Ngày 23/10, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã chính thức chấp thuận cho 23,7 triệu cổ phiếu của Công ty CP Thống Nhất Hà Nội giao dịch trên thị trường UPCoM với mã chứng khoán TNV, tương ứng giá trị chứng khoán đăng ký giao dịch là 237 tỷ đồng. Trước đó, TNV đã hoàn tất thủ tục lưu ký chứng khoán vào ngày 15/8/2024.
Thương hiệu xe đạp Thống Nhất Hà Nội, gắn bó với người Việt từ năm 1960, chuẩn bị niêm yết 23,7 triệu cổ phiếu trên sàn UPCoM với mã TNV. |
Theo tìm hiểu, Công ty CP Thống Nhất Hà Nội, tiền thân là Nhà máy xe đạp Thống Nhất, được thành lập vào ngày 30/6/1960. Đến tháng 9/1993, Xí nghiệp Xe đạp Thống Nhất được chuyển đổi thành Công ty Xe máy Xe đạp Thống Nhất theo Quyết định số 5563/QĐ-UB của UBND TP. Hà Nội. Năm 2005, công ty tiếp tục chuyển đổi mô hình thành Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Thống Nhất và sau đó là Công ty TNHH một thành viên Thống Nhất vào năm 2011.
Năm 2017, Công ty chính thức thực hiện cổ phần hóa và chuyển đổi hoàn toàn thành Công ty CP Thống Nhất Hà Nội theo Quyết định số 607/QĐ-UBND. Từ đây, Thống Nhất Hà Nội bước vào quá trình đổi mới và nâng cấp toàn diện hệ thống sản xuất, phân phối, từ đó đạt được nhiều thành tựu đáng kể.
Theo Tổng Giám đốc Đinh Vũ Minh Việt, chiến lược mới của Thống Nhất sau khi cổ phần hóa là tập trung khai thác các điểm bán lẻ, thay đổi chính sách bán hàng và tiếp cận những kênh dự án lớn. Điều này đã giúp công ty mở rộng mạnh mẽ hệ thống phân phối trên toàn quốc, từ 30 đại lý ban đầu lên đến 500 cửa hàng vào năm 2021, trở thành thương hiệu xe đạp lớn nhất Việt Nam.
Năm 2022, công ty tiếp tục mở rộng sang thị trường miền Nam với các đối tác như AEON và Điện Máy Xanh. Kết quả là Thống Nhất bán được hơn 100.000 chiếc xe đạp, đạt doanh thu 142 tỷ đồng và lãi sau thuế 14 tỷ đồng, đánh dấu doanh số bán xe cao nhất kể từ khi cổ phần hóa. Đến năm 2023, công ty đặt mục tiêu doanh thu 200 tỷ đồng và doanh số 154.000 chiếc xe đạp.
Bên cạnh thị trường nội địa, Thống Nhất Hà Nội cũng mở rộng xuất khẩu sang các thị trường quốc tế như Mỹ, Anh, Đức, Malaysia và Singapore, với mục tiêu phát triển các mẫu xe mới thân thiện với người dùng và môi trường.
Đến năm 2023, lợi nhuận ròng của Thống Nhất Hà Nội giảm mạnh 81% xuống dưới 3 tỷ đồng, dù doanh thu tăng 24% lên 176,5 tỷ đồng. Trong nửa đầu năm 2024, công ty đạt doanh thu 60 tỷ đồng và lãi ròng 300 triệu đồng, thực hiện được lần lượt 37% và 15% kế hoạch năm.
Tại thời điểm 31/12/2023, quy mô tài sản của Thống Nhất Hà Nội gần 283 tỷ đồng, phần lớn là tài sản cố định. Tuy nhiên, nợ phải trả của công ty đã tăng lên 70 tỷ đồng, trong đó nợ vay ngắn hạn là hơn 54 tỷ đồng, chủ yếu từ Vietcombank và MB Bank. Tình hình kinh doanh không ổn định khiến lỗ lũy kế của TNV vẫn còn hơn 24 tỷ đồng.
Nhà sản xuất mẫu xe đạp Thống Nhất "hot" bậc nhất thời bao cấp kinh doanh "bùng nổ" sau cổ phần hóa Sau khi chủ thương hiệu xe đạp Thống Nhất cổ phần hóa, ông Vũ Ngọc Tú xuất hiện với tư cách đại diện cho cổ ... |
Đức Anh