Xuất khẩu gỗ: Khách hàng đã trở lại, doanh nghiệp giảm bớt áp lực

(Banker.vn) Hết quý III/2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 9,7 tỷ USD, giảm 21,3% so với cùng kỳ năm 2022. Thị trường xuất khẩu vẫn chờ tín hiệu phục hồi.
Lý do xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn chưa bớt khó Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Ấn Độ tăng trưởng 3 con số

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu Tổng cục Hải quan cho biết, ước tính, trong tháng 9/2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,2 tỷ USD, giảm 7% so với tháng 8/2023, nhưng tăng 6,7% so với tháng 9/2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 785 triệu USD, giảm 6,6% so với tháng 8/2023, nhưng tăng 5,1% so với tháng 9/2022.

xuất khẩu gỗ
Xuất khẩu gỗ vẫn chờ tín hiệu phục hồi những tháng cuối năm 2023. Ảnh minh họa

Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam ước đạt 9,7 tỷ USD, giảm 21,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 6,5 tỷ USD, giảm 24,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2023, đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chính, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm gần 60% tổng trị giá xuất khẩu. Xuất khẩu hầu hết mặt hàng trong cơ cấu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ đều có xu hướng giảm mạnh.

Ngoài mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm 2023, còn một số mặt hàng xuất khẩu khác như dăm gỗ; gỗ, ván và ván sàn; viên gỗ nén, cửa gỗ…, trị giá xuất khẩu những mặt hàng này cũng giảm do nhu cầu toàn cầu yếu.

Là doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Hoa Kỳ, ông Nguyễn Sỹ Hòe - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phú Tài - cho hay, một số khách hàng của chúng tôi thông tin lượng bán hàng có vẻ tốt hơn, nhưng cũng có một số cho biết lượng bán hàng không tốt bằng. Cũng có thể là do sản phẩm.

“Riêng về tủ bếp và mặt hàng đồ gỗ trong nhà, chúng tôi có 1 khách hàng không phải là lớn, họ đặt hàng với lượng ít hơn. Tuy nhiên, lượng đặt và lượng bán là khác nhau. Bởi có tháng họ bán được nhiều, có tháng họ bán được ít, nhưng hàng họ đặt thì phải 3 tháng sau họ mới bán. Đây là nguyên tắc. Chúng ta không căn cứ vào số lượng đặt hàng mà chúng ta nói số lượng bán”, ông Nguyễn Sỹ Hòe chia sẻ và cho hay về thị trường, sẽ tùy phân khúc khách hàng có thể tăng, có thể giảm, nhưng nhìn chung là xu hướng thị trường đang tích cực, dù không mạnh như kỳ vọng.

Ở góc độ doanh nghiệp FDI, ông Dwayne Wood - Tổng giám đốc Kaiser Việt Nam - đánh giá, thiếu đơn hàng là tình hình chung của ngành, quy mô toàn cầu chứ không riêng ở Việt Nam. Việc sụt giảm đã diễn ra từ cuối năm 2022 và kéo dài đến bây giờ. Tuy nhiên, chúng tôi không bi quan bởi nhu cầu nội thất của thị trường thế giới và năng lực cung ứng của Việt Nam đều khả quan. Từ tháng 8/2023, các nhà mua hàng đã bắt đầu trở lại, các nhà máy đã phần nào tháo được áp lực đơn hàng.

Cũng theo ông Dwayne Wood, tiềm năng của ngành chế biến gỗ Việt Nam rất lớn nên khả năng phục hồi sẽ rất nhanh. Quan trọng là các giải pháp để ứng phó và chuẩn bị thật tốt cho giai đoạn phục hồi. Đây là thời điểm vàng để đầu tư vào ngành này.

Cục Xuất nhập khẩu cũng nhận định, triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ được dự báo sẽ tích cực hơn trong những tháng cuối năm, nhờ nhu cầu thị trường tăng theo thông lệ, khi thị trường nhà ở hoàn thiện và nhu cầu sửa chữa thay thế nội thất gia đình tăng để đón chào năm mới.

Với thị trường Hoa Kỳ, nhiều ý kiến đánh giá, ngoài mức hấp thụ lớn, đồ nội thất xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường này hiện đang có lợi thế về thuế quan. Các hiệp định thương mại tự do cũng tạo điều kiện cho Việt Nam xuất khẩu đồ nội thất sang những thị trường tiềm năng khác như châu Âu, châu Á, Trung Đông... Do đó, tiềm năng phát triển của công nghiệp nội thất Việt Nam vẫn còn rất lớn.

Với riêng ngành dăm gỗ, ông Thang Văn Thông - Phó Chi hội trưởng Chi hội Dăm gỗ Việt Nam - cho hay - các doanh nghiệp trong ngành cũng đang nhận được tương tác tích cực hơn từ đối tác mua hàng. Một số doanh nghiệp có đơn hàng mới đã bắt đầu tổ chức cho công nhân tăng ca trở lại hoặc tuyển thêm lao động.

“Về sản lượng, đến thời điểm này theo tôi nhận định sẽ không giảm, nhưng chỉ có giá trị giảm. Nguyên nhân do năm ngoái, do xung đột Nga - Ukraine, vận chuyển khó khăn nên giá dăm lên đến 190 USD/tấn, tuy nhiên, từ bước sang đầu năm 2023, giá dăm ở mức 125 USD/tấn và hiện đang ở mức 140 USD/tấn. Do đó, giá trị thấp hơn năm ngoái. Với mặt hàng viên nén cũng vậy, một vài tháng trước giá có giảm và hiện đã tương đối ổn định lại. Chỉ còn ngành chế biến gỗ, đơn hàng hiện khá ít”, ông Thang Văn Thông chia sẻ.

Trước đó, theo nhận định của Hiệp hội Chế biến Gỗ và Lâm sản Việt Nam, từ đầu quý III/2023 tình hình xuất khẩu gỗ của Việt Nam đã có những tín hiệu phục hồi khả quan, khi kim ngạch xuất khẩu tháng 8/2023 đã đạt trên 1,1 tỷ USD sau thời gian sụt giảm…

Theo các chuyên gia, hiện thị trường có những biến chuyển rất nhanh, nếu không chuẩn bị trước và kịp thời đáp ứng, doanh nghiệp sẽ khó khăn ngay. Ví dụ dễ thấy nhất là những đòi hỏi mới về mặt môi trường. Người dùng chú trọng nhiều hơn vào yếu tố "xanh” khi lựa chọn nội thất, buộc nhà cung cấp phải đáp ứng được những nhu cầu này.

Do đó, bên cạnh việc chờ thị trường phục hồi thì nhiệm vụ đặt ra với các doanh nghiệp lúc này đó là đội ngũ phát triển sản phẩm có nhiệm vụ nghiên cứu các giải pháp đáp ứng được những đòi hỏi đó. Đồng thời đưa ra các giải pháp chiến lược để có thể tối ưu sản xuất, tiết kiệm chi phí...

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương