Vì sao cổ phiếu VNZ của ông chủ mạng xã hội Zalo bị bán mạnh?

(Banker.vn) Kết phiên giao dịch sáng nay 6/9, giới đầu tư có dấu hiệu muốn bán ra cổ phiếu VNZ của doanh nghiệp này.
Cổ phiếu VNZ có thị giá vượt 1 triệu đồng, cao nhất lịch sử chứng khoán Việt Nam VNGroup tổ chức Đêm nhạc Trịnh Công Sơn: Nối vòng tay lớn Chủ ứng dụng Zalo quyết tâm có lãi năm 2024, khích lệ nhân viên bằng 641.000 cổ phiếu ESOP siêu rẻ

Sáng 6/9, người dân quan tâm tới trụ sở của Công ty Cổ phần VNG (UPCoM: VNZ) tại Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP. Hồ Chí Minh và xuất hiện đợt bán mạnh cổ phiếu VNZ của đại gia công nghệ này trong phiên giao dịch sáng nay.

Đã có thời điểm, mã VNZ giảm kịch biên độ 15%, từ 515.000 đồng xuống 437.800 đồng/cổ phiếu. Sang tới phiên chiều, lực bán đã giảm nhưng vẫn khiến cổ phiếu này mất nhiều phần trăm giá trị.

Vì sao cổ phiếu VNZ của ông chủ mạng xã hội Zalo bị bán mạnh?
Công ty VNG là chủ của các ứng dụng rất quen thuộc trong đời sống như: Zalo, ZaloPay, Zing MP3... hay các trò chơi giải trí đa dạng, gắn liền với tuổi thơ của nhiều thanh niên Việt (Ảnh: L.H)

Công ty VNG không phải cái tên xa lạ đối với người dân Việt Nam. Đây là đại gia công nghệ sở hữu hệ sinh thái kỹ thuật số rộng lớn, là chủ của các ứng dụng rất quen thuộc trong đời sống như: Zalo, ZaloPay, Zing MP3... hay các trò chơi giải trí đa dạng, gắn liền với tuổi thơ của nhiều thanh niên Việt.

Bên cạnh đó, cổ phiếu VNZ của Công ty VNG được biết tới là mã có giá trị lớn nhất trên thị trường. Cổ phiếu VNZ bắt đầu giao dịch trên sàn UPCoM từ ngày 5/1/2023 với giá tham chiếu 240.000 đồng/cổ phiếu, sau đó, có thời điểm mã này tăng mạnh lên 1,5 triệu đồng/cổ phiếu (ngày 15/2/2023), là mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của chứng khoán Việt Nam. Tại mức đỉnh này, vốn hóa công ty đạt 39.000 tỷ đồng, tương ứng khoảng 1,5 tỷ USD.

Trong niềm hân hoan hứng khởi, ban lãnh đạo Công ty VNG đặt kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian hoạt động ảm đạm, giá cổ phiếu trượt dốc, đến cuối năm 2023, doanh nghiệp quyết định hủy bỏ đợt chào bán ra công chúng (IPO) tại thị trường tài chính lớn nhất toàn cầu vì nhiều lý do khách quan.

Song, họ vẫn khẳng định sẽ tái khởi động kế hoạch chào bán gần 22 triệu cổ phiếu và huy động 150 triệu USD này trong tương lai gần.

Bước sang năm 2024, Công ty VNG đặt kế hoạch kinh doanh khởi sắc với doanh thu mục tiêu 11.069 tỷ đồng, tăng mạnh 46% so với kết quả thực hiện năm 2023. Song song với đó, kỳ lân công nghệ đầu tiên của Việt Nam (công ty khởi nghiệp có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên) quyết tâm có lãi sau thuế 150 tỷ đồng, nỗ lực bật dậy sau khoản lỗ kỷ lục 2.317 tỷ đồng đã hứng chịu năm ngoái.

Mọi thứ có vẻ chưa bao giờ là dễ dàng với Công ty VNG khi mới đây, bản công bố kết quả kinh doanh bán niên 2024 của họ chỉ ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.314 tỷ đồng, lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh sau điều chỉnh là 400 triệu đồng.

Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, ông chủ của ứng dụng Zalo mới hoàn thành 39% kế hoạch doanh thu và còn cách xa mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Đáng chú ý, liên quan đến hoạt động của ứng dụng Zalo, mới đây trong Dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Bộ Công an đã có báo cáo Đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan bảo vệ dữ liệu cá nhân (DLCN).

Bộ Công an đánh giá, về thực trạng bảo vệ dữ liệu cá nhân, nguy cơ mất an ninh DLCN từ các tổ chức, doanh nghiệp có hoạt động thu thập DLCN là rất lớn. "Nhận thức, giải pháp, quy trình bảo vệ an ninh mạng đã tạo ra khoảng trống lớn. Quản lý nhà nước chưa có tổ chức chuyên trách để đưa ra các khuyến cáo, các yêu cầu và có cơ chế giám sát để đảm bảo an ninh mạng trong các hoạt động thu thập DLCN", Bộ Công an cho biết.

Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, doanh nghiệp cũng không nhận thức được trách nhiệm bảo vệ cũng như hậu quả có thể xảy ra nếu các thông tin đó bị lộ lọt hay cung cấp cho bên thứ 3. Một trong số vụ việc điển hình được Bộ Công an nêu rõ, đó là trường hợp của Công ty VNG khi để lộ hơn 163 triệu tài khoản khách hàng...

Vân Oanh

Theo: Báo Công Thương