Xuất khẩu giảm mạnh, doanh nghiệp dệt may đối mặt nhiều thách thức

(Banker.vn) 4 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may giảm tới 20%, doanh nghiệp tiếp tục gặp khó do chi phí đầu vào liên tục tăng, tiêu dùng chưa khởi sắc.
Doanh nghiệp dệt may ưu tiên chinh phục thị trường nội địa Tăng trưởng xuất khẩu dệt may tiếp tục giảm

Bước sang tháng 4 năm 2023, ngành dệt may tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, kim ngạch xuất khẩu giảm 20,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 3,06 tỷ USD. Tất cả các thị trường xuất khẩu lớn của ngành dệt may Việt Nam đều giảm so với cùng kỳ: Thị trường Mỹ giảm mạnh nhất tới 30%, đạt 1,15 tỷ USD; Hàn Quốc giảm 21%, đạt 237 triệu USD; EU giảm 9,7%, đạt 349 triệu USD; Nhật Bản giảm 3%.

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt khoảng 11,7 tỷ USD, giảm 20% so cùng kỳ năm trước, tương đương gần 3 tỷ USD.

Bên cạnh suy giảm nhu cầu tiêu dùng, sự cạnh tranh quyết liệt tại các thị trường nhập khẩu cũng là nguyên nhân khiến xuất khẩu của dệt may Việt Nam giảm mạnh. Riêng tại thị trường Mỹ, theo phân tích từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam, năm 2022 kim ngạch nhập khẩu hàng may mặc bình quân cả năm tăng 20% so với năm 2021 thì xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Mỹ chỉ tăng 8%.

Sản phẩm công nghiệp chủ yếu
4 tháng năm 2023 xuất khẩu giảm mạnh, doanh nghiệp dệt may gặp nhiều thách thức

Quý I năm nay, nhập khẩu dệt may của Mỹ giảm 20% thì xuất khẩu dệt may Việt Nam đi Mỹ giảm đến 30%. Có nghĩa, xuất khẩu dệt may của Việt Nam đi Mỹ tăng không bằng 50% tốc độ tăng nhập khẩu của Mỹ nhưng giảm thì giảm gấp rưỡi tốc độ giảm nhập khẩu của Mỹ.

Tại Hội thảo chuyên đề Chuyển đổi số ngành dệt may tổ chức gần đây, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam thông tin: Doanh nghiệp dệt may đang đối mặt nhiều thách thức. Đơn hàng giảm. Giá nhân công không còn là lợi thế của Việt Nam, đã có hiện tượng rải đơn hàng về những nước lao động rẻ hơn như Bangladesh.

Chi phí logistic cao, quy tắc xuất xứ từ các hiệp định thương mại tự do, yêu cầu về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu khiến các quốc gia đều cam kết giảm dấu chân carbon. Một số thị trường xuất khẩu lớn của dệt may Việt Nam đã có động thái mạnh mẽ với vấn đề này: EU đang muốn áp thuế lên những sản phẩm gây ra khí nhà kính, yêu cầu tỷ lệ nhất định sản phẩm sử dụng nguyên liệu tái chế; Đức đã có luật về tra soát chuỗi cung ứng và có hiệu lực trong năm 2023…

Đây là thách thức rất lớn với các nhà sản xuất. Bởi nguồn tài chính để đầu tư vào dự án xanh và chuyển đổi số không dễ giải quyết, nhất là trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.

Đứng trước những thách thức như vậy, Hiệp hội Dệt may Việt Nam vẫn đưa ra dự đoán về tổng kim ngạch xuất khẩu năm nay, trong đó kịch bản xấu nhất là đạt 45-46 tỷ USD, kịch bản tích cực hơn sẽ đạt 47-48 tỷ USD”, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai cho biết.

Chia sẻ thêm về thách thức các doanh nghiệp dệt may đang đối mặt, ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam thông tin: Mới đây, giá điện tăng thêm 3% tuy không lớn nhưng trong bối cảnh đơn hàng giảm mạnh đã tạo thêm chi phí cho doanh nghiệp.

Thực tế, việc tăng giá điện lần này tác động mạnh tới doanh nghiệp dệt, sợi nhiều hơn doanh nghiệp may. Theo tính toán, khoảng 23% tổng năng lượng sử dụng trong ngành được tiêu thụ trong lĩnh vực dệt, 34% trong kéo sợi, 38% trong xử lý hóa chất và 5% cho các mục đích khác. Như vậy sợi sẽ là ngành chịu ảnh hưởng nhiều của giá điện mới, nhưng hiện giá sợi không tăng được do nhu cầu cả trong nước và ngoài nước đều hạn chế.

Còn với các doanh nghiệp may, đa số đã cải tiến nâng cao công nghệ, máy móc hiện đại nên tiêu hao năng lượng điện ít hơn. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp may mặc hiện nay đã tiêu thụ điện mặt trời áp mái.

Về giải pháp cho vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nêu đề xuất: Trước hết doanh nghiệp là phải đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa đối tượng khách hàng và đa dạng hóa nhãn hàng bởi hiện nay các doanh nghiệp trong ngành vẫn sản xuất theo đơn đặt của một vài nhãn hàng.

Bên cạnh đó, Hiệp hội đang thúc đẩy tổ chức các hội thảo chuyên đề về các giải pháp công nghệ tự động hóa, tiên tiến, môi trường xanh, phát triển bền vững, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Riêng đối với doanh nghiệp dệt may có sản lượng điện tiêu thụ từ 1 triệu kWh/năm trở lên nên tham gia ký kết và thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải điện.

"Mỗi doanh nghiệp cần tự nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đó chủ động đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại, tự động hóa. Xây dựng hệ thống pin năng lượng mặt trời giúp tiết kiệm điện năng, bảo vệ môi trường, giảm áp lực cho ngành điện", ông Vũ Đức Giang nói.

Việt Nga

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục