Trái phiếu doanh nghiệp: Nhà đầu tư cần cẩn trọng tránh rủi ro thiệt hại

(Banker.vn) (thitruongtaichinhtiente.vn) - Những vụ khởi tố, bắt giam một số cá nhân vi phạm liên quan trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong thời gian gần đây đang cho thấy việc đầu tư TPDN cần có sự cẩn trọng, tránh rủi ro, thiệt hại.

 

Thị trường TPDN là kênh huy động vốn quan trọng đối với doanh nghiệp và là kênh đầu tư tiềm năng đối với nhà đầu tư. Tuy nhiên, đầu tư trái phiếu cũng có nhiều rủi ro, đòi hỏi nhà đầu tư cần tìm hiểu, cân nhắc, thận trọng tránh thiệt hại.

Trong 2 năm qua, Bộ Tài chính nhiều lần cảnh báo nhà đầu tư về trái phiếu doanh nghiệp. Theo Bộ Tài chính, doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ. Nhưng doanh nghiệp phát hành khối lượng lớn trái phiếu, lãi suất cao, mà sử dụng vốn không hiệu quả hoặc tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, hoặc lĩnh vực mà doanh nghiệp hoạt động gặp khó khăn thì có thể dẫn đến việc doanh nghiệp không hoàn trả được gốc và lãi trái phiếu cho nhà đầu tư. Việc này sẽ gây bất ổn cho thị trường trái phiếu nói riêng và thị trường tài chính nói chung.

Đối với nhà đầu tư, pháp luật quy định nhà đầu tư tự đánh giá rủi ro và tự chịu trách nhiệm về việc mua TPDN riêng lẻ. Pháp luật cũng quy định chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được tham gia giao dịch TPDN riêng lẻ để bảo vệ các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, không có kinh nghiệm, khả năng phân tích, đánh giá các rủi ro. Do đó, mọi hành vi “lách” các quy định của pháp luật để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với mục đích để mua TPDN riêng lẻ sẽ trực tiếp gây ra rủi ro cho nhà đầu tư và nhà đầu tư có thể không thu hồi được số tiền mua trái phiếu. Chưa kể nhà đầu tư có thể vi phạm quy định của pháp luật nếu cơ quan quản lý nhà nước phát hiện được các hành vi “lách” quy định để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Do đó, Bộ Tài chính khuyến cáo nhà đầu tư cần hết sức lưu ý nguyên tắc đầu tư cơ bản là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao; do đó phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu; không nên mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của DN phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.

Trước tình trạng TPDN tăng trưởng nóng, có thể gây rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia, Bộ Tài chính đã liên tục chỉ đạo các cơ quan liên quan trọng việc tăng cường

Nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát việc phát hành TPDN, Bộ Tài chính có văn bản giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng, Thanh tra Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát việc phát hành TPDN để đảm bảo thị trường TPDN trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả cho DN và hạn chế tối đa rủi ro cho nhà đầu tư.

Theo đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, khẩn trương xử lý nghiêm và báo cáo Bộ Tài chính kết quả kiểm tra để xử lý. Tiến hành xử phạt nghiêm, công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng về các hành vi vi phạm của các cá nhân, doanh nghiệp. Trường hợp xác định có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư, khẩn trương chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật...

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị liên quan đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra tại 9 công ty chứng khoán và 2 doanh nghiệp là 2 tổ chức phát hành trái phiếu riêng lẻ. Qua các đoàn kiểm tra, cơ quan quản lý đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính nặng và yêu cầu các biện pháp khắc phục hậu quả tại hai doanh nghiệp là VsetGroup và Apec Group; đồng thời xử phạt Công ty Chứng khoán VIS. Vào thời điểm đó, bên cạnh việc xử phạt, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã phối hợp, cung cấp tài liệu cho cơ quan chức năng để tiếp tục xem xét các trường hợp vi phạm.

Ngày 4/4/2022, căn cứ hồ sơ, tài liệu và đề nghị của cơ quan có thẩm quyền về việc hủy bỏ các đợt phát hành trái phiếu của Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Cung điện Mùa đông, Công ty Soleil thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh do có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ; căn cứ quy định tại Luật Chứng khoán năm 2019, Nghị định số 153/2020/NĐ-CP; ngày 3/4/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Quyết định số 181/QĐ-UBCK hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng của 3 công ty trên thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Mới đây nhất, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký ban hành công điện số 304 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và đấu giá quyền sử dụng đất. Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng Bộ Công an khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra, xác minh để xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm theo đúng quy định. Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, các hoạt động phát hành, đầu tư, phân phối, giao dịch và sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật hiện hành.

Tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư, phân phối, giao dịch và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu. Đặc biệt là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, có kết quả kinh doanh thua lỗ, phát hành không có tài sản bảo đảm.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường cũng được chỉ đạo rà soát, tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, gây bất ổn thị trường, kịp thời xác minh, làm rõ các sai phạm, xử lý nghiêm.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tổ chức tín dụng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tham gia vào các hoạt động cung cấp dịch vụ bảo lãnh phát hành, đầu tư, phân phối… trái phiếu doanh nghiệp.

Theo: