Áp thuế 7% dịch vụ cắt tóc, gội đầu là chưa phù hợp

(Banker.vn) Tất cả các hoạt động kinh doanh có doanh thu, có thu nhập trên lãnh thổ Việt Nam thì đều cần phải đóng thuế cho Nhà nước. Tuy nhiên, theo luật sư, nếu đối chiếu mức thuế 7% dịch vụ cắt tóc, may đo… so với một số loại hình dịch vụ khác thì có phần chưa phù hợp. Việc siết chặt thuế thời điểm này sẽ tạo khó khăn hơn cho người dân.

Rà soát lại chặt chẽ hơn

Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8/2021.

Chiếu theo danh mục ngành nghề, tỷ lệ tính thuế của Thông tư 40, thì các dịch vụ như tắm hơi, massage, karaoke, vũ trường, bi a, Internet, game, cắt tóc, làm đầu, gội đầu… sẽ bị tính thuế GTGT 5% và thuế TNCN 2%. Như vậy tổng cộng, mức thuế đối với các dịch vụ nói trên là 7%.

Tổng cục Thuế cho biết, mức thuế GTGT 5% và thuế TNCN 2% áp dụng đối với các dịch vụ trên đã được áp dụng ổn định từ năm 2015. Và tại Thông tư số 40/2021/TT-BTC đã có hướng dẫn cụ thể về việc cơ quan thuế có trách nhiệm điều chỉnh doanh thu và mức thuế khoán trong trường hợp hộ khoán ngừng hoặc tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà không yêu cầu hộ kinh doanh thực hiện nhiều thủ tục hành chính như quy định trước đây tại Thông tư số 92/2015/TT-BTC.

Tuy nhiên, trong thông tư cũng nêu rõ, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế GTGT và không phải nộp thuế TNCN theo quy định pháp luật về thuế GTGT và thuế TNCN.

Theo ông Nguyễn Đức Huy - Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) - cho biết, đây không phải là vấn đề mới. Trước đây, họ (hộ kinh doanh) có mức thuế suất khác thì bây giờ thông tư ra đời quy định mức thuế suất cụ thể hơn, rõ hơn. Nếu như trước đây chỉ là quy định ngành nghề dịch vụ nói chung thì bây giờ quy định rõ riêng và có mức thuế suất. Còn việc quản lý thuế đối với các hộ này thì vẫn thực hiện bình thường.

Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, về nguyên tắc, tất cả các hoạt động kinh doanh có doanh thu, trừ chi phí và có lợi nhuận thì đều phải đóng thuế. Câu chuyện này không mới, từ trước đến nay nhà nước vẫn thực hiện, thời điểm này có chăng là kiểm tra, rà soát lại chặt chẽ hơn, để không bỏ sót tiền thuế.

Vấn đề ở đây là bối cảnh áp dụng không hợp lý, khi hiện nay dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, doanh nghiệp và hộ kinh doanh khó hồi phục về tiềm lực, thì việc siết chặt thuế sẽ tạo khó khăn hơn cho người dân. Thậm chí, có nhiều ngành, nghề đang kiến nghị nhà nước giảm thêm các loại phí, thuế khác để hỗ trợ.

Nên lùi thời gian áp dụng đến năm 2022

Theo quan điểm của luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP. Hà Nội, về nguyên tắc, tất cả các hoạt động kinh doanh có doanh thu, có thu nhập trên lãnh thổ Việt Nam thì đều cần phải đóng thuế cho Nhà nước. Đối với từng loại hình kinh doanh thì Nhà nước sẽ áp dụng một mức thuế riêng để đảm bảo phù hợp cũng như điều tiết nền tài chính quốc gia. Riêng đối với các dịch vụ này áp dụng mức thuế GTGT 7% là tương đối rõ ràng và đã được quy định từ năm 2015 nên không phải là quy định mới. Trường hợp, với các hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu sẽ không phải đóng thuế.

Tuy nhiên, nếu đối chiếu mức thuế này so với một số loại hình dịch vụ khác thì có phần chưa phù hợp. Cụ thể, đầu năm 2021, báo chí có thông tin về một cá nhân có hộ khẩu tại Cầu Giấy, viết phần mềm đăng tải trên Google Play và App Store có tổng thu nhập lên tới 330 tỷ đồng trong năm 2020. Cá nhân này nộp thuế 23,4 tỷ đồng, tương thuế suất 7%, là mức thuế suất áp dụng với hộ kinh doanh cá thể với ngành nghề dịch vụ. Như vậy, mức thuế của những người làm may đo, cắt tóc, gội đầu... sẽ chịu mức thuế ngang với người viết phần mềm doanh thu hàng trăm tỷ.

Trao đổi thêm, luật sư Tiền cho rằng, hiện nay dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, doanh nghiệp và hộ kinh doanh khó hồi phục về tiềm lực, thì việc siết chặt thuế sẽ tạo khó khăn hơn cho người dân. Thậm chí, có nhiều ngành, nghề đang kiến nghị Nhà nước giảm thêm các loại phí, thuế khác để hỗ trợ nên Bộ Tài chính cần tham khảo, điều chỉnh thời gian áp dụng cũng như mức thuế suất để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước nhưng phải đảm bảo hoạt động ổn định của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh.

PGS-TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính), cho rằng đúng luật thì có hoạt động kinh doanh là phải có đóng thuế. Cũng khó nói chung chung là nghề cắt tóc, gội đầu không đủ sống. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, phong tỏa, giãn cách tại các tỉnh thành liên tục được áp dụng, các ngành dịch vụ như cắt tóc, karaoke, may đo, giặt là… bị tổn thất khá lớn.

Các ngành này hầu như bắt buộc phải ngưng hoạt động hoặc có hoạt động cầm chừng tại một số địa phương chưa bị ảnh hưởng vì dịch. Nếu cứ áp dụng thu thuế 7% (thuế GTGT và TNCN) ngay đầu tháng 8 với các đối tượng này trên cả nước thì chưa nên. Vì vậy, có thể tạm hoãn hết năm nay, sang năm 2022 tình hình dịch bớt hẳn rồi tính toán áp dụng. Thất thoát từ nguồn thuế dịch vụ này không lớn lắm, không tác động đến ngân sách. Nguồn thu từ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lớn mới quan trọng, ông Độ giải thích thêm.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty Luật TNHH Việt Tín Nghĩa, cũng đồng tình với việc không nên thực hiện Thông tư 40 vào thời điểm dịch Covid-19 đang tác động mạnh đến các cá nhân, hộ kinh doanh như hiện nay. Họ đã và đang phải đóng cửa hay hoạt động cầm chừng. Việc cần làm là không những giãn nộp thuế mà nên miễn thuế cho họ. Số lượng này khá lớn, tới vài triệu hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh mà số thu lại không nhiều. Thông tư 40 quy định cụ thể hơn các đối tượng chịu thuế, nhưng người nộp thuế cần có những quy định thực thi công bằng là quan trọng nhất.

Theo các nhà làm luật, Bộ Tài chính nên tham khảo ý kiến của các doanh nghiệp về mức thuế và thời điểm có thể áp dụng. Bởi vì, một mặt Bộ Tài chính năm nay thất thu lớn về thu ngân sách, thế nhưng mặt khác doanh nghiệp cũng không thể hoạt động, bây giờ lại đánh thuế. Trong khi, Chính phủ đang đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu hoãn, giãn thuế. Bộ Tài chính nên tham khảo cộng đồng doanh nghiệp, thời gian nào có thể thực hiện, và mức thu thuế 7% đã hợp lý chưa, hay là cao với nhóm ngành nghề dịch vụ này.

Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền cần đẩy mạnh việc kiểm tra giám sát cũng như có hành vi quản lý phù hợp, như phạt, cưỡng chế thuế nếu các hộ kinh doanh không kê khai và nộp thuế đầy đủ để đảm bảo công bằng trong hoạt động kinh doanh, không nên tận thu mà có chính sách nuôi dưỡng nguồn thu, minh bạch trong việc nộp thuế để mọi người cảm thấy tự hào về nộp thuế để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đỗ Nga

Theo Báo Công thương

Theo: Báo Công Thương