VISC gợi ý nhóm cổ phiếu tiềm năng và các yếu tố hỗ trợ thị trường chứng khoán trong thời gian tới

(Banker.vn) VISC đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam trong những tháng cuối năm 2023 sẽ biến động trong vùng 1.000 - 1.250 điểm. VISC kỳ vọng lãi suất sau 4 lần giảm sẽ tác động tích cực đến thanh khoản của thị trường chứng khoán. Các doanh nghiệp phục hồi lợi nhuận, lãi suất thấp có thể khiến dòng vốn quay trở lại thị trường...
Thị trường vẫn sẽ trải qua các nhịp rung lắc, chuyên gia VISC chỉ ra 4 nhóm cổ phiếu tiềm năng nhất

Ba kịch bản dự báo về phát triển kinh tế trong thời gian tới

Theo báo cáo chiến lược mới đây của Công ty CP Chứng khoán Đầu tư Tài chính Việt Nam (VISC, HNX: VIG), tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2023 ước tính tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý II/2020 trong giai đoạn 2011-2023. Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023.

Để đạt tăng trưởng GDP mục tiêu trong 2023 là 6−6,5% thì tăng trưởng trong nửa cuối năm phải đạt 8−8,9% YoY. Trong bối cảnh toàn cầu vẫn suy yếu, để đạt mức tăng trưởng GDP trên là thách thức không nhỏ.

VISC gợi ý nhóm cổ phiếu tiềm năng và các yếu tố hỗ trợ thị trường chứng khoán trong thời gian tới
VISC dự báo tăng trưởng GDP ở mức 6,46% trong năm 2023. Xuất khẩu cả năm 2023 giảm 2,17%. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2023 tăng 4,39%. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 6,8 tỷ USD.

Do đó, VISC cho rằng, Chính phủ sẽ đẩy mạnh hơn nữa trong việc giải ngân đầu tư công, cũng như tiếp tục đưa ra các chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ và Ngân hàng nhà nước.

Lạm phát cơ bản tháng 6/2023 tăng 0,24% so với tháng trước, tăng 4,33% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,74% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,29%).

VISC đánh giá lạm phát Việt Nam sẽ có xu hướng giảm dần sau khi đạt đỉnh vào tháng 1/2023 nhờ nỗ lực hạ nhiệt mặt bằng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, lạm phát cả năm 2023 duy trì ở mức dưới 4,5% như Quốc hội đề ra là hoàn toàn khả thi.

Theo đó, VISC đưa ra ba kịch bản dự báo về phát triển kinh tế từ nay đến cuối năm 2023.

Kịch thứ nhất, giả thiết các yếu tố kinh tế thế giới tiếp tục duy trì phù hợp với đánh giá của các tổ chức quốc tế và Việt Nam duy trì nỗ lực chính sách tương tự như nửa cuối các năm 2021 - 2022. Theo đó, tăng trưởng GDP dự báo đạt 5,34% trong năm 2023. Xuất khẩu cả năm 2023 giảm 5,64%. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2023 tăng 3,43%. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 9,1 tỷ USD.

Kịch bản hai, giữ nguyên hầu hết các giả thiết trong kịch bản 1 liên quan đến yếu tố kinh tế thế giới, song có một số điều chỉnh về nới lỏng tiền tệ và tài khóa tích cực hơn ở Việt Nam. Khi đó, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 5,72% trong năm 2023. Xuất khẩu cả năm 2023 giảm 3,66%. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2023 tăng 3,87%. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 10,3 tỷ USD.

Kịch bản ba, giả thiết bối cảnh kinh tế thế giới có một số chuyển biến tích cực hơn (tăng trưởng phục hồi, gián đoạn chuỗi cung ứng đã giảm đáng kể, lạm phát ở Mỹ giảm, thời tiết thuận lợi hơn…) và sự quyết liệt trong cải cách, điều hành ở Việt Nam. Qua đó giúp đạt kết quả tối đa về giải ngân/hấp thụ đầu tư công và tín dụng, cải thiện môi trường kinh doanh và năng suất lao động, thúc đẩy và thực hiện hoạt động đầu tư theo hướng hiệu quả hơn.

Khi đó, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 6,46% trong năm 2023. Xuất khẩu cả năm 2023 giảm 2,17%. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2023 tăng 4,39%. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 6,8 tỷ USD.

Yếu tố hỗ trợ thị trường chứng khoán

Về thị trường chứng khoán, VISC đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam trong những tháng cuối 2023 sẽ biến động trong vùng 1.000 - 1.250 điểm nhờ các yếu tố hỗ trợ sau:

Thứ nhất, Chính phủ nỗ lực tháo gỡ nút thắt cho ngành bất động sản, cũng như các tổ chức phát hành trái phiếu, qua đó giúp cải thiện niềm tin của các nhà đầu tư.

Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước liên tiếp 4 lần giảm lãi suất điều hành với lãi suất tái cấp vốn và chiết khấu giảm tổng cộng 150bps so với đầu năm xuống lần lượt là 4,5% và 3%.

Thứ ba là chính sách tài khóa được thúc đẩy theo hướng hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt là đẩy mạnh đầu tư công.

Về chiến lược đầu tư, VISC khuyến nghị các nhà đầu tư có thể quan tâm cổ phiếu của các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt & định giá hấp dẫn như:

Nhóm ngành nông nghiệp được hưởng lợi từ giá gạo xuất khẩu tăng cao, nguồn cung gạo trên thế giới bị thiếu hụt như: LTG, TAR.

Nhóm ngân hàng: Một số chính sách mới được ban hành có tác động giúp tăng thanh khoản cho thị trường tài chính và hỗ trợ thị trường BĐS. Có thể kể đến Luật Kinh doanh bảo hiểm (có hiệu lực từ 1/1/2023); Thông tư 26/2022/TT-NHNN ngày 31/12/2022 sửa đổi Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Nghị định 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP về phát hành TPDN riêng lẻ, Nghị quyết số 33/2023 ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS, Quyết định 338/QĐ-CP ngày 3/4/2023 về phát triển 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội và Nghị định 10/NĐ-CP ngày 3/4/2023 tháo gỡ vướng mắc về cấp sổ hồng cho BĐS du lịch…

Đặc biệt, NHNN đã 2 lần điều chỉnh giảm một số lãi suất điều hành, huy động vốn và cho vay ngắn hạn, cho vay lĩnh vực ưu tiên trong tháng 3 và tháng 4. Chính sách này đánh dấu bước thay đổi của chính sách tiền tệ, từ thận trọng sang linh hoạt, nới lỏng một phần, qua đó giúp lãi suất cho vay và huy động giảm dần, hỗ trợ cho doanh nghiệp, nền kinh tế. Cổ phiếu ngân hàng đáng quan tâm như: MBB, TCB

Nhóm Bất động sản Khu công nghiệp: Tổng vốn đăng ký FDI trong 5T2023 ghi nhận vượt trội với 5,26 tỷ USD (+27,8% so CK). Chiến lược “Trung Quốc +1" sẽ mở ra cơ hội cho các Khu công nghiệp tại Việt Nam. Nhiều dự án mới dự kiến cam kết sẽ đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới như LG (4 tỷ USD), Foxconn (300 triệu USD), …Nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ sự dịch chuyển dòng vốn FDI: SIP, LHG.

Nhóm vật liệu xây dựng: Theo Bộ Giao thông Vận tải, nhu cầu đá xây dựng cho thi công sân bay Long Thành giai đoạn 1 lên tới 18 triệu m3, tương đương 56% công suất khai thác được cấp phép hàng năm của tỉnh Đồng Nai. Do đó, dự án sân bay Long Thành được kỳ vọng sẽ là cú hích lớn đối với các doanh nghiệp đá xây dựng trong thời gian tới. Nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ đầu tư công như: DHA.

Nhóm chứng khoán: VISC kỳ vọng lãi suất sau 4 lần giảm sẽ tác động tích cực đến thanh khoản của thị trường chứng khoán. Các Doanh nghiệp phục hồi lợi nhuận, lãi suất thấp có thể khiến dòng vốn quay trở lại thị trường chứng khoán. Nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ lãi suất điều hành thấp như cổ phiếu ngành chứng khoán: FTS, VCI.

Công ty CP Chứng khoán Đầu tư Tài chính Việt Nam (VISC) được thành lập ngày 15/10/2007 theo giấy phép thành lập và hoạt động số 88/UBCK-GP do UBCK Nhà Nước cấp ngày 11/1/2008 với các cổ đông sáng lập có nền tảng tài chỉnh vững mạnh với tên gọi ban đầu là Công ty CP Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VICS).

Ngày 1/12/2009, VICS chính thức niêm yết cổ phiếu tại sở GDCK Hà Nội với mã chứng khoán là VIG. Trải qua 15 năm hình thành và phát triển, đến nay Công ty CP Chứng khoán Đầu tư Tài chính Việt Nam đã được Tập đoàn Đầu tư Thăng Long đầu tư chiến lược, tái cấu trúc thành công và ra mắt thương hiệu mới VISC, với định hướng trở thành một định chế tài chính trung gian hàng đầu tại Việt Nam, tham gia vào lĩnh vực kinh doanh dịch vụ chứng khoán, dịch vụ tài chính và ngân hàng đầu tư.

Nhóm ngành nào còn nhiều triển vọng trong nửa cuối 2023?

Kết thúc quý 2/2023, nhiều doanh nghiệp ghi nhận kết qua kinh doanh kém sắc do bối cảnh ảm đạm của nền kinh tế. Trong ...

Thị trường sắp bước vào vùng trũng thông tin, VNDirect gợi ý hai nhóm ngành tiềm năng

VNDirect cho rằng, khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh qua đi sẽ là vùng trũng thông tin và đà tăng của thị trường ...

Đức Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán