Xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu sản phẩm hóa chất

(Banker.vn) Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại là một trong các giải pháp để từng bước phát triển thị trường xuất khẩu các sản phẩm hóa chất.
Cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia sẽ đóng góp vai trò to lớn trong công tác quản lý Ngành hóa chất nỗ lực làm tốt công tác bảo vệ môi trường

Công nghiệp hóa chất là ngành kinh tế có tính chất nền tảng, đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nói chung và công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói riêng. Với vai trò và tầm quan trọng của công nghiệp hóa chất đối với các ngành công nghiệp khác phục vụ cho phát triển kinh tế, Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm và định hướng phát triển ngành theo từng giai đoạn.

Xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu sản phẩm hóa chất
Đại diện các Bộ, ngành tham quan gian hàng tại Vinachem Expo 2023. Ảnh: Công ty Vietfair

Theo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 726/QĐ-TTg ngày 16/6/2022 đã xác định quan điểm phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp hóa chất, ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; hướng tới tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn với mục tiêu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng công nghiệp ngành hóa chất bình quân từ 10-11%/năm, tỷ trọng ngành công nghiệp hóa chất so với toàn ngành công nghiệp đạt khoảng 4-5% vào năm 2023; giai đoạn đến năm 2040, tốc độ tăng trưởng công nghiệp ngành hóa chất đạt bình quân từ 7- 8%/năm và tỷ trọng ngành công nghiệp hóa chất so với toàn ngành công nghiệp duy trì khoảng 4 – 5%.

Để hoàn thành các mục tiêu đặt ra, theo Cục Hoá chất, Bộ Công Thương một số giải pháp phát triển ngành công nghiệp hóa chất trong thời gian tới đã được đặt ra, gồm: Nghiên cứu, lựa chọn địa điểm phù hợp, xây dựng các giải pháp thu hút các nhà đầu tư để hình thành các tổ hợp hoá chất tập trung, có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đảm bảo các yêu cầu về an toàn, môi trường và phục vụ cho phát triển công nghiệp hoá chất có tính đến các yếu tố kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn.

Xây dựng, áp dụng chính sách phát triển các lĩnh vực, sản phẩm ưu tiên. Đẩy mạnh phát triển các phân ngành và sản phẩm hóa chất có nhu cầu tiêu thụ lớn, giá trị gia tăng cao, có lợi thế so sánh, đảm bảo an ninh lương thực, an ninh y tế (hóa chất cơ bản, hóa dầu, cao su kỹ thuật, hóa dược...).

Xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu sản phẩm hóa chất
Vinachem Expo 2023 có quy mô 500 gian hàng. Ảnh: Hiệp hội Nhựa Việt Nam

Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc ban hành các quy chuẩn về an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất, quy chuẩn về chất lượng sản phẩm hóa chất và hàm lượng hóa chất trong các sản phẩm tiêu dùng; xây dựng giải pháp thúc đẩy các nghiên cứu khoa học, công nghệ trong ngành hóa chất theo hướng sử dụng các sản phẩm phụ, chất thải hiện có của ngành làm nguyên liệu cho quá trình sản xuất các sản phẩm hóa chất khác.

Xây dựng giải pháp phát triển công nghiệp hóa chất xanh, hiện đại, thân thiện với môi trường, đảm bảo an toàn cho con người; các sản phẩm công nghiệp hóa chất có thương hiệu, uy tín, có chất lượng và giá trị cao, có sức cạnh tranh, đáp ứng tiêu chuẩn của các nước phát triển và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Xây dựng, đề xuất các chính sách để phát triển và quản lý mạng lưới các tổ chức tư vấn hỗ trợ cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định về quản lý hóa chất. Đồng thời, đẩy mạnh công tác dự báo thị trường, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để từng bước phát triển thị trường xuất khẩu các sản phẩm hóa chất.

Xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu sản phẩm hóa chất
Vinachem Expo 2023 là một hoạt động cần thiết góp phần vào đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trong lĩnh vực hoá chất. Ảnh: Hiệp hội Nhựa Việt Nam

Nhằm tạo tạo môi trường thuận lợi cho các nhà quản lý, nhà sản xuất, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp trong lĩnh vực hoá chất gặp gỡ, hợp tác kinh doanh, phát triển thị trường, Triển lãm Công nghiệp hóa chất - Vinachem Expo 2023 đã tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, từ ngày 15-17/11, có quy mô 500 gian hàng của hơn 375 đơn vị Việt Nam và quốc tế tham dự, trưng bày công nghệ, sản phẩm hiện đại tiên tiến với các nhóm chuyên đề chính: Công nghiệp hóa chất, sơn và vật liệu phủ, cao su săm lốp, công nghệ - sản phẩm ngành nhựa, chất kết dính và băng keo.

Trong khuôn khổ triễn làm còn có các hoạt động bên lề như: Tham quan, khảo sát chuyên sâu một số khu công nghiệp lớn tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, các tỉnh Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long... nhằm tạo cơ hội tìm hiểu chính sách xúc tiến đầu tư của địa phương, tăng cường trao đổi học hỏi kinh nghiệm, hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp quốc tế với các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

Xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu sản phẩm hóa chất
Lãnh đạo Cục Hoá chất kỳ vọng, Vinachem Expo 2023 sẽ tạo động lực giúp các doanh nghiệp trong nước tập trung nguồn lực đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Ảnh: Công ty Vietfair

Cục trưởng Cục Hoá chất, Bộ Công Thương - ông Phùng Mạnh Ngọc đánh giá, Vinachem Expo 2023 là một hoạt động cần thiết góp phần vào đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để từng bước phát triển thị trường xuất khẩu các sản phẩm hóa chất; tạo môi trường thuận lợi cho các nhà quản lý, nhà sản xuất, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp trong nước và quốc tế gặp gỡ, tăng cường học hỏi trao đổi kinh nghiệm chuyên sâu, giúp nhà đầu tư trong nước và quốc tế nắm bắt được chủ trương, chính sách, nhu cầu, thông tin về tình hình đầu tư tại Việt Nam, tối đa hóa hiệu quả hợp tác và các cơ hội kinh doanh.

Lãnh đạo Cục Hoá chất kỳ vọng, Vinachem Expo 2023 sẽ tạo động lực giúp các doanh nghiệp trong nước tập trung nguồn lực đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; chuyển đổi cơ cấu từ sản xuất kinh doanh truyền thống sang phát triển kinh tế ngành đạt hiệu quả, bền vững, đa dạng, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên. Cùng với đó góp phần đảm bảo hơn nữa nhu cầu của thị trường, thực hiện theo chiến lược phát triển công nghiệp hóa chất Việt Nam là một ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại với cơ cấu ngành hoàn chỉnh, góp phần ổn định kinh tế xã hội của đất nước giai đoạn mới theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn.

Ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam được chia thành 10 phân ngành chính, bao gồm: Hóa dầu; hóa chất cơ bản (bao gồm cả hoá chất tiêu dùng hóa chất tinh khiết…); phân bón; hóa dược; sản phẩm cao su, sơn - mực in, khí công nghiệp; nguồn điện hóa học (pin, ắc quy); hóa chất bảo vệ thực vật; sản phẩm chất tẩy rửa và một số hóa chất khác.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục