Việt Nam đang có vị thế rất tốt trên bản đồ công nghệ toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực AI

(Banker.vn) Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, hiện nay Việt Nam đang có vị thế rất tốt trên bản đồ công nghệ toàn cầu. Đây là lợi thế và cơ hội quan trọng để Việt Nam bứt phá trong lĩnh vực khoa học – công nghệ.
Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành chủ trì họp báo Chính phủ tháng 1/2025 - Ảnh: VGP
Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành chủ trì họp báo Chính phủ tháng 1/2025. (Ảnh: VGP)

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 5/2/2025 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Tại Hội nghị Trung ương tháng 1 vừa qua, nhiều nghị quyết quan trọng đã được thông qua. Trong đó, có nội dung liên quan đến việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025.

Trước đây, khi triển khai nghị quyết của Quốc hội, mục tiêu tăng trưởng được đặt ra là từ 6,5-7%, với định hướng phấn đấu đạt 7-7,5%. Tuy nhiên, Trung ương đã quyết nghị và chỉ đạo điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2025, đặt ra yêu cầu phải đạt từ 8% trở lên.

Mục tiêu này không chỉ giúp hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế của cả giai đoạn 5 năm mà còn tạo nền tảng vững chắc để bước vào một giai đoạn phát triển mới. Việc đạt được mức tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm 2025 sẽ là tiền đề để hướng đến tốc độ tăng trưởng cao hơn trong những năm tiếp theo, với kỳ vọng đạt mức hai con số, tức trên 10%.

Về quan điểm và tinh thần thực hiện, để đạt được mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết chúng ta cần phải có quyết tâm cao độ, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt.

Các giải pháp tổng thể, toàn diện trên tất cả các ngành, lĩnh vực đã được thể hiện trong Nghị quyết 01 của Chính phủ. Tuy nhiên, với yêu cầu tăng trưởng cao hơn, cường độ thực hiện các giải pháp này cũng phải được nâng lên tương ứng. Điều này đòi hỏi tất cả các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm triển khai ở mức độ cao hơn, thậm chí gấp đôi so với trước đây.

Về các giải pháp cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm sau: Trước hết, hoàn thiện thể chế pháp luật. Chúng ta cần bám sát quan điểm chỉ đạo của Trung ương và Thủ tướng Chính phủ, trong đó xác định thể chế là một nguồn lực quan trọng cho phát triển và được coi là đột phá của đột phá. Do đó, việc tiếp tục đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế pháp luật trong năm 2025 vẫn là một yêu cầu cấp thiết.

Về các giải pháp từ phía cầu, cần tập trung vào một số nhiệm vụ chính, trong đó đẩy mạnh đầu tư là ưu tiên hàng đầu. Đầu tư từ lâu đã được xác định là động lực quan trọng, có tác động ngay lập tức đến tăng trưởng kinh tế. Trong đó, một số lĩnh vực trọng tâm cần tập trung bao gồm:

Thứ nhất, đầu tư công. Chúng ta cần tiếp tục sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, đảm bảo các dự án được triển khai nhanh chóng, đúng tiến độ và mang lại giá trị thực tiễn. Sáng nay, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các khoản chi không cần thiết, phấn đấu đưa tỉ trọng chi thường xuyên xuống dưới 60% ngân sách nhà nước, nhằm dành nhiều nguồn lực hơn cho đầu tư phát triển.

Bên cạnh đó, đầu tư công cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa, đặc biệt thông qua việc triển khai sớm một số dự án quan trọng. Một trong những dự án tiêu biểu là tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn, kết nối quốc tế và khu vực phía bắc. Ngoài ra, chúng ta cũng cần chuẩn bị sẵn các dự án trọng điểm khác, đảm bảo tính sẵn sàng để gia tăng quy mô đầu tư công, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện hệ thống hạ tầng chiến lược của đất nước.

Nhóm thứ hai trong đầu tư là đầu tư của doanh nghiệp nhà nước. Trong bối cảnh triển khai Nghị quyết 18 của Trung ương, việc sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đang được đẩy mạnh, tạo ra không gian và cơ hội phát triển mới cho khu vực này.

Trong thời gian tới, doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu đàn, doanh nghiệp dẫn dắt, cần chủ động thực hiện những dự án quy mô lớn, có sức lan tỏa mạnh mẽ, nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng đầu tư và đóng góp tích cực vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2025.

Nhóm thứ ba trong đầu tư là đầu tư tư nhân, bao gồm cả đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhìn lại năm 2024, dòng vốn FDI vào Việt Nam đạt kết quả tương đối tích cực. Trong năm 2025, chúng ta cần tiếp tục phát huy đà tăng trưởng này, trong đó tập trung vào hai điểm nhấn quan trọng để thu hút mạnh mẽ hơn nữa nguồn vốn đầu tư nước ngoài: Một là tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc về thể chế và pháp luật, đồng thời cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh theo hướng minh bạch, thuận lợi hơn để tạo sức hút đối với các nhà đầu tư. Thứ hai, triển khai ngay một số chính sách quan trọng mà Quốc hội đã thông qua, đặc biệt là chính sách "luồng xanh" nhằm thu hút các dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghệ cao. Các khu công nghệ, khu công nghiệp và khu công nghệ cao sẽ là những trọng điểm ưu tiên để đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Tiếp theo là thu hút đầu tư từ khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân trong nước. Trong năm 2025, bên cạnh việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh để gia tăng số lượng doanh nghiệp mới, cần đồng thời triển khai các giải pháp mang tính vĩ mô, giúp tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tháo gỡ vướng mắc, khơi thông các thị trường quan trọng trong nước, bao gồm thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, v.v…

Việt Nam đang có vị thế rất tốt trên bản đồ công nghệ toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực AI
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương. (Ảnh: VGP)

Một vấn đề nữa, sáng nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về động lực tăng trưởng từ xuất khẩu. Thủ tướng nhận định rằng xuất khẩu trong năm 2025 có thể đối mặt với nhiều thách thức lớn, đặc biệt là từ các chính sách bảo hộ thương mại và chính sách thuế của Hoa Kỳ, một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Ngoài ra, nguy cơ gia tăng căng thẳng thương mại toàn cầu do các biện pháp trả đũa lẫn nhau về thuế quan giữa các nền kinh tế lớn cũng có thể tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Trước tình hình đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cần theo dõi sát diễn biến thị trường, tiến hành phân tích kỹ lưỡng để có biện pháp ứng phó kịp thời, hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực từ những biến động của thương mại thế giới.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tận dụng tối đa các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, đồng thời đẩy mạnh việc khai thác các hiệp định thương mại mới. Trong đó, đáng chú ý là các hiệp định với khu vực Trung Đông, cùng một số FTA khác đang trong quá trình đàm phán.

Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo phải đảm bảo sự kết nối chặt chẽ giữa đầu vào và đầu ra của sản xuất. Nếu không duy trì được đầu ra ổn định, sản xuất trong nước sẽ gặp khó khăn. Do đó, việc tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ là yếu tố then chốt để thúc đẩy sản xuất, ổn định tăng trưởng trong thời gian tới.

Về tiêu dùng trong nước, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo cụ thể, trong đó nhấn mạnh việc thúc đẩy tổng cầu và nâng cao sức mua của thị trường nội địa. Các giải pháp được đề ra cũng đã tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, nhằm đảm bảo thị trường trong nước tiếp tục phát triển ổn định, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh các động lực tăng trưởng truyền thống, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo việc thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Hiện nay Việt Nam đang có vị thế rất tốt trên bản đồ công nghệ toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực AI và các công nghệ cao khác. Đây là lợi thế và cơ hội quan trọng để Việt Nam bứt phá trong lĩnh vực khoa học – công nghệ, tạo nên những động lực tăng trưởng mới.

Chính phủ vừa qua đã kịp thời ban hành Nghị quyết 03, đề ra nhiều giải pháp quan trọng và giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành nhằm triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khoa học – công nghệ và chuyển đổi số.

Vì vậy, chúng ta cần bắt đầu triển khai ngay từ những tháng đầu năm 2025, để tạo nền tảng cho giai đoạn 5 năm tiếp theo, hướng tới mục tiêu tăng trưởng hai con số trong tương lai.

Thủ tướng: Xây dựng nhà máy điện hạt nhân là vấn đề lớn, đại sự quốc gia

Thủ tướng khẳng định phát triển năng lượng xanh và bền vững là yêu cầu cấp bách, phát triển điện hạt nhân là một trong ...

Thủ tướng chỉ đạo thực hiện nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong Lễ hội xuân năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 09/CĐ-TTg ngày 3/2/2025 yêu cầu các Bộ ngành, địa phương bảo đảm thực hiện ...

PV

PV

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục