Vững tin vào môi trường đầu tư kinh doanh

(Banker.vn) Môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam ngày càng được cải thiện và nâng cao, tạo động lực, niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài.
Môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam: Vẫn hấp dẫn dòng vốn ngoại

Đánh giá sự nỗ lực của Chính phủ trong việc đưa ra giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế năm 2022, cơ quan ngoại giao nước ngoài kỳ vọng vào sức bật cuả Việt Nam năm 2023

Ông AGUSTAVIANO SOFJAN - Tổng Lãnh sự Indonesia tại TP. Hồ Chí Minh: Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn

Vững tin vào môi trường đầu tư kinh doanh

Bất chấp đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư nhờ vị trí địa lý chiến lược và chính sách phát triển kinh tế phù hợp. Việt Nam cũng đang cải thiện khả năng kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu với việc ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mà Indonesia cũng tham gia. Đây là yếu tố quan trọng kết nối hai quốc gia với thị trường toàn cầu.

Triển vọng tăng trưởng thương mại xuất khẩu Việt Nam - Indonesia trong năm 2023 và những năm tiếp theo rất lớn khi hai bên đã đồng thuận mục tiêu mới đối với thương mại song phương là 15 tỷ USD vào năm 2028.

Ông MATSUMOTO NOBUYUKI - Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP. Hồ Chí Minh: Nhiều công ty Nhật Bản muốn mở rộng đầu tư

Vững tin vào môi trường đầu tư kinh doanh

Các công ty Nhật Bản mong muốn tập trung vào những ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động, đồng thời quan tâm đến lĩnh vực có giá trị gia tăng cao ví dụ như ôtô, thiết bị điện...

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đang thúc đẩy các công ty nước này đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu và bắt đầu hỗ trợ các hoạt động này. Cho đến nay, rất nhiều công ty đăng ký tham gia chương trình. 103 dự án đã được thực hiện và 41 dự án trong số đó là những dự án liên quan đến Việt Nam. Các dự án này có 3 nhóm chính: Đầu tiên, là ngành gia công kim loại, tiếp theo, là ngành hàng y tế, thứ ba, là ngành thiết bị điện. Do đó, 3 ngành này đang rất triển vọng trong thu hút đầu tư.

Ông ALEXANDER NOWAKOWSKI - Bí thư thứ 3 phụ trách kinh tế, Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam: Thương mại là ưu tiên hàng đầu

Vững tin vào môi trường đầu tư kinh doanh

Hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp Ba Lan đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư với doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực nông sản, chế biến thực phẩm để hưởng ưu đãi từ EVFTA nói riêng và hàng loạt các FTA khác mà Việt Nam đang thực thi.

Với 71% thuế quan được EU gỡ bỏ ngay lập tức đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và phần còn lại được gỡ bỏ trong vòng 7 năm sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa Việt Nam chinh phục thị trường Ba Lan nói riêng và EU nói chung trong thời gian tới.

24% thành viên EuroCham mô tả tình hình kinh doanh “tốt” hoặc “xuất sắc”
Ảnh minh họa

Là một quốc gia nhỏ ở Trung Âu, nhưng Ba Lan được đánh giá thành công trong việc phát triển nền kinh tế thị trường, giữ vững ổn định kinh tế - xã hội, nằm trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất ở EU. Việc thúc đẩy thương mại Việt Nam - Ba Lan có thể đưa hàng hóa Việt Nam tiếp cận rộng rãi hơn với thị trường 500 triệu người của EU.

Ông ALEX TATSIS - Trưởng phòng kinh tế, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh: Nâng cao khả năng thích ứng trong chuỗi cung ứng

Vững tin vào môi trường đầu tư kinh doanh

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Hoa Kỳ trên toàn cầu. Chuỗi cung ứng cũng là trọng tâm chính trong Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF). Trong IPEF, Hoa Kỳ sẽ phối hợp với các đối tác như Việt Nam để xác định những lĩnh vực và sản phẩm quan trọng đối với an ninh quốc gia, khả năng phục hồi của nền kinh tế cũng như sức khỏe và sự an toàn của người dân, từ đó thực hiện các hành động chung để tăng cường khả năng phục hồi của những lĩnh vực này, tạo việc làm và cơ hội kinh tế trong các ngành công nghiệp trọng điểm của tương lai.

Liên kết chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ với Việt Nam không phải chỉ diễn ra một chiều mà thương mại hai chiều giúp Việt Nam phát triển kinh tế trong nước và xuất khẩu sang các thị trường trên toàn thế giới mạnh mẽ hơn trong năm 2023 và thời gian tới. Đó là lý do tại sao Hoa Kỳ cũng đang đầu tư để giúp Việt Nam tăng cường vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu về dài hạn. Cụ thể, Hoa Kỳ tăng cường thuận lợi hóa thương mại và khả năng cạnh tranh của khu vực tư nhân tại Việt Nam, đặc biệt là giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thông qua Dự án Kết nối các doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) của USAID giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, tiếp cận nguồn tài chính và thực hiện chuyển đổi số. Điều này giúp các doanh nghiệp tham gia tốt hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, vì lợi ích chung của hai quốc gia.

Ông JEAN JACQUES BOUFLET - Phó Chủ tịch Eurocham: Hướng đến xuất khẩu xanh

Vững tin vào môi trường đầu tư kinh doanh

Sự phục hồi kinh tế của Việt Nam sau đại dịch rất mạnh mẽ, tạo đà cho mục tiêu tăng trưởng năm 2023. Mặc dù thời gian qua các FTA đã tạo điều kiện gia tăng xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam nhưng để có thể cạnh tranh được tại thị trường EU, doanh nghiệp Việt cần tuân thủ tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường và đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững.

EU đã cam kết về thương mại mở, bền vững, dựa trên quy tắc để ứng phó với các thách thức toàn cầu nhưng vẫn duy trì tính cạnh tranh. EU và Việt Nam có một công cụ tuyệt vời đó là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), cụ thể Chương Thương mại và Phát triển bền vững của hiệp định. Chính vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu hàng hóa vào EU, cần thay đổi, đặc biệt chú ý hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững.

Xuất khẩu xanh - hay chính xác hơn là việc xuất khẩu các sản phẩm có carbon thấp hoặc sản phẩm thân thiện môi trường là con đường đầy hứa hẹn cho các quốc gia mong muốn tách rời tăng trưởng kinh tế với suy thoái môi trường.

Ông NIELS B. CHRISTIANSEN- Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Lego: Khai thác cơ hội từ thị trường

Vững tin vào môi trường đầu tư kinh doanh

Việt Nam là nơi các nhà đầu tư sẽ thấy được sự tăng trưởng trong dài hạn, một môi trường đầu tư thân thiện và có những điều kiện tốt nhất để xây dựng nhà máy. Lego nhìn thấy những điều kiện tốt nhất để xây dựng một nhà máy hiện đại, phù hợp định hướng sản xuất, kinh doanh của tập đoàn với mục tiêu trung hòa carbon. Việc chọn Việt Nam để mở nhà máy, không phải là việc tận dụng chi phí lao động giá rẻ, mà hãng nhìn thấy sự phát triển ở thị trường Việt Nam, đồng thời có thể mở rộng mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu, qua đó đáp ứng nhanh chóng sự thay đổi về nhu cầu tiêu dùng ở Đông Nam Á và châu Á.

Ngoài ra, Việt Nam có đội ngũ nhân sự lành nghề cần thiết, có lợi thế về quan hệ thương mại với khu vực và quốc tế, là "cánh cửa" để thâm nhập sâu rộng vào thị trường châu Á - Thái Bình Dương. Mục tiêu chính của nhà máy là phục vụ thị trường châu Á - Thái Bình Dương, nơi có số trẻ em vẫn còn tăng cao. Ngoài ra, nhà máy này cũng góp phần phục vụ ngay chính thị trường nội địa Việt Nam. Mục tiêu của chúng tôi là hướng đến sản xuất gần người tiêu dùng nhất có thể để hạn chế việc phụ thuộc vào vận chuyển hàng hóa từ nơi này sang nơi khác. Hy vọng với một nhà máy lớn đặt ở Việt Nam, thương hiệu của chúng tôi cũng có cơ hội phát triển nhiều hơn tại đây.

Ngọc Thảo

Theo: Báo Công Thương