An tâm gửi tiền tại các tổ chức tín dụng tham gia bảo hiểm tiền gửi

(Banker.vn) Các tổ chức tín dụng huy động tiền gửi của cá nhân đều phải tham gia bảo hiểm tiền gửi, quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền luôn được đảm bảo.
Tăng cường vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam để bảo vệ tốt hơn cho người gửi tiền Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đang bảo vệ cho hơn 110 triệu lượt người gửi tiền

Các tổ chức tín dụng huy động tiền gửi của cá nhân (bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng Hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trừ ngân hàng chính sách) đều phải tham gia bảo hiểm tiền gửi Người gửi tiền sẽ được bảo hiểm đối với khoản tiền gửi của mình trong trường hợp tổ chức tín dụng bị phá sản hoặc mất khả năng chi trả, quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền luôn được đảm bảo.

Ở Việt Nam hiện nay có duy nhất một tổ chức bảo hiểm tiền gửi là Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) - tổ chức tài chính nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện chính sách bảo hiểm tiền gửi, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

An tâm gửi tiền tại các tổ chức tín dụng tham gia bảo hiểm tiền gửi
Ảnh minh họa

Nhận biết tổ chức tín dụng đã tham gia bảo hiểm tiền gửi

Người gửi tiền có thể nhận biết tổ chức tín dụng đã tham gia bảo hiểm tiền gửi bằng cách nào?

Điều 15, Luật bảo hiểm tiền gửi quy định: “Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải niêm yết công khai bản sao Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi tại tất cả các điểm giao dịch có nhận tiền gửi”.

Bản sao Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi là bản sao do Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cấp từ sổ gốc. Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi là văn bản thể hiện việc một tổ chức tín dụng đã tham gia bảo hiểm tiền gửi. Người gửi tiền tại các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi sẽ được Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam bảo vệ không chỉ thông qua chính sách chi trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tín dụng đó lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả hoặc phá sản, mà còn được bảo vệ qua các nghiệp vụ kiểm tra, giám sát, tham gia kiểm soát đặc biệt, cho vay đặc biệt…

Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi phải được niêm yết công khai

Tổ chức tín dụng đã tham gia bảo hiểm tiền gửi phải niêm yết công khai bản sao Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi tại các địa điểm sau đây:

(1) Tại trụ sở chính của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi;

(2) Tại trụ sở chi nhánh của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi

(3) Tất cả các điểm giao dịch có nhận tiền gửi của cá nhân

Do đó, người gửi tiền có thể nhận biết tổ chức tín dụng đã tham gia bảo hiểm tiền gửi qua việc quan sát điểm giao dịch của tổ chức tín dụng có niêm yết bản sao Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi hay không. Bản sao Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi có đầy đủ thông tin của Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi, gồm: Tên tổ chức bảo hiểm tiền gửi; tên tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; nội dung khác theo quy định của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Tổ chức tín dụng tham gia bảo hiểm tiền gửi không niêm yết công khai bản sao chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi tại tất cả các điểm giao dịch có nhận tiền gửi thì tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bị phạt theo điểm a khoản 1, điểm a khoản 6, Điều 38 Nghị định 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng như sau:

“Điều 38. Vi phạm quy định về bảo hiểm tiền gửi

1. Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không niêm yết công khai bản sao chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi tại tất cả các điểm giao dịch có nhận tiền gửi;

b) Nộp phí bảo hiểm tiền gửi không đầy đủ hoặc không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật;

c) Vi phạm thời hạn nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Bảo hiểm tiền gửi…”

Như vậy, tổ chức tham bảo hiểm tiền gửi không niêm yết công khai bản sao chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi tại tất cả các điểm giao dịch có nhận tiền gửi thì bị phạt cảnh cáo. Đồng thời, buộc niêm yết công khai ngay bản sao chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi đối với hành vi vi phạm này.

Tiền gửi của người gửi tiền là cá nhân tại các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được bảo hiểm một cách tự động

Người gửi tiền là cá nhân khi gửi tiền vào tổ chức tín dụng đã tham gia bảo hiểm tiền gửi không phải đóng phí bảo hiểm tiền gửi. Các tổ chức tín dụng có huy động tiền gửi của cá nhân phải tham gia bảo hiểm tiền gửi và chịu trách nhiệm nộp phí bảo hiểm tiền gửi đầy đủ và đúng thời hạn.

Luật Bảo hiểm tiền gửi hiện hành quy định phí bảo hiểm tiền gửi là khoản tiền mà tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải nộp cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam để bảo hiểm cho tiền gửi của người gửi tiền được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Phí bảo hiểm tiền gửi hiện nay là 0,15%/năm tính trên số dư tiền gửi bình quân của các loại tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Mức phí này được duy trì từ khi thành lập Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đến nay. Phí bảo hiểm tiền gửi được tính và nộp định kỳ hàng quý trong năm tài chính.

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chịu trách nhiệm tính và thu phí bảo hiểm tiền gửi đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Cơ quan này cho biết, hầu hết các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đã chấp hành tốt quy định về tính và nộp phí bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi và hướng dẫn của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Về phía các tổ chức tín dụng cũng cần có trách nhiệm với người gửi tiền, nộp phí bảo hiểm tiền gửi đầy đủ và đúng hạn, phối hợp với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam giải quyết các vướng mắc của người gửi tiền được bảo hiểm tiền gửi, nghiêm chỉnh tuân thủ quy định pháp luật về bảo hiểm tiền gửi và an toàn trong hoạt động ngân hàng.

Hương Giang (HG)

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục