TS. Cấn Văn Lực: Thanh khoản ngân hàng tương đối dồi dào, hút tiền về để điều hoà thị trường

(Banker.vn) Lãi suất điều hành về cơ bản đã và đang giảm 2% trong 4 tháng vừa qua, lãi suất liên ngân hàng đã và đang giảm tương đối thấp chứng tỏ thanh khoản ngân hàng tương đối dồi dào, hút tiền về để điều hoà thị trường.
ts-can-van-luc.jpg

Đó là nhận định của TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia tại "Diễn đàn Bất động sản Mùa Thu lần 1: Dự báo thời điểm phục hồi của thị trường và khuyến nghị đầu tư" do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) và Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) phối hợp tổ chức ngày 28/9.

Phân tích về điều hành lãi suất, TS. Cấn Văn lực nhận định, về cơ bản, việc điều hành lãi suất đi ngang, dự báo bắt đầu giảm từ quý III/2024 ở các nước khu vực châu Á, châu Âu. Lãi suất điều hành của Việt Nam đã và đang giảm 2% trong 4 tháng vừa qua, lãi suất liên ngân hàng đã và đang giảm tương đối thấp, chứng tỏ thanh khoản ngân hàng tương đối dồi dào, hút tiền về để điều hòa thị trường.

"Cung tiền bắt đầu tăng trở lại từ tháng 3/2023 đến nay, và so với cùng kỳ năm trước tăng trên 6%. Khi vòng quay tiền nhanh hơn sẽ thúc đẩy vốn cho doanh nghiệp và người dân tốt hơn", chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết.

Về câu chuyện tỷ giá, khẳng định so với đồng USD thì VND đang mất giá khoảng 3%, tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng vấn đề này không đáng lo. Vì khi FED dừng tăng lãi suất thì đồng USD khó tăng giá. Do vậy, dự báo đến hết năm 2023, tỷ giá vẫn chỉ khoảng 3 - 3,5%. Về chứng khoán, thời gian qua có bấp bênh nhưng cơ bản vẫn phục hồi và đang tăng so với đầu năm.

Về tỷ lệ lạm phát, TS Cấn Văn Lực cho biết lạm phát toàn cầu đã và đang giảm, bình quân 8,4% và dự báo đến cuối năm nay còn 5 - 5,5%, cuối năm 2024 còn 3 - 3,5%. Tại Việt Nam, tỷ lệ lạm phát đã và đang giảm dần, mặc dù tháng 10 có thể sẽ tăng nhẹ do một số yếu tố thời vụ như giá năng lượng, lương thực, thực phẩm nhưng xu hướng chính là đang giảm, tạo thuận lợi để ngân hàng có thể điều hành chính sách tiền tệ nới lỏng.

"Theo tôi, lạm phát năm nay không đáng lo. Lạm phát năm tới cũng vậy, chỉ dưới khoảng 4%", chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV nhấn mạnh.

Về cơ chế chính sách, TS. Cấn Văn Lực liệt kê một số chính sách chính tác động mạnh tới thị trường bất động sản như chính sách tiền tệ đang chuyển từ “chặt chẽ, chắc chắn” sang “linh hoạt, nới lỏng”. Ngân hàng Nhà nước cũng đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, mặt bằng lãi suất đang giảm dần. Ngoài ra, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân được thực hiện như cơ cấu nợ, đảo nợ…

"Đây là những chính sách chưa từng có đối với tài chính và thị trường bất động sản. Có thời điểm, chỉ trong vòng 1 tháng đã có 4 chính sách được thông qua như Nghị định 08, Nghị quyết 33, Nghị định 10 và đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội… Và cũng chưa bao giờ chúng ta có cơ hội sửa đổi nhiều luật cùng một lúc như hiện nay với Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đấu giá, Luật Đấu thầu", TS. Cấn Văn Lực khẳng định.

Cùng với đó, chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV cũng cho biết, chính sách tài khóa tiếp tục mở rộng để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, tiếp tục giãn hoãn thuế, giảm phí. Tổng tất cả các gói tài khóa có giá trị danh nghĩa ước tính khoảng 200 nghìn tỷ đồng, giá trị thực khoảng 70 - 80 nghìn tỷ đồng.

Về vốn cho thị trường bất động sản, theo TS. Cấn Văn Lực, dòng vốn vào bất động sản vẫn đang chảy đều. Tín dụng cho bất động sản vẫn tăng gần 5%, gần tương đương với mức tăng cho toàn hệ thống kinh tế, trong đó tín dụng kinh doanh bất động sản tăng 18%; tín dụng nhà ở tăng thấp, thậm chí giảm, chứng tỏ nhu cầu thực giảm do thu nhập giảm, lãi suất cao, người dân thận trọng hơn. Nguồn vốn FDI đăng ký mới tính đến 20/9 vào ngành bất động sản đạt gần 2 tỷ USD, chiếm khoảng gần 10% tỷ trọng FDI.

TS. Cấn Văn Lực cũng phân tích cụ thể về trái phiếu, cơ cấu phát hành cũng như vấn đề đáo hạn trái phiếu. Theo đó, về trái phiếu, doanh nghiệp bất động sản bắt đầu phát hành trái phiếu trở lại. Giá trị phát hành ít giảm hơn so với cùng kỳ năm ngoái, 8 tháng đầu năm nay toàn thị trường phát hành khoảng 132 nghìn tỷ đồng, mức giảm khoảng 44% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức giảm toàn năm ngoái (47%). Về cơ cấu phát hành, doanh nghiệp bất động sản chiếm tỷ trọng 35%, tổ chức tín dụng chiếm 41%, cho thấy doanh nghiệp bất động sản đã và đang phát hành trở lại. Quan trọng hơn, hiện nay bất động sản đã phát hành khoảng 47 nghìn tỷ đồng, gần bằng mức phát hành của cả năm ngoái, cho thấy thị trường đang dần phục hồi. Về vấn đề đáo hạn, cơ bản thời điểm cuối năm nay không đáng lo, vẫn trong tầm kiểm soát, hiện nay doanh nghiệp vẫn tích cực mua lại, giãn hoãn nợ trái phiếu và điểm rơi đáo hạn chính sẽ là vào tháng 3/2024.

Minh Đức

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ