“Vũ khí” bí mật của kinh tế Mỹ

(Banker.vn) Trong bối cảnh kinh tế Mỹ đối mặt nhiều bất lợi từ các đợt nâng lãi suất của FED và lạm phát cao, tăng trưởng tiêu dùng vẫn duy trì ở ngưỡng ấn tượng. Nhiều chuyên gia không khỏi đặt câu hỏi yếu tố nào đã làm nên điều này.

Tại sao tiêu dùng người dân Mỹ vẫn vững vàng ngay cả khi mà Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất nhiều lần?. Lý do đơn giản: Người tiêu dùng đang trở nên già đi và họ giàu có.

Số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Mỹ cho biết, tính đến tháng 8/2023, dân số Mỹ từ 65 tuổi trở lên đạt tỷ lệ 17,7%. Đây là tỷ lệ dân số già cao nhất tính từ năm 1920, tỷ lệ này đã cao hơn đáng kể so với con số 13% vào năm 2010.

Yếu tố quan trọng với nền kinh tế ở đây là không phải chỉ tỷ lệ người già cao, mà họ đã tích lũy khối tài sản lớn. Tiềm lực tài chính của họ rất tốt và họ cũng có ít nhu cầu vay tiền mua nhà, đồng thời cũng không còn chịu nhiều rủi ro bị mất việc làm như nhiều đối tượng người tiêu dùng khác.

Chính vì vậy, không ngạc nhiên khi mà người già ở Mỹ được coi như lực lượng người tiêu dùng quan trọng. Người Mỹ từ 65 tuổi trở lên chiếm khoảng 22% tổng chi tiêu tiêu dùng vào năm ngoái, tỷ lệ cao nhất tính từ khi các số liệu được tính toán vào năm 1972 và cao hơn so với tỷ lệ 15% vào năm 2010, theo khảo sát chi tiêu của Bộ Lao động Mỹ được công bố vào tháng 9/2023.

“Đây sẽ là những người tiêu dùng có vai trò quan trọng trong những năm tới”, chuyên gia kinh tế trưởng tại Economic Analysis Associates – bà Susan Sterne phân tích.

Cũng theo bà Sterne, tỷ lệ người tiêu dùng già giàu có giúp mang đến cái nền cho tiêu dùng trong bối cảnh hiện nay khi mà tăng trưởng việc làm chững lại, lãi suất cao và nhiều triệu sinh viên buộc phải trả nợ trở lại.

Việc người tiêu dùng lớn tuổi chi tiêu mạnh tay phản ánh cho thay đổi của hiệu ứng tâm lý, sức khỏe và tài sản sau đại dịch COVID-19.
“Trước đây tôi luôn nghĩ rằng tiết kiệm để làm điều này điều kia. Giờ đây, với lượng tiền tiết kiệm đang có trong ngân hàng, tôi đang chi tiêu theo cách để củng cố hơn nữa tình thân của tôi với bạn bè và gia đình hơn so với trước đây”, bà Maureen Green năm nay 66 tuổi cho hay.

Bà Green, một doanh nhân bất động sản cho biết, số tiền mà bà chi tiêu cho du lịch hiện giờ cao hơn 25% so với thời điểm năm 2019. Gần đây, bà có nhiều chuyến thăm con trai, con gái ở nhiều nơi tại Mỹ.

“Một triệu người Mỹ đã không vượt qua được đại dịch COVID-19, điều đó dạy cho tôi rằng không nên để thời gian trôi qua vô ích”, bà Green nói.

“Cách sống của những người lớn tuổi đã thay đổi chóng mặt, giờ đây họ sống tích cực hơn trước rất nhiều. Họ chạy xe đạp điện, họ đi leo núi, họ đi du lịch. Và họ dành thời gian cho những thú vui nhiều hơn trước đây rất nhiều”, giám đốc bộ phận tư vấn bán lẻ tại công ty nghiên cứu hành vi người tiêu dùng Circana – ông Marshal Cohen nhận xét.

Theo Bộ Lao động Mỹ, trong năm 2022, mức chi tiêu trung bình của người từ 65 tuổi trở lên cao hơn 27% so với năm 2021 (số liệu sau điều chỉnh với lạm phát). Trong khi đó, tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng tuổi dưới 65 chỉ tăng 0,7%.

Thống kê vào tháng 8/2023 cho thấy, mức tiêu dùng của người tiêu dùng tuổi trên 60 tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng tiêu dùng của nhóm người tiêu dùng tuổi từ 40 đến 60 tăng chỉ 4,6%, theo khảo sát của FED tại New York.

Hãng kinh doanh dịch vụ du lịch du thuyền American Cruise Lines chuyên cung cấp dịch vụ hướng đến những người tiêu dùng giàu có công bố tăng trưởng doanh thu hai con số trong năm nay, chủ yếu nhờ vào chi tiêu của những người thuộc thế hệ bùng nổ trẻ em sinh ra sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai.

Những người già ở Mỹ hiện rất giàu có. Thống kê của FED cho thấy, người Mỹ từ 70 tuổi trở lên hiện đang nắm khoảng 26% tổng tài sản hộ gia đình tại Mỹ, tỷ lệ cao nhất tính từ năm 1989.

Dù rằng các chuyên gia kinh tế dự báo về khả năng suy thoái kinh tế tăng cao trong những năm tới, Chủ tịch kiêm Giám Đốc chiến lược đầu tư tại Yardeni Research – ông Ed Yardeni không nghĩ vậy. Ông giải thích, chỉ riêng những người thuộc thế hệ bùng nổ trẻ em hiện đang có tổng tài sản ước tính khoảng 77,1 nghìn tỷ USD.

So với người tiêu dùng thuộc các nhóm tuổi khác, họ có ít nợ tiêu dùng hơn, sở hữu nhà nhiều hơn. Nhiều người trong số này từng vay thế chấp để mua nhà khi mà lãi suất siêu thấp trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Đồng thời, họ cũng không có nhu cầu chuyển nhà hay tìm việc mới như các thế hệ trẻ, chính vì vậy cũng không chịu tác động bởi chi phí nhà ở tăng cao.

Lạm phát giảm và người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn. Khi mà lạm phát tiếp tục hạ nhiệt, cả chi tiêu thực và chi tiêu danh nghĩa tăng nhẹ so với năm liền trước. Tăng trưởng chi tiêu thực so với cùng kỳ năm tính đến tháng 9/2203 liên tục trên 3%, cao hơn hẳn so với tỷ lệ tăng trưởng chỉ 1% ở thời điểm tháng 5/2023.

Xét đến các hạng mục chi tiêu, nhóm mặt hàng được chi tiêu nhiều nhất bao gồm các hoạt động giải trí bên ngoài gia đình và mỹ phẩm, ghi nhận mức tăng lần lượt 12% và 13%. Chi tiêu vào du lịch tăng đến 11% so với cùng kỳ năm trước.

Ngọc Diệp

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ