Vị thế cổ phiếu phòng thủ trong năm 2023

(Banker.vn) Một khi kinh tế bước vào pha phục hồi, sự phòng thủ có lẽ không còn phù hợp mà dòng tiền cần được tập trung vào những nhóm ngành được hưởng lợi nhất ở pha phục hồi như Tài chính (Ngân hàng, chứng khoán), Công nghiệp, Nguyên vật liệu, CNTT, Hàng tiêu dùng không thiết yếu…

Cổ đông lớn HHV muốn bán ra lượng lớn cổ phiếu sau thời gian tăng nóng

Trong báo cáo triển vọng đầu tư mới đây, Chứng khoán DSC tích cực cho rằng mức định giá đã ngang bằng đáy chỉ số năm 2008 và 2012 và điều này sẽ kích thích dòng tiền đầu tư dài hạn giải ngân quyết liệt hơn trong năm 2023, qua đó tạo động lực phục hồi cho thị trường.

Vị thế cổ phiếu phòng thủ trong năm 2023

Về dòng tiền, ngoài các quyết định về lãi suất điều hành đã được biết đến rộng rãi, DSC cho rằng quá trình thắt chặt định lượng cũng khiến dòng tiền lớn bị rút khỏi thị trường đầu tư. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thời gian qua đã có những biện pháp tăng lãi suất điều hành 2%, kéo theo lãi suất huy động NHTM tăng 3 - 4%, lãi suất liên NH tăng 4 - 6%.

Trong năm 2023 này, Quốc Hội có đề xuất giảm lãi suất điều hành 1%. DSC đánh giá khả năng NHNN giảm lãi suất theo kiến nghị của Quốc hội là không cao. Tuy nhiên, trong trường lãi suất thực sự được cắt giảm, đó có thể là yếu tố tích cực tháo gỡ thanh khoản cho thị trường.

Về điểm số, DSC dự phóng trong kịch bản cơ sở chỉ số VN-Index sẽ dao động quanh ngưỡng 1.100 điểm (tương ứng tăng khoảng 9%). Đối với kịch bản tích cực, chỉ số có khả năng lên ngưỡng 1.300 điểm, tương ứng tăng tới 29%, tuy nhiên trong kịch bản kém sắc thì chỉ số chính có thể giảm 16% về ngưỡng 850 điểm.

Theo DSC, bối cảnh năm 2023 sẽ không mang màu quá sáng, tuy nhiên sẽ tích cực hơn so với diễn biến thị trường năm trước. Thị trường bắt đầu năm 2023 với nền tảng định giá thấp so với quá khứ, chỉ quanh 11 lần. Dựa theo dữ liệu lịch sử, mức định giá P/E tỷ lệ nghịch với tỷ suất lợi nhuận trong tương lai.

Cụ thể, với P/E dưới 13 lần, tỷ suất sinh lợi trong 3 tháng, 6 tháng tiếp theo kể từ năm 2013 chưa bao giờ là quá thấp. Do đó với việc kỳ vọng nền kinh tế còn nhiều thử thách nửa đầu năm, mức giảm quá đà cuối năm 2022 đã tạo ra một mặt bằng giá đủ hấp dẫn và thu hẹp dư địa giảm.

Trong giai đoạn suy thoái hoặc khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, hầu hết các nhóm ngành chu kỳ sẽ có sự suy giảm lợi nhuận. Các nhóm ngành không theo chu kỳ, mang tính phòng thủ như Thực phẩm đồ uống, Điện, Nước, Y tế, CNTT sẽ có kỳ vọng tích cực hơn. Các nhóm ngành này sẽ có sức chống chịu tốt hơn khi thị trường chưa xác nhận tạo đáy dài hạn và vĩ mô còn nhiều dấu hỏi. Tuy nhiên mức định giá cần được quan tâm, cổ phiếu phòng thủ nên được cân nhắc ở mức giá hợp lý.

Đặc biệt, thị trường chứng khoán luôn đi trước nền kinh tế. Do đó với quan điểm nền kinh tế sẽ cải thiện dần về cuối năm, DSC dự báo thị trường chứng khoán có thể bắt đầu một chu kỳ mới trước khi nền kinh tế thực sự chạm đáy. Khả năng trong năm 2023, khi những thông tin xấu về nền kinh tế dần được hé lộ và kèm theo chính sách tiền tệ có xu hướng đảo chiều, đáy chứng khoán 2023 sẽ được xác nhận.

Một khi kinh tế bước vào pha phục hồi, sự phòng thủ có lẽ không còn phù hợp mà dòng tiền cần được tập trung vào những nhóm ngành được hưởng lợi nhất ở pha phục hồi như Tài chính (Ngân hàng, chứng khoán), Công nghiệp, Nguyên vật liệu, CNTT, Hàng tiêu dùng không thiết yếu… - những nhóm ngành dẫn dắt ở pha phục hồi. Năm 2023 sẽ còn nhiều khó khăn nhưng khả năng thị trường tài chính sẽ bớt khó khăn hơn so với năm 2022 và là cơ hội để tích lũy tài sản cho một chu kỳ mới.

Anh Khôi

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán