia tổ chức Hội thảo Bảo vệ người tiêu dùng tài chính

(Banker.vn) Báo Công Thương phối hợp Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia tổ chức Hội thảo Bảo vệ người tiêu dùng tài chính trong bối cảnh thực thi Luật bảo vệ người tiêu dùng.
Ngày 19/10, Báo Công Thương tổ chức tọa đàm: “Bảo vệ người tiêu dùng tài chính: Thực trạng và giải pháp” Bảo vệ người tiêu dùng tài chính: Thực trạng và giải pháp Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam bảo vệ người tiêu dùng tài chính như thế nào?

Sáng 30/11, tại Hà Nội, Báo Công Thương phối hợp Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia tổ chức Hội thảo "Bảo vệ người tiêu dùng tài chính trong bối cảnh thực thi Luật Bảo vệ người tiêu dùng".

Hội thảo có sự tham gia của Phó Chủ tịch Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia - Nguyễn Quỳnh Anh; Phó Tổng biên tập Báo Công Thương - Đặng Thái Anh; TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; PGS.TS. Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng; bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước); ông Phạm Ngọc Khang - Giám đốc Tài chính, Home Credit Việt Nam... cùng đại diện người tiêu dùng tài chính, các cơ quan thông tấn báo chí.

Báo Công Thương phối hợp Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia tổ chức Hội thảo Bảo vệ người tiêu dùng tài chính
Hội thảo Bảo vệ người tiêu dùng tài chính trong bối cảnh thực thi Luật Bảo vệ người tiêu dùng

Nhóm đối tượng dễ bị tổn thương

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng biên tập Báo Công Thương - ông Đặng Thái Anh cho biết, bảo vệ người tiêu dùng tài chính có ý nghĩa quan trọng đối với thúc đẩy tài chính toàn diện và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, những năm gần đây, sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là những biến động lớn có tính chất toàn cầu về kinh tế - xã hội đã đặt ra những yêu cầu mới đối với công tác bảo vệ người tiêu dùng tài chính.

“Người tiêu dùng tài chính là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương vì phần lớn họ luôn phải đối diện với rất nhiều rủi ro trong quá trình sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính. Trong khi đó, các sản phẩm và dịch vụ tài chính tại Việt Nam trong những năm gần đây phát triển nhanh chóng cả về số lượng và hình thức tiếp cận khiến nhiệm vụ bảo vệ người tiêu dùng tài chính trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Việc này đòi hỏi sự chung tay của các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính cũng như các cơ quan có thẩm quyền, trong đó có tổ chức tài chính tiêu dùng”, ông Đặng Thái Anh nhấn mạnh.

Báo Công Thương phối hợp Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia tổ chức Hội thảo Bảo vệ người tiêu dùng tài chính
Ông Đặng Thái Anh - Phó Tổng biên tập Báo Công Thương phát biểu khai mạc hội thảo

Phó Tổng biên tập Báo Công Thương dẫn thông tin thực tế từ Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia, các phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, tín dụng tiêu dùng luôn ở mức cao, chỉ sau khiếu nại trong lĩnh vực dịch vụ vận tải, phương tiện vận chuyển. Nguyên nhân chính là do nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không thực hiện đúng cam kết với người tiêu dùng, vi phạm quyền được bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, quấy rối người tiêu dùng hoặc người tiêu dùng không nắm rõ thông tin khi ký kết các hợp đồng liên quan đến tài chính.

“Tỷ lệ tổn thất do các hành vi lừa đảo trên mạng cũng có xu hướng tăng; các doanh nghiệp tại Việt Nam dễ dàng mua được danh sách các khách hàng với những thông tin chi tiết và sử dụng các thông tin này theo mục đích riêng, trong đó, nhiều hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thậm chí mang tính chất lừa đảo người tiêu dùng”, lãnh đạo Báo Công Thương nhấn mạnh.

Thông tin cụ thể về thực trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính, TS. Đoàn Quang Đông, Ban Bảo vệ người tiêu dùng, Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết, số lượng các vụ việc khiếu nại người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính ngày càng tăng, chiếm hơn 10% tổng số các khiếu nại gửi đến Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia. Theo đó, trong năm 2022 có 136/818 vụ việc khiếu nại về lĩnh vực tài chính, chiếm 16,62%. Trong 11 tháng năm 2023, có 71/586 vụ việc, chiếm 12,11%.

Báo Công Thương phối hợp Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia tổ chức Hội thảo Bảo vệ người tiêu dùng tài chính
TS. Đoàn Quang Đông, Ban Bảo vệ người tiêu dùng, Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia phát biểu tại hội thảo

Đại diện Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia cũng cho biết, các hành vi vi phạm phổ biến diễn ra trong thời gian qua như: Tình trạng công ty tài chính thuê đơn vị thứ ba đòi nợ người tiêu dùng, thông qua việc gọi điện liên tục hoặc gọi điện cho người thân nhằm gây khó chịu bức xúc cho người tiêu dùng, đôi khi còn xử dụng từ ngữ thiếu lịch sự trong quá trình đòi nợ.

Bên cạnh đó, một số công ty tín dụng tiêu dùng sử dụng tổng đài tự động gọi điện cho người tiêu dùng hay sử dụng nhiều số khác nhau để gọi cho người tiêu dùng. “Có trường hợp người tiêu dùng đã tất toán khoản nợ nhưng vẫn bị gọi điện đòi tiền” - TS. Đoàn Quang Đông cho hay.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp vi phạm về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, lộ, lọt thông tin của người tiêu dùng…

Báo Công Thương phối hợp Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia tổ chức Hội thảo Bảo vệ người tiêu dùng tài chính

Thêm nhiều quy định nhằm bảo vệ người tiêu dùng tài chính

Thông tin về pháp luật bảo vệ người tiêu dùng tại Việt Nam, đại diện Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia cho hay, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 thay thế Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 59/2010/QH12. Luật Kinh doanh bảo hiểm và Ngân hàng Nhà nước và Luật Các tổ chức tín dụng đều có các điều khoản nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo TS. Đoàn Quang Đông, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) có thêm nhiều quy định về bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng tài chính khi ký kết các hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung. “Hợp đồng theo mẫu của ngành ngân hàng, bảo hiểm thường là những hợp đồng in sẵn, nội dung rất phức tạp, mang tính nghiệp vụ chuyên ngành. Do đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong trường hợp này, Luật đã có quy định bên cung cấp dịch vụ phải giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua về quyền lợi, điều khoản loại trừ trách nhiệm, cung cấp bằng chứng giao dịch và các quy định để kiểm soát các loại hợp đồng này”, TS. Đông thông tin.

Bên cạnh đó, Luật sửa đổi có các quy định liên quan như các quy định về bảo vệ, thu thập, sử dụng, bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng; về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng trong giao dịch đặc thù; về giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Để quyền lợi người tiêu dùng nói chung và trong lĩnh vực tài chính nói riêng ngày càng được nâng cao, đại diện Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia khuyến cáo người tiêu dùng cần đề nghị công ty tài chính cung cấp hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung để nghiên cứu trước khi ký kết hợp đồng. Đặc biệt, nghiên cứu kỹ các thông tin về bên cho vay, lãi suất, thời gian phải trả, điều kiện khi đáo hạn, phí phạt khi đáo hạn sớm…

Hơn hết, sau khi ký hợp đồng, người tiêu dùng cần yêu cầu lấy và giữ một bản hợp đồng, tránh tình trạng ký khống; ngoài ra, khi đã ký hợp đồng người tiêu dùng cần thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo đúng cam kết trong hợp đồng. “Khi thấy quyền lợi bị vi phạm, người tiêu dùng cần liên hệ cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để được hỗ trợ”, TS. Đông nói.

Đại diện Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia cũng khuyến cáo người tiêu dùng: Cần bảo mật tuyệt đối thông tin cá nhân, thông tin tài khoản của người tiêu dùng; không lưu trữ thông tin liên quan tài khoản ngân hàng trên điện thoại. Tuyệt đối không nghe các cá nhân mạo danh nhân viên ngân hàng yêu cầu cung cấp thông tin về số tài khoản, số thẻ…

Hoàng Lan - Cấn Dũng

Theo: Báo Công Thương