Xem xét phân bổ gần 15.000 tỷ đồng cho 129 dự án
Ngày 13/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc giao danh mục và mức vốn cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (đợt 2).
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội |
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, trên cơ sở các nội dung tại Báo cáo số 01/BC-CP và Tờ trình số 02/TTr-CP ngày 02/01/2022 của Chính phủ, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Nghị quyết quy định mục tiêu, đối tượng, nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn và phân bổ vốn, các cơ chế đặc thù áp dụng cho dự án đầu tư công thuộc Chương trình và một số nhiệm vụ sử dụng vốn đầu tư phát triển; tăng chi từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176 nghìn tỷ đồng với thời gian thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022 và 2023 để hỗ trợ, đầu tư các nhiệm vụ, dự án trong từng ngành, lĩnh vực.
Đồng thời, giao Chính phủ căn cứ các nguyên tắc, tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết, khẩn trương rà soát, hoàn thiện danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn của Chương trình, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi phân bổ vốn.
Căn cứ Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, việc xây dựng, hoàn thiện các danh mục nhiệm vụ, dự án Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội là rất nghiêm túc, chặt chẽ, kỹ lưỡng, bảo đảm tuân thủ theo đúng các nguyên tắc, tiêu chí, đối tượng, mục tiêu quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15.
Đề cập kết quả hoàn thiện thủ tục đầu tư của các dự án dự kiến bố trí từ số vốn còn lại của Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ thông báo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, quá trình rà soát, hoàn thiện danh mục, mức vốn dự kiến cho các dự án được thực hiện cẩn thận, kỹ lưỡng, tuân thủ quy định về nguyên tắc, tiêu chí, đối tượng, mục tiêu, cơ cấu vốn theo ngành, lĩnh vực tại Nghị quyết số 43/2022/QH15.
Tổng hợp kết quả rà soát có một số thay đổi về danh mục so với thời điểm báo cáo Quốc hội tháng 01/2022 như sau: Một là, gộp dự án để giảm bớt đầu mối quản lý dự án, không chia nhỏ theo địa danh, rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư; điều chỉnh tên dự án để bảo đảm phù hợp địa danh, quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, khả năng thực hiện dự án… những thay đổi này không làm thay đổi mục tiêu, đối tượng, địa phương và mức vốn dự kiến theo lĩnh vực đầu tư đã được Quốc hội quyết định.
Hai là, đối với lĩnh vực y tế: Danh mục và mức vốn dự kiến bố trí cho các dự án đề xuất tại thời điểm xây dựng danh mục báo cáo Quốc hội trong báo cáo số 01/BC-CP và Tờ trình số 02/TTr-CP ngày 2/1/2022 của Chính phủ mới xác định được các địa phương, các tuyến y tế cơ sở và y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật, bệnh viện, viện cấp trung ương cần đầu tư.
Căn cứ nguyên tắc, tiêu chí quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành và địa phương rà soát, đánh giá kỹ thực trạng để đề xuất lại danh mục dự án, phù hợp với nhu cầu thực tế tại từng đơn vị và khả năng cân đối vốn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, căn cứ Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Cho ý kiến về 129 dự án thuộc Chương trình với số vốn dự kiến là 14.710,315 tỷ đồng đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định, đủ điều kiện giao kế hoạch vốn.
Đồng thời, cho ý kiến điều chỉnh giảm 8.528 tỷ đồng kế hoạch vốn của Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Giao thông vận tải thực hiện 4 dự án quan trọng quốc gia, đường cao tốc để điều chỉnh tăng tương ứng cho 10 địa phương thực hiện các dự án thành phần đã được Thủ tướng Chính phủ phân cấp.
Trên cơ sở đó, 10 địa phương thực hiện giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công của Chương trình năm 2023 cho từng dự án thành phần do mình quản lý.
Đề nghị rà soát kỹ về thời hạn hoàn thành các dự án
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho rằng, việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tiếp tục phân bổ số vốn còn lại của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn lại là đúng theo thẩm quyền tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội (Nghị quyết 43).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu |
Qua rà soát, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ, đối với danh mục dự án đã đủ thủ tục đầu tư. Tuy nhiên, đề nghị rà soát kỹ về thời hạn hoàn thành các dự án; đồng thời, chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện các nhiệm vụ, dự án đúng thời hạn theo Nghị quyết 43.
Đối với các dự án có sử dụng vốn ngân sách địa phương, yêu cầu các địa phương thực hiện đúng cam kết; có chế tài xử lý đối với địa phương không thực hiện đúng cam kết, không bố trí đủ vốn để các dự án hoàn thành trong năm 2023 để đảm bảo yêu cầu của Nghị quyết 43.
Ông Nguyễn Phú Cường cho hay, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng thống nhất cho phép điều chỉnh kế hoạch vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Giao thông vận tải để điều chỉnh tăng tương ứng cho 10 địa phương thực hiện 4 dự án đường cao tốc.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ băn khoăn khi danh mục dự án trình lần này có những dự án giải ngân trong cả giai đoạn 2024-2025, trong khi Nghị quyết 43 quy định giao vốn cho các dự án giải ngân cho giai đoạn 2022-2023.
Ngoài ra, việc đề xuất bố trí điều chỉnh vốn cho 4 dự án quan trọng quốc gia trong lĩnh vực giao thông cũng khiến Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế băn khoăn. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế làm rõ 3 trong 4 dự án này đã có nghị quyết của Quốc hội quy định trong đó xác định tỷ lệ vốn trung ương, vốn địa phương, yêu cầu Hội đồng nhân dân các tỉnh/thành phố có dự án đi qua có Nghị quyết cam kết bố trí vốn, tiến độ cụ thể.
Nếu lần này có sự điều chỉnh thì dù không có thay đổi về tổng mức đầu tư, không thay đổi về kết cấu hạ tầng như thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã nêu nhưng cũng đã có sự thay đổi so với quy định của Nghị quyết của Quốc hội.
Mặt khác, số vốn còn lại chưa giao là rất nhiều thì việc giải ngân trong năm 2023 như tinh thần Nghị quyết 43 của Quốc hội sẽ không khả thi. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đặt vấn đề cần phải làm rõ vấn đề này và phải có phương án để xử lý vốn một cách phù hợp, có hiến kế để điều hòa vốn của Chương trình hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế với vốn đầu tư công.
Ba nguyên nhân gây chậm trễ trong triển khai
Giải trình, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc phân giao và triển khai các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội rất chậm. Trong đó, có nhiều nguyên nhân, tuy nhiên, tập trung vào ba nguyên nhân chính.
Thứ nhất, phải thực hiện đúng Nghị quyết 43 về nguyên tắc, tiêu chí; thứ hai, phải thực hiện đúng thủ tục, trình tự theo quy định của Luật Đầu tư công, những vấn đề đó sẽ làm mất thêm thời gian; thứ ba, các đề xuất của một số bộ, ngành và địa phương không sát thực tiễn.
Đối với những dự án kéo dài sang năm 2024 và 2025, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện nay chỉ cho phép Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2022 và năm 2023 nhưng lại cho phép sử dụng nhiều nguồn vốn hỗn hợp để cùng thực hiện một dự án. Các dự án này lại theo phân theo nhóm A, nhóm B, nhóm C nên mới kéo dài, và thẩm quyền phê duyệt các dự án này là của địa phương.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, Chính phủ sẽ chỉ đạo theo hướng thực hiện đúng Nghị quyết số 43, Luật Đầu tư công và đôn đốc, thúc đẩy việc giải ngân. Trong đó, Quốc hội đã cho phép điều hòa giữa các nguồn vốn để đảm bảo linh hoạt và đảm bảo hiệu quả.
Trong thời gian năm 2022 và 2023, đặc biệt là trong năm 2023, Chính phủ sẽ tập trung giải ngân hết nguồn vốn Trung ương thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Còn các nguồn vốn của địa phương và các nguồn vốn khác sẽ thực hiện ở năm 2024 và năm 2025.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ về phân bổ số vốn dự kiến cho 129 nhiệm vụ, dự án đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định. Chính phủ rà soát, chịu trách nhiệm chi tiết về từng nhiệm vụ, dự án khi quyết định theo thẩm quyền, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật. Đồng thời, Chính phủ chịu trách nhiệm chỉ đạo các địa phương bố trí đủ phần vốn địa phương đã cam kết để hoàn thành đúng tiến độ các dự án sử dụng cả vốn ngân sách trung ương và ngân sách đia phương. |
Quỳnh Nga
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|