World Bank: Đầu tư công dẫn dắt sức tăng trưởng của Việt Nam

(Banker.vn) Ngân hàng thế giới WB vừa công bố bản cập nhật kinh tế mới nhất với chủ đề “Để đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng” nhằm đưa ra những nhận định khách quan về GDP cũng như dự phóng nền kinh tế của Việt Nam trong nửa cuối năm 2023
World Bank: Đầu tư công dẫn dắt sức tăng trưởng của Việt Nam
Họp báo công bố Báo cáo Kinh tế tháng Tám ngày 10/8 của World Bank

Khó khăn “đôi đường”

Ngân hàng thế giới WB vừa công bố bản cập nhật kinh tế mới nhất với chủ đề “Để đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng” nhằm đưa ra những nhận định khách quan về GDP cũng như dự phóng nền kinh tế của Việt Nam trong nửa cuối năm 2023.

Năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 8%; qua nửa đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng đã giảm xuống còn 3,7%, thấp hơn nhiều so với số liệu báo cáo cùng kỳ năm trước.

Lý giải nguyên nhân sụt giảm GDP, WB cho rằng chủ yếu do nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, nhu cầu trong nước suy yếu gây cản trở tới tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam, kéo theo đó là các doanh nghiệp và thị trường lao động chịu sức ép lớn.

Chuyên gia kinh tế cao cấp của WB Dorsati Madani cho biết: “Tăng trưởng giảm do sức cầu bên ngoài giảm mạnh, thể hiện qua kim ngạch xuất khẩu giảm 12% so với 6 tháng đầu năm 2023. Điều này ảnh hưởng đến kết quả của khu vực xuất khẩu, ước tính đóng góp khoảng 50% cho GDP của Việt Nam".

Hơn nữa, sức cầu trong nước cũng chững lại do sự giảm dần hiệu ứng xuất phát điểm thấp của giai đoạn phục hồi sau dịch Covid-19, do niềm tin của người tiêu dùng đang yếu đi. Tốc độ tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng cuối giảm chỉ còn 2,7% so với mức 6,1% trong 6 tháng đầu năm 2022.

Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng, cầu giảm đã tác động không nhỏ đến khu vực sản xuất (nguồn cung). Bên cạnh đó, tình trạng thiếu điện ở miền Bắc trong đợt nắng gắt đỉnh điểm khiến nhiều hoạt động kinh tế bị gián đoạn, tổn thất ước tính ở mức 0,3% GDP.

Kết quả khảo sát 10.000 doanh nghiệp của WB cho thấy, doanh thu của 60% doanh nghiệp đã giảm ít nhất 20%; 59% doanh nghiệp cho biết đơn hàng bị giảm, 71% doanh nghiệp phải cắt giảm ít nhất 5% lao động. Ở khu vực Đông Nam Bộ, số người được phê duyệt nhận trợ cấp thất nghiệp tăng vọt gần 62% trong quý II/2023.

Tuy nhiên, WB vẫn đưa ra những dự báo khá lạc quan về tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong những tháng cuối năm. Dự kiến, tiêu dùng tư nhân sẽ tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái và đóng góp 3,4 điểm phần trăm cho tăng trưởng GDP.

Theo đó, tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm xuống 2,1% trong năm 2023 do nền kinh tế hàng đầu còn yếu. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, tăng trưởng GDP cả năm 2023 sẽ đạt mức 4,7%, sau đó tăng lên 5,5% trong năm 2024 và khoảng 6% vào năm 2025.

Dự báo cân đối ngân sách dự kiến đạt bội chi ở mức thấp là 0,7% GDP trong năm 2023, nợ công và nợ được khu vực công bảo lãnh vẫn ở mức ổn định, xoay quanh khoảng 36% GDP trong năm 2023 trước khi giảm xuống khoảng 34,4% vào năm 2025.

Thời gian tới, WB nhận định nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với đồng thời khó khăn nội tại và cả ngoại địa. Trung Quốc và các quốc gia phát triển khác tăng trưởng thấp hơn dự kiến sẽ tiếp tục gây sức ép, làm giảm cầu với lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, sự bất ổn của thị trường tài chính cũng có thể gây khó khăn trong khu vực ngân hàng toàn cầu. Vì vậy, các nhà đầu tư sẽ không khuyến khích đầu tư, kể cả việc rót vốn FDI vào Việt Nam. Hơn nữa, căng thẳng địa – chính trị cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế.

Đầu tư công dẵn dắt sức tăng trưởng

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng, WB khuyến nghị mảng đầu tư công của Việt Nam cần được chú trọng bởi lĩnh vực này sẽ đóng vai trò quyết định cho tăng trưởng dài hạn. Điều này cũng đặt ra “bài toán” về chính sách tài khóa, hỗ trợ nhu cầu ngắn hạn, loại bỏ hạn chế trong giải ngân, giải quyết điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế.

Cũng trong báo cáo này, WB đề xuất một số giải pháp thúc đẩy tăng trưởng cho Việt Nam như tăng đầu tư công để kích thích tổng cầu, đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu, xây dựng “vùng đệm” an toàn cho nền kinh tế trước các cú sốc bên ngoài.

Theo đó, ngân sách đầu tư công theo kế hoạch được triển khai đầy đủ sẽ nâng đầu tư công lên 7% GDP trong năm 2023, tạo xung lực tài khóa hỗ trợ cho tổng cầu ở mức 0,4% GDP.

Không chỉ nâng mức đầu tư công, các chính sách an sinh xã hội cũng cần được đẩy mạnh, đặc biệt là quan tâm tới lợi ích chính đáng của người lao động.

Chuyên gia Carolyn Turk cho rằng ngoài các biện pháp hỗ trợ ngắn hạn, Chính phủ không nên bỏ qua các cải cách thể chế cơ cấu, bao gồm cả trong lĩnh vực năng lượng và ngân hàng, vì những lĩnh vực này là điều bắt buộc đối với tăng trưởng dài hạn. Ngoài ra, tối giản các thủ tục hành chính, giấy tờ cũng là một cách hiệu quả tránh gây lãng phí thời gian và công sức cho doanh nghiệp.

WB nhấn mạnh, hiện tại, nhu cầu tín dụng đang ở mức thấp mặc dù lãi suất đã giảm liên tục kể từ đầu năm. Do đó, việc tiếp tục giảm lãi suất chưa chắc đã là giải pháp tốt nhất để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Bên cạnh đó, cắt giảm lãi suất sẽ làm tăng chênh lệch lãi suất với các thị trường trên toàn cầu, rất dễ gây áp lực cho tỷ giá.

Đầu tư chứng khoán cuối năm 2023: Hé lộ những "gương mặt" chất lượng

Thời gian gần đây, dòng tiền dường như đang đặt nhiều niềm tin vào kênh chứng khoán, các nhà đầu tư kỳ vọng kinh tế ...

Sóng đầu tư công - cơ hội đến từ đâu?

Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, đầu tư công luôn là lựa chọn chính sách hàng đầu để hỗ ...

Hưởng lợi từ "sóng" đầu tư công, cổ phiếu KSB có nhịp tăng nóng

Với việc đã tăng hơn 57% từ đầu năm 2023 đến nay, cổ phiếu KSB được hàng loạt các công ty chứng khoán đưa ra ...

Ngọc Bích

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán