Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Chuyển đổi số để xây dựng đại học thông minh

(Banker.vn) Đẩy nhanh chuyển đổi số để xây dựng đại học thông minh là một trong những mục tiêu và hướng đi của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Công bố điểm sàn cao nhất từ 23 điểm Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội công bố điểm chuẩn đại học chính quy 2024 2 nhà khoa học của HaUI nằm trong danh sách nhà nghiên cứu có ảnh hưởng nhất thế giới

Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số

Theo đó, năm học 2023-2024, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (HaUI) đã thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đã đề ra, trong đó phải kể đến công tác tuyển sinh đào tạo; Nghiên cứu khoa học; Công tác tổ chức cán bộ, thực hiện chế độ, chăm lo đời sống đối với viên chức, người lao động; thực hiện quy chế dân chủ; công tác tài chính – cơ sở vật chất; truyền thông, chuyển đổi số; công tác thi đua, khen thưởng và hoạt động Đảng, đoàn thể đều được triển khai thực hiện đúng với mục tiêu chiến lược, nhiều lĩnh vực có những bước đột phá, tạo nền móng vững chắc để phát triển nhà trường trên một tầm cao hơn.

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Chuyển đổi số để xây dựng đại học thông minh
Năm học 2023-2024 được đánh giá là thành công với HaUI trong công tác nghiên cứu khoa học và chuyển đổi số. Ảnh: Hải Linh

TS Kiều Xuân Thực - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội - cho biết: Năm học vừa qua, HaUI đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng trong đó phải kế đến công tác cán bộ, mô hình quản trị mới, thành lập các trường thuộc trường để chuẩn bị điều kiện chuyển đổi từ trường đại học thành đại học với 5 trường thuộc, trực thuộc.

Nhà trường thực hiện chiến lược chuyển đổi số toàn diện trên tất cả các lĩnh vực đào tạo, nhân sự, tài chính, cơ sở vật chất, quản lý và điều hành theo hướng tập trung nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ số vào toàn bộ quá trình nhằm đổi mới, nâng cao công tác quản trị, giảng dạy, nghiên cứu và học tập”- TS Kiều Xuân Thực cho hay.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây được xem là giải pháp đột phá trong quản trị của một cơ sở giáo dục đại học. Hiện nay, Đại học Công nghiệp Hà Nội đã thực hiện chuyển đổi số trong hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt trong giảng dạy, học tập và quản lý đào tạo mang lại nhiều giá trị tích cực cho nhà trường.

Từ năm 2011, Đại học Công nghiệp Hà Nội đã xây dựng và ứng dụng đại học điện tử trong quản trị toàn diện, áp dụng trên 34 lĩnh vực với trên 600 hoạt động quản lý. Hệ thống đại học điện tử của Trường đã vinh dự nhận 3 giải thưởng lớn (Nhân tài Đất Việt năm 2012, Sao Khuê năm 2016 và Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Vifotec) năm 2018); đáp ứng yêu cầu bộ chỉ số, tiêu chí đánh giá chuyển đổi số cơ sở giáo dục đại học theo Quyết định số 4740/QĐ-BGDĐT ngày 30/12/2022.

Quá trình chuyển đổi số tại Đại học Công nghiệp Hà Nội được xem là một hành trình chứ không phải là đích đến. Quá trình này luôn được nhà trường thống nhất về mặt chủ trương và cải tiến liên tục ở tất cả các quy trình trong quá trình xây dựng hệ thống đại học điện tử. Đây là nền tảng quan trọng để Đại học Công nghiệp Hà Nội nâng cao năng lực quản trị trên tiến trình phát triển mô hình đại học thông minh.

Tiếp tục đổi mới mô hình quản trị, chuyển đổi số toàn diện

Cũng theo TS Kiều Xuân Thực, năm học 2024-2025, nhà trường tiếp tục triển khai Đề án đổi mới mô hình quản trị, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để chuyển Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội thành Đại học Công nghiệp Hà Nội: Thành lập 2 trường thuộc nhà trường và rà soát, tái cấu trúc để giảm số lượng đơn vị thuộc nhà trường; Đẩy mạnh tự chủ, tăng cường phân cấp, phân quyền cho các đơn vị.

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Chuyển đổi số để xây dựng đại học thông minh
Năm học 2024-2025, HaUI sẽ tiếp tục đẩy nhanh chuyển đổi số hướng tới mô hình đại học thông minh. Ảnh: Hải Linh

Đồng thời, nghiên cứu tối ưu hóa các phương thức tuyển sinh, tổ hợp xét tuyển; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, truyền thông tuyển sinh; Tiếp tục nghiên cứu giải pháp triển khai tuyển sinh và đào tạo các chương trình Kỹ sư. Tiếp tục triển khai đề án “Dạy học chương trình đào tạo trình độ đại học bằng tiếng Anh”, đề án “Tổ chức, thực hiện đào tạo từ xa tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội”, đề án “Cập nhật chương trình đào tạo trình độ đại học phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018 và đáp ứng một số chuẩn kiểm định quốc tế”. Mở rộng các chương trình đào tạo sau đại học.

Cùng với đó, tiếp tục kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ nhà giáo; Phát triển đội ngũ giảng viên, chuyên gia trình độ cao. Rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý nội bộ và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và triển khai công tác kiểm toán nội bộ để nâng cao năng lực quản trị nhà trường. Thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ; chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho viên chức, người lao động.

Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị có trọng tâm, trọng điểm, phát huy tối đa hiệu quả sử dụng; nâng cấp hạ tầng kỹ thuật; tăng cường chuyển đổi số toàn diện, hoàn thiện hệ thống quản lý điện tử, phát triển đại học số, đại học thông minh. Ứng dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo và dữ liệu lớn trong quản lý, giảng dạy và nghiên cứu, tạo môi trường làm việc và học tập hiện đại, an toàn và tiện ích.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng sẽ đa dạng hóa, mở rộng mạng lưới đối tác trong và ngoài nước, tăng số doanh nghiệp có hợp tác chiến lược; đẩy mạnh triển khai hoạt động đào tạo tuyển dụng với doanh nghiệp, thu hút các nguồn lực đầu tư, nâng cao tỉ lệ, cơ hội và chất lượng việc làm cho sinh viên; phát huy thế mạnh mạng lưới cựu sinh viên. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, mở rộng trong hợp tác, trao đổi sinh viên, giảng viên, chuyên gia. Thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế về KHCN, trao đổi thông tin KHCN; đẩy mạnh công bố quốc tế, nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ; ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tiến hành tự đánh giá, kiểm định chương trình đào tạo theo kế hoạch, lộ trình; Đẩy mạnh hoạt động phân tích và cải tiến chất lượng. Tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong phân tích kết quả học tập của sinh viên để khuyến nghị tiến trình học tập, xác định nhu cầu học tập và lập kế hoạch đào tạo.

Chú trọng giáo dục lý tưởng cách mạng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, văn hóa cho sinh viên gắn với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”…

Thu Hường

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục