Vietcombank hủy lịch chốt quyền, dời lại ngày tổ chức đại hội thường niên 2022

(Banker.vn) Mới đây Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) cho biết sẽ huỷ ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách tham dự đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022.

Trước đó, Vietcombank đã công bố ngày chốt danh sách cuối cùng là ngày 4/3 và ngày tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên vào ngày 8/4 tới đây.

Lý do được ngân hàng đưa ra là thay đổi ngày tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên nhằm hạn chế rủi ro lây lan dịch bệnh COVID-19 và đảm bảo công tác chuẩn bị đại hội được an toàn, hiệu quả.

Ngân hàng chưa đưa ra thông báo mới về lịch tổ chức dự kiến thay thế.

Vietcombank là một trong số các ngân hàng công bố sớm kế hoạch kinh doanh năm 2022 với triển vọng tích cực.

Tại hội nghị triển khai công tác hoạt động kinh doanh năm 2022, ban lãnh đạo Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế đạt 12%, tương đương hơn 30.600 tỷ đồng, đây tiếp tục là con số lợi nhuận cao kỷ lục trong toàn hệ thống.

Cùng với đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng được đưa ra là 12% (phù hợp với mức cấp của NHNN), tổng tài sản tăng 8%. Nợ xấu duy trì dưới 1,5%; thị phần thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại trên 16%.

Trong năm 2021, lợi nhuận trước thuế hợp nhất lũy kế cả năm của ngân hàng đạt 27.376 tỷ đồng, tăng 18,8% so với năm 2020 và vượt 8,5% so với kế hoạch năm. Với con số này, Vietcombank tiếp tục giữ vị trí quán quân toàn ngành về lợi nhuận nếu xét theo báo cáo tài chính hợp nhất.

Năm 2021, tổng thu nhập hoạt động của Vietcombank đạt 56.711 tỷ đồng, tăng 15,6% so với năm trước. Trong đó, thu nhập lãi đóng góp 42.387 tỷ đồng (tăng 16,8%); thu nhập ngoài lãi đóng góp 14.324 tỷ đồng (tăng 12,1%).

Tính đến 31/12/2021, tổng tài sản của Vietcombank đạt hơn 1,41 triệu tỷ đồng, tăng 6,7% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 14,4% lên 960.750 tỷ đồng.

Về chất lượng cho vay, dư nợ xấu của ngân hàng trong năm qua đã tăng 17% lên 6.121 tỷ đồng, chủ yếu tăng tại nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ). Tỷ lệ nợ xấu nội bảng chỉ nhích nhẹ từ mức 0,62% lên 0,64%.

Mặt khác, với việc bổ sung "bộ đệm" nợ xấu lên 25.976 tỷ đồng (tăng 35%), tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank đã tăng từ 368% lên 424%, mức cao kỷ lục của toàn ngành ngân hàng.

Nguyên Nam

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán