Triển vọng cổ phiếu các doanh nghiệp tham gia gói thầu sân bay Long Thành

(Banker.vn) Theo Công ty Chứng khoán Vietcap, việc được trao gói thầu 5.10 sẽ là yếu tố hỗ trợ đáng kể cho các nhà thầu trong nước trong bối cảnh thị trường bất động sản tư nhân trầm lắng.

Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (HOSE: ACV) dự kiến khởi công gói thầu lớn nhất của Sân bay Quốc tế Long Thành (LTA) vào tháng 8/2023.

Gói thầu LTA 5.10 gồm xây lắp và lắp đặt thiết bị phần thân nhà ga hành khách với tổng giá trị hơn 35 nghìn tỷ đồng, là gói thầu lớn nhất của LTA giai đoạn 1. Tháng 9/2022, gói thầu này được mời thầu lần đầu. Tuy nhiên, không có nhà thầu nào đáp ứng yêu cầu nên ACV phải tổ chức đấu thầu lần hai.

Ngày 12/6/2023, ACV chính thức đóng thầu đợt 2 cho gói thầu 5.10. Ba liên danh nhà thầu đã nộp hồ sơ dự thầu cho gói thầu này là: Nhà thầu CHEC-BCEG-Việt Nam, Hoa Lư và VIETUR. Theo ACV, quá trình chấm thầu có thể mất từ 1,5-2 tháng.

Triển vọng cổ phiếu các doanh nghiệp tham gia gói thầu sân bay Long Thành

Phối cảnh sân bay Long Thành

Cả ba liên danh đều có kinh nghiệm về cơ sở hạ tầng và các sân bay quốc tế lớn. Trong đó, Liên danh Hoa Lư gồm một số công ty xây dựng hàng đầu trong nước như Công ty CP Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD), Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC), Delta và Unicons với Powerline Engineering PCL từ Thái Lan, đơn vị có kinh nghiệm trong Sân bay Suvarnabhumi.

Liên danh Nhà thầu CHEC-BCEG-Việt Nam do hai nhà thầu xây dựng hàng đầu Trung Quốc là Công ty Kỹ thuật Cảng Trung Quốc (CHEC) và Tập đoàn Kỹ thuật Xây dựng Bắc Kinh (BCEG) đứng đầu, đã xây dựng nhiều sân bay ở Trung Quốc và nước ngoài.

VIETUR được dẫn dắt bởi IC Istas - nhà thầu top 3 của Thổ Nhĩ Kỳ với kinh nghiệm tại các sân bay quốc tế lớn. VIETUR cũng bao gồm các nhà thầu xây dựng có liên quan đến ông cựu Chủ tịch Coteccons và Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HOSE: VCG) - nhà thầu xây dựng cơ sở hạ tầng hàng đầu với bề dày kinh nghiệm xây dựng các sân bay trong nước.

Thông tin cơ bản các liên danh xây lắp tham gia đấu thầu gói LTA 5.10

Triển vọng cổ phiếu các doanh nghiệp tham gia gói thầu sân bay Long Thành
Nguồn: ACV, truyền thông trong nước, Vietcap tổng hợp

Tác động của sân bay Long Thành đối với các công ty niêm yết

Theo Công ty Chứng khoán Vietcap việc được trao gói thầu 5.10 sẽ là yếu tố hỗ trợ đáng kể cho các nhà thầu trong nước trong bối cảnh thị trường bất động sản tư nhân trầm lắng.

Ba nhà thầu niêm yết đáng chú ý tham gia đấu thầu gói thầu 5.10 của LTA là Coteccons; Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và Vinaconex. Cả Coteccons và Hòa Bình đều là những nhà thầu xây dựng hàng đầu trong nước.

Trong giai đoạn 2019-2022, giá trị hợp đồng ký mới bình quân hàng năm của Coteccons và Hòa Bình giảm lần lượt 50% và 21% so với giai đoạn 2014-2018 xuống còn 13,4 nghìn tỷ đồng và 14,3 nghìn tỷ đồng. Điều này làm cho gói thầu LTA 5.10 trở thành giá trị backlog hấp dẫn.

Giả sử biên lợi nhuận ròng thu được trên tổng giá trị gói thầu là 3%, Vietcap ước tính tổng lợi nhuận ròng mà liên danh trúng thầu thu được sẽ vào khoảng 1 nghìn tỷ đồng. Vietcap ước tính tổng lợi nhuận ròng tối đa là 525 tỷ đồng cho một nhà thầu tham gia gói thầu 5.10 (nếu nhà thầu hoàn thành 50% tổng backlog của gói).

Mức lợi nhuận này là đáng kể so với lợi nhuận sau thuế sau lợi ích CĐTS trung bình hàng năm giai đoạn 2019-2022 của Coteccons (264,0 tỷ đồng), Hòa Bình (lỗ ròng 133,0 tỷ đồng) và Vinaconex (866,3 tỷ đồng).

Triển vọng cổ phiếu các doanh nghiệp tham gia gói thầu sân bay Long Thành

Ngoài ra, dự án sân bay Long Thành cũng mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp vận hành mỏ đá xây dựng ở tỉnh Đồng Nai. Chi phí vận chuyển là một thành phần lớn đối với chi phí đá xây dựng và LTA nằm tại tỉnh Đồng Nai, mang lại lợi ích cho các mỏ đá lân cận.

Vietcap ước tính LTA giai đoạn 1 sẽ tiêu thụ 18 triệu m3 đá xây dựng - tương đương với sản lượng hàng năm của Đồng Nai trong giai đoạn 2020-2022. Các công ty hưởng lợi tiềm năng bao gồm Công ty CP Hóa An (HOSE: DHA) và Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa (UPCOM: VLB).

Vietcap nhận thấy những lợi ích nhỏ hơn đối với các công ty vật liệu xây dựng khác trong danh mục theo dõi. Vietcap ước tính LTA giai đoạn 1 sẽ tiêu thụ khoảng 100.000 tấn thép, 1 triệu tấn xi măng, 50.000 m2 tấm gỗ, 500.000 m2 đá ốp lát. Những con số này tuy đáng kể nhưng không quá lớn so với doanh số bán hàng của Công ty CPTập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG), Công ty CP Xi Măng Vicem Hà Tiên (HOSE: HT1), Công ty CP Gỗ An Cường (HOSE: ACG) và Công ty CP Phú Tài (HOSE: PTB).

Cổ phiếu hàng không sẽ được hưởng lợi từ năm 2027 trở đi. Công suất mới của LTA và việc giảm ùn tắc tại Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất (SGN) sẽ mang lại lợi ích cho các hãng hàng không và ACV trong dài hạn. Tuy nhiên, trong trung hạn, ACV phải đối mặt với dòng tiền đầu tư lớn và tỷ lệ đòn bẩy cao hơn ảnh hưởng đến thu nhập tài chính thuần trong giai đoạn 2024-2026. Theo ACV, Vietcombank (HOSE: VCB) sẽ là ngân hàng dẫn đầu khoản vay hợp vốn trị giá 2,7 tỷ USD cho ACV với thời gian giải ngân bắt đầu từ năm 2024.

Gói thầu ga hàng hóa vẫn chưa được đấu thầu. Dự án LTA giai đoạn 1 bao gồm 2 nhà ga với công suất hàng năm là 1,2 triệu tấn hàng hóa. Năm 2022 có 1,4 triệu tấn hàng hóa thông quan tại Việt Nam. Các công ty hưởng lợi tiềm năng bao gồm Công ty CP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (HOSE: SCS), Công ty CP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (HOSE: NCT) và ba nhà vận hành nhà ga hàng hóa hiện hữu khác.

Liên danh Coninco (CNN) trúng gói thầu tư vấn 600 tỷ thuộc dự án sân bay Long Thành

Liên danh gồm Công ty CP Tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng - Coninco (UPCoM: CNN) đã được xướng tên ...

Liên danh Đèo Cả trúng gói thầu hơn 2.600 tỷ tại dự án Sân bay Long Thành

Tập đoàn Đèo Cả cùng liên danh vừa được công bố trúng gói thầu 6.12 có giá trị hơn 2.630 tỷ đồng, thuộc dự án ...

Hé lộ liên danh trúng thầu Sân bay Long Thành, CTD và VCG diễn biến trái chiều

Cổ phiếu VCG và CTD bất ngờ diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch sáng 24/7. Diễn biến trái chiều của 2 cổ phiếu ...

Quỳnh Nga

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán