TTCK cần có nhịp điều chỉnh để NĐT đánh giá lại kỳ vọng trong bối cảnh thiếu vắng thông tin

(Banker.vn) Về kỹ thuật, sau nhịp tăng hơn 40% kể từ mức đáy tháng 11 năm ngoái, hoặc hơn 20% kể từ đầu tháng 5 vừa qua, thị trường cũng cần có nhịp điều chỉnh để nhà đầu tư đánh giá lại kỳ vọng trong bối cảnh thị trường trong nước đang ở giai đoạn thiếu vắng thông tin hỗ trợ…

Thị trường chứng khoán toàn cầu đang trong nhịp điều chỉnh kể từ đầu tháng 8. Tuần vừa qua là tuần giảm thứ 3 liên tiếp và cũng là tuần giảm mạnh nhất của nhiều thị trường lớn. Phủ bóng lên tâm lý nhà đầu tư là nỗi lo về lãi suất “cao hơn, lâu hơn” từ Fed, bên cạnh đó là bức tranh ảm đạm về nền kinh tế Trung Quốc. Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, phần đông các nhà giao dịch tin rằng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 9.

TTCK cần có nhịp điều chỉnh để NĐT đánh giá lại kỳ vọng trong bối cảnh thiếu vắng thông tin
Áp lực bán có thể còn mạnh ở phiên đầu tuần mới

Tuy nhiên, tỷ lệ đặt cược vào khả năng này đã giảm xuống còn 86,5% từ mức 89% cách đây 1 tuần. Tuần mới, tâm điểm chú ý của nhà đầu tư ở Phố Wall sẽ hướng mới phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại hội nghị ngân hàng trung ương thường niên ở Jackson Hole.

Thị trường chứng khoán trong nước đứt mạch tăng 6 tuần liên tiếp và để mất ngưỡng 1.200 điểm. Nhịp điều chỉnh diễn ra sau 2 tuần ngược dòng chứng khoán thế giới, thanh khoản liên tục được duy trì trên ngưỡng tỷ USD nhưng thị trường không thể vượt qua vùng cản kỹ thuật 1.243 điểm. Khối ngoại quay lại bán ròng tuần vừa qua nhưng không phải là nguyên nhân chính khiến thị trường giảm mạnh.

Điểm nhấn đáng chú ý diễn ra ở phiên cuối tuần khi chỉ số Vn-Index để mất 55,49 điểm, tương đương giảm 4,5% còn 1.177,99 điểm. Đây là phiên giảm mạnh nhất của chỉ số này hơn 1 năm vừa qua và là phiên giảm thứ 7 trong 18 phiên kể từ khi thị trường vượt ngưỡng 1.200 điểm. Tuần giảm đầu tiên sau chuỗi tăng 6 tuần liên tiếp cũng là tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 10 năm ngoái. Chỉ số VN-Index chốt tuần giảm 4,4%, VN30 giảm 4,03%, mức sụt mạnh nằm ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ lần lượt 4,7% và 4,8%.

Đối với các nhóm cổ phiếu, phiên giảm mạnh cuối tuần vừa qua cũng xóa sạch thành quả từ 1 đến 2 tuần trước đó. Ngoại trừ nhóm cổ phiếu công nghệ ngược dòng thị trường nhờ: FPT (+4,27%), ELC (+3,16%),… phần còn lại giảm bình quân từ 2% đến 7% trong đó có nhiều nhóm cổ phiếu giảm mạnh hơn thị trường chung. Nhóm Vingroup là động lực tăng của thị trường 2 tuần trước đó lại là nhóm có mức giảm mạnh nhất trong tuần vừa qua: VIC (-7,85%), VHM (-6,73%), VRE (-5,37%),… Nhóm BĐS ngoài cổ phiếu CEO vẫn giữ được thành quả tăng +23,7%, phần lớn các cổ phiếu còn lại giảm mạnh: NVL (-7,89%), DXG (-6,9%), NLG (-7,5%),… Nhóm cổ phiếu ngân hàng tuy có mức giảm ít hơn thị trường chung nhưng mức giảm diễn ra trên diện rộng: VPB (-6,36%), BID (-5,35%), CTG (-4,36%), TCB (-3,42%),…

Thanh khoản toàn thị trường phiên cuối tuần chạm mức ấn tượng 42.200 tỷ đồng, kéo thanh khoản bình quân tuần vừa qua đạt 28.956 tỷ đồng, tăng 10,3% so với tuần trước, đây đã là tuần thứ 6 liên tiếp thanh khoản đạt trên mức 20.000 tỷ đồng và mức bình quân 6 tuần là 24.637 tỷ đồng, qua đó ghi nhận mức thanh khoản cao nhất kể từ tuần đầu tháng 4/2022. Theo thống kê, thanh khoản bình quân quý 2 cao hơn 39% so với quý 1 và tiếp tục tăng trong tháng 7, đạt 21.181 tỷ đồng, tăng 31,5% so với mức bình quân quý 2. Kể từ đầu tháng 8, thanh khoản đã vọt lên mức 27.228 tỷ đồng, cao hơn 28,5% so với tháng 7 và đang là mức cao nhất kể từ đầu năm (theo tháng).

Khối ngoại bán ròng 1.593 tỷ đồng ở tuần vừa qua, lũy kế kể từ đầu năm khối ngoại bán ròng 2.674 tỷ đồng. Đáng chú ý, các quỹ ETF bị rút ròng tuần thứ 3 liên tiếp và tuần vừa qua cũng là tuần bị rút ròng 57 triệu USD, nhiều nhất kể từ đầu năm, lũy kế các quỹ ETF vẫn ở trạng thái hút ròng 157 triệu USD. Các quỹ ETF bị rút ròng trong tuần vừa qua: KIM (-28,12 triệu USD), DCVFMVN30 (-24,15 triệu USD), Fubon (-13,2 triệu USD), Diamond (-10,23 triệu USD), …

Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, thị trường đứt mạch tăng 6 tuần liên tiếp và lọt Top các thị trường có mức giảm mạnh nhất trên thế giới tuần vừa qua. Đây có thể là nhịp điều chỉnh đáng kể nhất trong xu hướng tăng kể từ cuối tháng 4 đầu tháng 5 vừa qua. Nhịp điều chỉnh này không xuất phát từ các thông tin tiêu cực cả trong và ngoài nước tác động. Thậm chí so với chứng khoán thế giới, thị trường trong nước còn điều chỉnh trễ 2 tuần.

Nguyên nhân có thể đến từ yếu tố kỹ thuật khi chỉ số VN-Index không thể dứt điểm vùng cản 1.243 điểm, chỉ số này dao động 2 tuần trong biên độ 20 điểm dưới ngưỡng cản này trong bối cảnh thanh khoản bình quân toàn thị trường 6 tuần vừa qua ở mức tỷ USD (24.637 tỷ đồng). Khi lượng cổ phiếu tích tụ khá dày ở vùng giá cao chịu áp lực bán mạnh ngay ở nhịp điều chỉnh đầu tiên sau nhịp tăng mạnh trước đó, đều khiến thị trường giảm sốc và xuyên qua các ngưỡng hỗ trợ dễ dàng.

Về kỹ thuật, sau nhịp tăng hơn 40% kể từ mức đáy tháng 11 năm ngoái, hoặc hơn 20% kể từ đầu tháng 5 vừa qua, thị trường cũng cần có nhịp điều chỉnh để nhà đầu tư đánh giá lại kỳ vọng trong bối cảnh thị trường trong nước đang ở giai đoạn thiếu vắng thông tin hỗ trợ, trong khi chứng khoán thế giới đang trong nhịp điều chỉnh kể từ đầu tháng 8.

Trong kịch bản cơ sở, nhịp điều chỉnh có thể diễn ra từ 1 đến 2 tuần với vùng hỗ trợ gần ở khu vực 1.156 – 1.163 điểm, sau đó sẽ có nhịp hồi kỹ thuật. Áp lực bán có thể còn mạnh ở phiên đầu tuần mới, thị trường sẽ chững đà giảm khi các cổ phiếu có mức điều chỉnh mạnh về vùng hỗ trợ nhận được lực cầu bắt đáy.

TTCK cần có nhịp điều chỉnh để NĐT đánh giá lại kỳ vọng trong bối cảnh thiếu vắng thông tin
Nguồn: MBS
Nhận định chứng khoán tuần 21-25/8: Tiếp tục xu hướng điều chỉnh

Thị trường bị bán tháo trong ngày 18/8 khiến VN-Index đóng cửa tại mốc 1.177,99 điểm, giảm 4,5% so với hôm qua. Chuyên gia chứng ...

Nhà đầu tư nên dừng bán tháo, thị trường có thể sớm xuất hiện nhịp phục hồi kỹ thuật

Sau 4 phiên giằng co, thị trường chứng khoán Việt Nam kết thúc tuần bằng phiên bán tháo trên diện rộng khiến VN-Index xuyên thủng ...

Evergrande phá sản, cổ phiếu BĐS có thực sự bị ảnh hưởng?

Thông tin tập đoàn BĐS Evergrande của Trung Quốc đệ đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ đã "tiếp sức" cho đà bán tháo ...

Quỳnh Nga

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán