VSA: "Bí kíp" đọc vị thị trường, dự đoán xu hướng chứng khoán

(Banker.vn) Giá và khối lượng là cặp yếu tố quan trọng trong phân tích kỹ thuật theo chuẩn VSA (Volume Spread Analysis), giúp nhà đầu tư nắm bắt xu hướng, xác định điểm đảo chiều và tối ưu hóa quyết định giao dịch. Theo đó, việc phân tích chính xác mối quan hệ này sẽ mở ra góc nhìn sâu sắc về cách thị trường vận hành và hỗ trợ giao dịch hiệu quả hơn.

Phân tích khối lượng chênh lệch giá (VSA - Volume Spread Analysis) là một phương pháp phân tích kỹ thuật dựa trên việc quan sát sự tương quan giữa cung và cầu cổ phiếu để đánh giá biến động và dự đoán xu hướng thị trường.

Cốt lõi của phương pháp này là lý thuyết cho rằng mọi biến động giá đều bắt nguồn từ sự mất cân bằng giữa cung và cầu, thường do những nhà đầu tư lớn như các quỹ đầu tư, tổ chức tài chính, hay các nhà giao dịch chuyên nghiệp gây ra. Khi họ thực hiện các giao dịch quy mô lớn, dù là mua hay bán, đều sẽ tạo ra sự biến động đáng kể trong cung cầu, làm dịch chuyển giá cổ phiếu theo các hướng khác nhau.

Theo đó, VSA tập trung vào việc phát hiện các dấu hiệu của sự mất cân bằng này thông qua việc phân tích giá và khối lượng giao dịch.

VSA:
Theo Tom Williams - người đã sáng tạo và phát triển phương pháp phân tích VSA - khi hiểu được bản chất của thị trường là khi bạn hiểu được mối quan hệ mật thiết giữa cung – cầu

Khối lượng giao dịch phản ánh mức độ hoạt động của thị trường, cho biết có bao nhiêu cổ phiếu đã được mua hoặc bán trong một khoảng thời gian nhất định.

Còn độ dài thân nến biểu thị sự chênh lệch giữa giá mở cửa và giá đóng cửa của một phiên giao dịch, giúp xác định mức độ biến động của thị trường. Cuối cùng, giá đóng cửa là yếu tố quan trọng, cho thấy thị trường kết thúc phiên giao dịch ở mức giá nào, từ đó cung cấp manh mối về sức mạnh tương đối của phe mua hoặc phe bán.

Với việc phân tích đồng thời ba yếu tố này, VSA không chỉ giúp nhận diện các tín hiệu thị trường rõ ràng mà còn giúp dự đoán được các xu hướng tiềm ẩn, từ đó hỗ trợ nhà đầu tư trong việc đưa ra những quyết định giao dịch chính xác và hiệu quả hơn.

Dấu hiệu tăng giá (Cung < Cầu)

Dấu hiệu tăng giá xuất hiện khi nguồn cung cổ phiếu cạn kiệt sau một giai đoạn bán ròng, tạo cơ hội cho nhà đầu tư mua vào ở mức giá hợp lý, từ đó thúc đẩy lực cầu. Đây là tín hiệu quan trọng báo trước sự tăng giá của cổ phiếu.

Các mẫu hình giá – khối lượng của SOS (dấu hiệu tăng giá):

Down Thrust – Lực đẩy xuống: Mẫu hình này xuất hiện khi nến rút chân đảo chiều tăng, thể hiện lực cầu mạnh đột ngột đẩy giá đóng cửa tăng cao, thường đi kèm khối lượng siêu cao hoặc cao hơn mức trung bình. Đây là dấu hiệu mạnh mẽ của xu hướng tăng giá. Nhà đầu tư có thể chờ xác nhận qua một vài phiên tăng giá hoặc mua vào khi giá điều chỉnh giảm.

VSA:
Mẫu hình Down Thrust

Selling Climax – Cao trào bán: Là mẫu hình quan trọng trong phương pháp VSA, cao trào bán thường bao gồm một thanh nến giảm với giá đóng cửa chênh lệch lớn so với giá mở cửa và thấp hơn so với các phiên trước. Bóng nến dài thể hiện lực cầu mạnh ngăn không cho giá giảm sâu hơn, cùng khối lượng giao dịch rất cao. Mẫu hình này xuất hiện ở cuối xu hướng giảm và thường báo hiệu sự kết thúc của đợt bán tháo.

VSA:
Mẫu hình Selling Climax

No Supply Bar – Nến không có nguồn cung: Mẫu hình này bao gồm một thanh nến giảm với mức chênh lệch giá đóng cửa và giá mở cửa thấp, tạo nên một thanh nến ngắn với khối lượng giao dịch thấp hơn hai phiên trước đó. Đây là mẫu hình tiếp diễn xu hướng tăng, cho thấy nguồn cung cạn kiệt, nếu lực cầu vẫn lớn, giá cổ phiếu sẽ tiếp tục tăng mạnh.

VSA:
Mẫu hình No Supply Bar

Sign of Weakness – Dấu hiệu giảm giá (Cung > Cầu)

Dấu hiệu giảm giá xuất hiện khi lượng cầu suy yếu, thường xảy ra sau khi giá cổ phiếu đã tăng cao qua nhiều phiên. Khi người mua rút lui, lực cầu suy yếu, dẫn đến giá cổ phiếu giảm.

Các mẫu hình giá – khối lượng của SOW (dấu hiệu giảm giá):

UpThrust – Lực đẩy lên: Đây là mẫu hình đảo chiều giảm với thân nến ngắn và phần râu nến trên dài, đi kèm khối lượng giao dịch rất cao hoặc siêu cao. Thân nến ngắn kết hợp với khối lượng lớn là tín hiệu cho thấy cung đang chiếm ưu thế, báo hiệu xu hướng giảm sắp tới.

VSA:
Mẫu hình Upthrust

Buying Climax – Cao trào mua: Mẫu hình này bao gồm một thanh nến tăng với thân nến dài, giá đóng cửa tạo đỉnh cao hơn so với các phiên trước, và râu nến trên dài hơn so với thân nến. Đi kèm với đó là khối lượng giao dịch rất cao. Mẫu hình này cho thấy xu hướng tăng đã kéo dài, giá cổ phiếu đã quá cao và lượng cung bắt đầu ồ ạt bán ra, báo hiệu sự bắt đầu của xu hướng giảm.

VSA:
Mẫu hình Buying Climax

No Demand Bar – Nến không có nhu cầu mua: Mẫu hình này xuất hiện khi nến tăng có thân ngắn và khối lượng thấp hơn hai phiên trước đó. Đây là dấu hiệu tiếp diễn của xu hướng giảm, khi lực cầu không đủ mạnh để vượt qua lực cung. Nhà đầu tư đang chờ giá giảm hơn nữa trước khi mua vào, dẫn đến sự tiếp tục giảm điểm của cổ phiếu.

VSA:
Mẫu hình No Demand Bar

Tựu trung lại, phân tích khối lượng và chênh lệch giá (VSA) là một công cụ hữu ích giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn về động lực thị trường, từ đó dự đoán xu hướng và đưa ra quyết định giao dịch hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, như mọi phương pháp phân tích khác, VSA không đảm bảo chính xác 100% trong mọi tình huống. Để có cái nhìn toàn diện, nhà đầu tư nên kết hợp VSA với các yếu tố phân tích khác và không nên quá phụ thuộc vào một phương pháp duy nhất.

Khối ngoại "xả" gần 400 tỷ đồng, bộ đôi cổ phiếu Bluechips MSN và FPT gây áp lực lớn

Phiên giao dịch ngày 10/9, khối ngoại bán ròng gần 400 tỷ đồng, tập trung vào cổ phiếu Bluechips như MSN và FPT, khiến VN-Index ...

Deli chuẩn bị khởi công dự án FDI lớn nhất tại Hải Dương: Điều gì đáng chờ đợi?

Tập đoàn Deli chuẩn bị khởi công dự án đầu tư gần 6.500 tỷ đồng tại khu công nghiệp Đại An mở rộng, Hải Dương. ...

Chuyển giao quyền lực tại Minh Khang CTP: Chủ tịch "rút chân" sau 2 lần từ nhiệm, tân Chủ tịch sinh năm 1993 nắm quyền

Công ty CP Minh Khang Capital Trading Public (CTP) vừa trải qua đợt chuyển giao quyền lực lớn khi Chủ tịch Nguyễn Tuấn Thành quyết ...

Phương Nguyễn

Phương Nguyễn

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục