Ước mơ trở thành nghệ sỹ múa của cô bé mồ côi dân tộc Mông Thò Thị Dính

(Banker.vn) Mồ côi cha, mẹ bỏ đi không rõ tung tích, từ nhỏ cô bé dân tộc Mông - Thò Thị Dính (Đồng Văn,tỉnh Hà Giang) vẫn luôn nuôi dưỡng ước mở trở thành nghệ sỹ múa.
Đồng bào dân tộc Mông ở Sà Phìn (Hà Giang) phát triển kinh tế nhờ chính sách dân tộc Sắc màu văn hóa dân tộc Mông tại Hà Nội

Trở thành những đứa trẻ mồ côi từ khi còn quá nhỏ, ba chị em Thò Thị Dính, Thò Mí Và và Thò Thị Xúa ở xã Má Lé, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang được các cán bộ chiến sỹ Đồn biên phòng Lũng Cú - Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang đón về nuôi dưỡng theo mô hình “Nâng bước em đến trường - Con nuôi đồn Biên phòng”.

Gặp em Thò Thị Dính vào một ngày cuối tuần cuối tháng 9 tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Đồng Văn, tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi trước mắt tôi là một cô bé hết sức xinh đẹp và hoạt bát với nụ cười tỏa sáng.

Ước mơ trở thành nghệ sỹ múa của cô bé mồ côi dân tộc Mông Thò Thị Dính
Em Thò Thị Dính luôn ước mơ trở thành nghệ sỹ múa

Sinh năm 2005, năm nay, em Dính học lớp 12, có lẽ với niềm yêu thích múa nên ngay từ khi đi học THCS em Dính đã tham gia đội văn nghệ của nhà trường và được các thầy cô trong trường cũng như các “bố nuôi” tại Đồn biên phòng ủng hộ, động viên và tạo điều kiện để em nuôi dưỡng, theo đuổi ước mơ của mình.

Thò Thị Dính chia sẻ, bố mất sớm mẹ bỏ đi, cả ba chị em con được các chú bộ đội Đồn biên phòng Lũng Cú đón về chăm sóc, nuôi dưỡng. Các em được đi học, đến trường cùng với các bạn bè, tối đi học về được các chú kèm dạy thêm, quan tâm chăm lo như con ruột. Vào cấp 3 học tập và sinh hoạt tại trường, con có thêm nhiều bạn bè và được các thầy cô giúp đỡ, yêu thương.

Nói về ước mơ của mình em Dính tâm sự: Dân tộc Mông có nhiều nét văn hóa đặc sắc trong đó múa là một nét văn hóa riêng và con ước mơ sau này trở thành diễn viên múa. Qua đó, con có thể góp phần đưa văn hóa dân tộc Mông tới cộng đồng xã hội.

"Sang năm con tốt nghiệp lớp 12, con mong muốn được vào học tại Trường Đại học văn hóa Nghệ thuật Quân đội, sau này trở về Hà Giang mong muốn quảng bá rộng hơn nữa văn hóa của dân tộc Mông ”- em Thò Thị Dính bày tỏ.

Ước mơ trở thành nghệ sỹ múa của cô bé mồ côi dân tộc Mông Thò Thị Dính
Thầy Đặng Quốc Hoàng Huân chia sẻ về công tác phối hợp giữa nhà trường và Đồn biên phòng đối với các em thuộc chương trình con nuôi Đồn biên phòng

Nhận xét về cô bé Thò Thị Dính, thầy Đặng Quốc Hoàng Huân – Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS và THPT huyện Đồng Văn cho biết: Hiện tại nhà trường đang có 4 trường hợp là con nuôi của các Đồn Biên phòng trên địa bàn huyện Đồng Văn, trong đó có em Thò Thị Dính. Trong những năm qua nhà trường đã phối hợp chặt chẽ với các Đồn biên phòng tại địa phương quan tâm các cháu từ việc học hành đến nuôi dưỡng, chăm sóc, động viên về tình cảm. Khi biết ước mơ của Dính yêu thích múa, nhà trường cùng giáo viên chủ nhiệm, Đoàn thanh niên đã tạo điều kiện cho con tham gia Đội Văn nghệ của nhà trường, qua đó giúp con phát triển và nuôi dưỡng ước mơ của mình.

Đại úy Lò Ngọc Quý - Chính trị viên phó - Đồn biên phòng Lũng Cú (Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang) - cho biết: Thực hiện chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng” do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động, ngay sau khi có chỉ đạo Đồn biên phòng Lũng Cú đã phối hợp với gia đình, địa phương, nhà trường tổ chức rà soát các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn, sau đó đơn vị đã tổ chức đưa ba chị em Thò Thị Dính về làm con nuôi của Đồn biên phòng, cháu lớn là Thò Thị Dính sinh năm 2005, cháu thứ 2 là Thò Mí Và sinh năm 2008 và cháu thứ 3 là Thò Thị Xúa sinh năm 2012.

Đại úy Lò Ngọc Quý cho hay, sau khi đưa các con về Đồn, Đảng ủy, Ban chỉ huy đơn vị rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phân công đồng chí chỉ huy đơn vị phụ trách, thành lập Tổ chăm sóc các con. Tổ có nhiệm vụ trực tiếp chăm sóc, quản lý, dạy dỗ, cũng như hướng dẫn, kèm cặp giúp đỡ các con trong học tập và sinh hoạt hàng ngày tại Đồn.

Thời gian đầu các con chưa quen sinh hoạt trong môi trường quân đội, nhưng với sự yêu thương chăm sóc của các “bố nuôi” là các cán bộ, chiến sỹ tại đồn, các con đã dần thích nghi, chúng tôi cũng đã bố trí các đồng chí cán bộ có kinh nghiệm, trình độ, năng lực tốt để dạy kèm các con củng cố phần kiến thức”- Đại úy Lò Ngọc Quý cho biết thêm.

Ngoài học tập, Đồn biên phòng Lũng Cú còn tổ chức cho các con tham gia các hoạt động cùng cán bộ, chiến sĩ của đơn vị, như: Lao động, tăng gia sản xuất, rèn luyện thể lực, dọn vệ sinh, mục đích là để hình thành cho các con thói quen tự lập, có kỹ năng trong cuộc sống, phục vụ cho chính cuộc sống của các con sau này.

Nói về ước mơ của cháu Lò Thị Dính, Đại úy Lò Ngọc Quý cũng mong muốn cháu có thể phát triển ước mơ của mình trong môi trường đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp. “Cháu có nguyện vọng tham gia chuyên ngành nghệ thuật, đối với hoàn cảnh của cháu như hiện tại mặc dù được sự quan tâm hỗ trợ của Bộ Đội biên phòng, tuy nhiên nếu học các trường nghệ thuật dân sự thì chi phí sẽ cao và khả năng cháu sẽ không có nhiều cơ hội tham gia học tập, chúng tôi mong muốn các đơn vị, các cấp tạo điều kiện hỗ trợ cháu có cơ hội vào trường Nghệ thuật Quân đội sau khi học xong cấp 3”- Đại úy Lò Ngọc Quý cho hay.

(Hình phỏng vấn Đại úy Lò Ngọc Quý )

Đã từng có câu nói “Ta không được chọn nơi mình sinh ra nhưng ta được chọn cách mình sẽ sống”, với Thò Thị Dính, sinh ra và lớn lên tại vùng cao biên giới - điểm cực Bắc của Tổ quốc (xã Má Lé, huyện Đồng Văn), nơi mà hộ nghèo và cận nghèo chiếm đến 50%. Trong điều kiện, hoàn cảnh đó, nhận thức của nhiều bậc phụ huynh không đồng đều, nhiều gia đình ít quan quan tâm đến việc học chữ của con em mình, không tạo được động lực để các cháu vươn lên trong học tập, thậm chí phải bỏ học giữa chừng để phụ giúp bố mẹ trong cuộc sống hàng ngày.

Được học hành và ước mơ có một nghề nghiệp mình yêu thích tưởng chừng đóng lại trước mắt các em khi các em là những đứa trẻ mồ côi, nhưng cơ hội lại mở ra nhờ Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi Đồn Biên phòng”. Giờ đây em Thò Thị Dính lại bùng cháy lên ước mơ của mình - Ước mơ trở thành nghệ sỹ múa hết sức bình dị đối với nhiều người nhưng với em thật không dễ dàng.

Ước mơ đó của em Dính mong rằng tiếp tục được các cấp, các ngành và đặc biệt Lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội quan tâm, giúp đỡ em và đón nhận em vào học tập sau khi em tốt nghiệp lớp 12. Qua đó, góp phần lan tỏa nghĩa tình, phẩm chất tốt đẹp của người lính “Bộ đội Cụ Hồ” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thu Hường - Phạm Tiệp

Theo: Báo Công Thương