Việc giảm lãi suất không phải quan trọng nhất trong hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

(Banker.vn) Nếu quá lạm dụng các chính sách tiền tệ, trong khi khu vực doanh nghiệp yếu để hấp thụ tín dụng thì có thể dẫn đến không thúc đẩy được sản xuất, mà còn có thể ảnh hưởng đến tính ổn định của kinh tế vĩ mô, cũng như rủi ro của hệ thống tài chính tiền tệ.

Ưu tiên giải pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong dài hạn

Phân tích tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm, tại tọa đàm kinh tế vĩ mô 2023: “Phục hồi tổng cầu - thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới” do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Tạp chí kinh tế Việt Nam tổ chức sáng ngày 11/7, TS. Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, từ đầu năm 2023 đến nay, kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều bất ổn. Lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, các ngân hàng Trung ương tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt, nhiều nền kinh tế lớn đã tăng trưởng chậm lại và các yếu tố chính trị như chiến sự Nga – Ukraine vẫn đang còn diễn biến rất phức tạp.

Trước bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức như công nghiệp chế biến chế tạo liên quan đến xuất khẩu và bất động sản sụt giảm mạnh. Đặc biệt, thấy rõ cả 3 động lực từ phía cầu (tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu) đều suy yếu.

Cụ thể, tổng mức bán lẻ tăng tốt trong quý 1 nhưng chậm lại trong quý 2, tiêu dùng dự kiến sẽ tăng chậm lại do lãi suất cao, thu nhập, và tài sản giảm; đầu tư công tăng khá, các thành phần đầu tư khác đều yếu; xuất nhập khẩu giảm mạnh hơn qua các quý.

“Sự suy giảm tổng cầu của nền kinh tế sẽ suy giảm và cũng là trở lực lớn nhất khiến tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt tốc độ tăng trưởng thấp hơn nhiều so với mục tiêu.”, TS. Phạm Thế Anh nhìn nhận.

the-anh-3537.gif
TS. Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân

Vì vậy, vị chuyên gia này cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần khẩn trương có những biện pháp thích hợp, kịp thời để phục hồi tổng cầu, phát triển kinh tế trong bối cảnh mới.

Theo đó, Chính phủ có thể sử dụng các biện pháp kích thích tổng cầu, song phải thực hiện các biện pháp có chọn lọc và ưu tiên các biện pháp kích thích tổng cầu vừa cải thiện tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn, tránh tác động phụ như lạm phát tăng cao, bong bóng tài sản và sau đó phải đi thắt chặt - giống như một số các quốc gia trên thế giới đã gặp phải.

“Chính phủ có thể sử dụng những biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh, chính sách thúc đẩy hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong nền kinh tế, khuyến khích được doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực đem lại tăng trưởng trong dài hạn như liên quan đến công nghệ, năng lượng xanh”, ông Thế Anh khuyến nghị.

Tập trung hơn đến chính sách tài khoá

Còn theo PGS.TS Tô Trung Thành, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trong 6 tháng đầu năm, để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, Chính phủ đã ban hành các chính sách thiên về tiền tệ như hạ lãi suất, tín dụng, thế nhưng về phía tổng cung, có thể thấy doanh nghiệp vẫn khó khăn.

Điều này phản ánh mức hấp thụ của doanh nghiệp đang khá kém, nên việc giảm lãi suất không phải là vấn đề quan trọng nhất trong hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nếu quá lạm dụng các chính sách tiền tệ, trong khi khu vực doanh nghiệp yếu để hấp thụ tín dụng thì có thể dẫn đến không thúc đẩy được sản xuất của doanh nghiệp, mà còn có thể ảnh hưởng đến tính ổn định của kinh tế vĩ mô, cũng như rủi ro của hệ thống tài chính tiền tệ.

“Trong giai đoạn tiếp theo, bên cạnh chính sách tiền tệ, cần quan tâm và tập trung hơn nữa đến chính sách tài khoá”, ông Thành nêu rõ.

Trên thực tế, Chính phủ đã có nhiều chính sách tài khóa nhằm thúc đẩy các yếu tố đầu vào cho doanh nghiệp, điển hình như giảm thuế, hạ chi phí đầu vào khác. Song, các chính sách tài khoá sẽ có độ trễ so với chính sách tiền tệ. Hy vọng các doanh nghiệp sẽ được thẩm thấu lợi ích trong những tháng còn lại của năm 2023.

thanh-4408.gif
PGS TS Tô Trung Thành, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Trong thời gian tới, Chính phủ cần kích thích tiêu dùng thông qua trợ cấp an sinh xã hội cho hộ nghèo và người bị mất việc; nâng mức thu nhập chịu thuế; thông qua đó sẽ đạt hai mục tiêu an sinh xã hội và kích cầu, hiệu quả do xu hướng tiêu dùng tăng cao, vừa là chính sách tạm thời vừa lâu dài, ít tác động phụ.

Về dài hạn, khi nguồn lực của nền kinh tế còn khó khăn như hiện nay, một trong những động lực tăng trưởng tốt trong thời gian tới là sử dụng công nghệ và kinh tế số. Theo nghiên cứu của Đại học Kinh tế Quốc dân, hiện nay kinh tế số chiếm tỷ trọng tương đối thấp, chiếm khoảng 9,6% trong GDP nền kinh tế, trong khi kế hoạch đến năm 2025 chiếm khoảng 20% và đến 2030 chiếm 25%.

“Nếu không tập trung vào phát triển kinh tế số, thúc đẩy mô hình tăng trưởng dựa vào công nghệ số, đổi mới sáng tạo thì có lẽ các vấn đề về tổng cung như hiện nay sẽ còn lặp lại”, ông Thành nhấn mạnh.

Nguyễn Ngọc

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ