Triển vọng ngành càng biển dưới góc nhìn của các chuyên gia

(Banker.vn) Chiều 14/12, chuỗi hội thảo Connecting to Customers do Chứng khoán HSC tổ chức đã đề cấp đến tiềm năng ngành cảng biển năm 2024...

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, 10 tháng đầu năm 2023, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển đang có chiều hướng thay đổi tích cực. Cụ thể, tổng khối lượng hàng hoá thông qua cảng bằng tàu biển tháng 10 ước đạt gần 7 triệu tấn thông qua, tăng 27,62% so với cùng kỳ. Lũy kế 10 tháng đạt 624 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022. Lượng hàng xuất khẩu giảm nhẹ khoảng 1%, nhưng hàng nhập khẩu đã tăng trưởng mạnh hơn khoảng 5%.

Triển vọng ngành càng biển dưới góc nhìn của các chuyên gia
Ảnh minh họa

Đối với khối lượng hàng hóa container thông qua cảng biển, khối lượng hàng container thông qua cảng biển 10 tháng của năm nay giảm khoảng 3%, ước đạt 20,29 triệu Teus.

Nhìn chung, sau giai đoạn khó khăn, hồi phục chậm chạp sau những tác động của đại dịch COVID-19, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển có xu hướng hồi phục, tuy nhiên tốc độ vẫn còn chậm.

Nhìn lại sản lượng container các cảng chính của Việt Nam, dễ thấy sản lượng quý 1 giảm mạnh, đặc biệt trong tháng 1 giảm đến 25% so với cùng kỳ. Tình hình khả quan hơn trong quý 2 với mức giảm từ 8 - 11% và bắt đầu tăng trưởng dương trở lại từ tháng 8, tuy nhiên tốc độ vẫn còn chậm, khoảng 3 - 7%, sản lượng container giao động từ 1,6 - 1,7 triệu Teus/tháng và không có mùa cao điểm.

Xét theo thị trường, Mỹ là thị trường xuất nhập khẩu trọng điểm của Việt Nam. Theo bà Chế Thị Mai Trang – Trưởng phòng phân tích cao cấp ngành hàng công nghiệp HSC, ngoài yếu tố khó khăn kinh tế toàn cầu, lạm phát hay chính sách thắt chặt tiền tệ, thì yếu tố hàng tồn kho cũng rất cần lưu tâm.

Năm 2020, chỉ số hàng tồn kho biến động giảm mạnh do tác động của đại dịch COVID-19. Đến giai đoạn năm 2021 - 2022, lượng đặt hàng nhiều hơn kéo theo sản lượng cảng biển tại Việt Nam tăng tốt. Tuy nhiên mức nền cao này cùng với tình hình kinh tế đi xuống, đã dẫn đến lượng đặt hàng của Mỹ với Việt Nam giảm mạnh từ nửa cuối năm 2022 đầu năm 2023 và chỉ bắt đầu hồi phục lại thời gian gần đây.

Doanh số bán lẻ của Mỹ đi ngang, tăng nhẹ trong giai đoạn gần đây cũng phản ánh sản lượng cảng biển Việt nam tăng trở lại, nhưng vẫn ở mức rất nhẹ.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình – Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc GMD, năm 2023 còn khó khăn hơn thời kỳ COVID-19, khi tăng trưởng GDP Việt Nam không đạt kế hoạch đề ra, tổng giá trị xuất nhập khẩu giảm. Cụ thể, 11 tháng đầu năm 2023 đạt 619,17 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó nhập khẩu đạt 296,67 tỷ USD, giảm 10,7% và xuất khẩu đạt 322,5 tỷ USD, giảm 5,9%.

Đánh giá về triển vọng năm 2024, theo bà Trang, dựa trên tình hình sản lượng 2023 thấp, chỉ số hàng tồn ổn định và không còn tình trạng cắt giảm đơn hàng, do đó, năm 2024 sẽ có tăng trưởng về sản lượng so với cùng kỳ.

Bà Trang dự báo giá cước được điều chỉnh tăng khoảng 10% sẽ hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành. Ở thời điểm hiện tại, giá cước tại Việt Nam ở mức thấp so với khu vực, chỉ bằng khoảng 30 - 50% so với Singapore, thấp hơn nhiều so với Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc, Campuchia, Indonesia.

Tùy khu vực sẽ có mức tăng trưởng khác nhau. Đối với Cái Mép – Thị Vải, đã chịu ảnh hưởng nặng nề thời gian qua và chỉ mới hồi gần đây, sẽ có sự bứt phá tốt khi nhu cầu trở lại trong năm 2024. Còn khu vực TPHCM và Hải Phòng có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ thấp và tốt hơn ở khu vực Nội Á, do đó không bị ảnh hưởng nhiều thời gian qua, sẽ có độ bật tăng không cao.

Ông Bình nhận định 2024 tăng trưởng chưa hồi phục hoàn toàn và còn nhiều thách thức, như áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất và xung đột địa chính trị. Tuy nhiên vẫn còn đó những yếu tố tích cực như xu hướng upsize tàu (nâng kích cỡ tàu), chuyển đổi số - chuyển đổi xanh, do đó, các cảng đáp ứng tiêu chuẩn về công nghệ và môi trường sẽ có ưu thế.

Lãnh đạo GMD kỳ vọng thị trường châu Âu không quá tệ, thị trường Trung Quốc tốt hơn khi một số mặt hàng sẽ đi chính ngạch thời gian tới, giúp triển vọng ngành cảng 2024 sẽ tốt hơn 2023 một chút. Bên cạnh đó, các chính sách của Chính phủ liên quan đến tăng trưởng đầu tư công, đầu tư hệ thống giao thông kết nối cũng như các hỗ trợ chung cho ngành logistics và hoạt động cảng biển sẽ giúp Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia tăng trưởng tốt ở khu vực.

Đoàn công tác tỉnh Thanh Hóa tìm kiếm cơ hội hợp tác và xúc tiến đầu tư tại Thái Lan

Ngày 31/10, đoàn công tác tỉnh Thanh Hóa đã có chuyến thăm và làm việc với Ban quản lý Cảng quốc tế Laem Chabang và ...

Điều chỉnh Quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050

Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương liên quan để hoàn thiện dự thảo Điều chỉnh Quy hoạch ...

Hải Phòng hướng tới là thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới vào năm 2050

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1516/QĐ-TTg ngày 2/12/2023 phê duyệt Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 - ...

Nguyên Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán