TP. Hồ Chí Minh và vùng Duyên hải Nam Trung Bộ liên kết phát triển du lịch

(Banker.vn) TP. Hồ Chí Minh và vùng Duyên hải Nam Trung Bộ thực hiện kết nối sản phẩm, các dịch vụ, quảng bá xúc tiến để phát triển du lịch.
Khai mạc lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2023: “Kết nối di sản phát triển du lịch” Vùng Đồng bằng sông Hồng: Liên kết tạo sức bật cho du lịch phát triển

Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ với vị trí nằm trên tuyến du lịch xuyên Việt, thuận lợi về du lịch. Nét đặc trưng của hệ sinh thái với các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển gắn với biển đảo và các tài nguyên du lịch sinh thái vô cùng hấp dẫn đối với khách du lịch.

Bên cạnh đó, sự đa dạng của các giá trị văn hóa với điển hình văn hóa Chăm Pa, Sa Huỳnh, văn hóa của cư dân vùng biển Duyên hải miền Trung và đặc biệt các di tích văn hóa, lịch sử cách mạng được coi là tiềm năng quan trọng để phát triển các loại hình du lịch trong khu vực.

TP. Hồ Chí Minh và vùng Duyên hải Nam Trung Bộ liên kết phát triển du lịch

TP. Hồ Chí Minh và vùng Duyên hải Nam trung bộ liên kết phát triển du lịch (Du lịch biển Khánh Hòa)

Liên kết để thúc đẩy phát triển du lịch

Đến nay, qua các năm triển khai các chương trình hợp tác liên kết phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh và vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đã đảm bảo đúng mục đích, đã đạt được một số kết quả thiết thực trong công tác quản lý nhà nước về du lịch, phát triển và kết nối sản phẩm du lịch, liên kết các dịch vụ du lịch hình thành những sản phẩm chung, nâng cao chất lượng dịch vụ. Các địa phương đã hỗ trợ cung cấp thông tin, trao đổi kinh nghiệm, thông tin kế hoạch tổ chức các hoạt động sự kiện, lễ hội tiêu biểu hàng năm đến các địa phương... Các doanh nghiệp lữ hành của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và TP. Hồ Chí Minh đã chủ động quảng bá các chương trình tham quan du lịch; đồng thời, phối hợp đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ khách sạn, nhà hàng cho đội ngũ cán bộ trẻ, sinh viên... của các tỉnh thành.

Đánh giá của UBND tỉnh Quãng Ngãi cho thấy thời gian qua tỉnh đã tích cực tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch tại TP. Hồ Chí Minh như Hội chợ Du lịch quốc tế TP. Hồ Chí Minh ITE, Ngày hội du lịch TP. Hồ Chí Minh. Qua đó, giới thiệu, quảng bá về các điểm đến du lịch, các sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ngãi đến với đông đảo người dân thành phố, khách du lịch và các doanh nghiệp đến từ các địa phương trên cả nước. Đồng thời, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tỉnh Quảng Ngãi trao đổi, kết nối, mở rộng thị trường kinh doanh với nhiều doanh nghiệp tham gia tại các sự kiện trên.

Theo ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa, trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Khánh Hòa tập trung xây dựng chiến lược phát triển du lịch với mục tiêu đa dạng thị trường khách du lịch, chú trọng thu hút khách nội địa và dần phục hồi các thị trường khách quốc tế có lượng khách lớn đến Khánh Hòa như Nga, các nước khu vực Đông Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan... Đồng thời, mở rộng thu hút khách từ một số thị trường tiềm năng như: Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan...

Thực hiện liên kết và phát triển du lịch với TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Khánh Hòa tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch tại thành phố. Thông qua hoạt động này điểm đến du lịch Khánh Hòa cũng như văn hóa, lịch sử, ẩm thực độc đáo, sản phẩm du lịch đặc trưng… đã được giới thiệu đến người dân và khách du lịch nước ngoài đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh. Các doanh nhiệp lữ hành tỉnh Khánh Hòa hợp tác với TP. Hồ Chí Minh để kết nối tour từ tỉnh Khánh Hòa đến TP. Hồ Chí Minh, với các điểm đến như: Đền Bến Dược, địa đạo Củ Chi, khu du lịch Đầm Sen, Suối Tiên và trung chuyển từ TP. Hồ Chí Minh đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ…

Ngược lại TP. Hồ Chí Minh cũng tham gia các hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch tại tỉnh Khánh Hòa. hợp tác phát triển sản phẩm du lịch như cung cấp thông tin về các điểm du lịch, các tour du lịch, các sản phẩm du lịch mới để giới thiệu đến các doanh nghiệp phối hợp xây dựng các tour du lịch kết nối với các tuyến, điểm du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Khánh Hòa.

Các công ty du lịch của TP. Hồ Chí Minh như Saigontourist, Viettravel, Fiditour, Văn Hóa Việt, Lửa Việt, Bến Thành tourist... đã phối hợp với ngành du lịch Khánh Hòa tiến hành triển khai chương trình khảo sát, đưa du khách đến tham quan các du lịch sinh thái biển, các điểm di tích lịch sử, các chương trình du lịch biển đảo, các điểm đến du lịch thu hút khách.

Đáng chú ý, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh đã hỗ trợ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Yên tổ chức Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch tại, thu hút nhiều doanh nghiệp du lịch của hai địa phương tham dự, tạo được sự phối hợp liên kết giữa các doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch nhằm khai thác các nguồn lực để du lịch hai địa phương phát triển bền vững.

Ngược lại, các tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận hàng năm cũng tổ chức các chương trình du lịch đưa du khách từ TP. Hồ Chí Minh, khu vực Đông Nam Bộ tham quan, nghiên cứu trải nghiệm Lễ hội Katê, Ngày hội văn hóa Chăm, văn hóa Raglai. Tổ chức Chương trình khảo sát các tuyến, điểm du lịch, phối hợp, liên kết giới thiệu và tuyên truyền về du lịch của hai địa phương trên phương tiện truyền thông và báo, đài. Liên kết xây dựng các tour kết nối tuyến TP. Hồ Chí Minh - Ninh Thuận - Miền Đông Nam Bộ - Các tỉnh miền trung Tây Nguyên.

Tiếp tục nâng tầm hợp tác trong giai đoạn mới

Mới đây, TP. Hồ Chí Minh và 6 tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2023 - 2025 trong đó du lịch là một trong 9 lĩnh vực trọng tâm để phát triển trong thời gian tới.

Theo ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai về sản phẩm du lịch đặc trưng nhằm tập trung khai thác và phát huy thế mạnh của du lịch, gắn liền với các loại hình du lịch là tiềm năng thế mạnh của địa phương. Việc TP. Hồ Chí Minh và 6 tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ ký kết hợp tác chung của cả vùng chứ không phải hợp tác riêng của từng địa phương vì thế xác định liên kết phát triển tạo lập không gian kinh tế chung để cùng nhau khai thác những lợi thế cạnh tranh của các địa phương; đa dạng hóa sản phẩm du lịch mang tính đặc thù và độc đáo nhằm thu hút sự quan tâm, đáp ứng như cầu đa dạng của du khách trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh sẽ cùng các tỉnh tăng cường quảng bá du lịch thành phố và các tỉnh Duyên hải Nam trung bộ, đổi mới về hình thức, nâng cao hiệu quả thông qua tổ chức sự kiện chung gắn kết, lồng ghép với các chuỗi sự kiện của các địa phương. Kích cầu du lịch nội địa góp phần đưa hoạt động du lịch phát triển ổn định và tăng tốc trong thời gian tới.

Thanh Thanh

Theo: Báo Công Thương