TP. Hồ Chí Minh hướng đến mục tiêu dẫn đầu cả nước về thanh toán không tiền mặt

(Banker.vn) TP. Hồ Chí Minh đang hướng đến mục tiêu trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và các dịch vụ công.
Người tiêu dùng Việt tích cực ứng dụng thanh toán không tiền mặt Lễ hội Sóng Festival: Bứt phá giới hạn, thúc đẩy thanh toán không tiền mặt trong giới trẻ

Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Tuần lễ chuyển đổi số TP. Hồ Chí Minh năm 2023 với chủ đề “Khai phá dữ liệu số, thành công chuyển đổi số” do UBND TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông và các đơn vị tổ chức, sáng 17/10 đã diễn ra Hội thảo chuyên đề "Thúc đẩy dịch vụ công và thanh toán không dùng tiền mặt tại TP. Hồ Chí Minh".

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, bám sát các chủ trương về thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND TP. Hồ Chí Minh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố đã triển khai đầy đủ, kịp thời đến các tổ chức tín dụng trên địa bàn.

TP. Hồ Chí Minh hướng đến mục tiêu dẫn đầu cả nước về thanh toán không tiền mặt
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng đánh giá cao việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: TTBC

Đánh giá về việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại TP. Hồ Chí Minh trong thời gian qua, ông Phạm Anh Tuấn cho biết, TP. Hồ Chí Minh - một trong số những địa phương tích cực và đi đầu trong công tác thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt các dịch vụ công đã ghi nhận nhiều kết quả nổi bật. Các cơ quan nhà nước như y tế, giáo dục, bảo hiểm, hải quan đã tiến hành thanh toán không dùng tiền mặt. Đơn cử như đối với việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực y tế, 100% các bệnh viện công của thành phố đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt... Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tại thành phố đã đạt trên 30%. TP. Hồ Chí Minh đang hướng đến mục tiêu dẫn đầu cả nước về thanh toán không dùng tiền mặt.

Dẫu vậy, hành trình thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong các dịch vụ công cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Từ góc độ thị trường, các nhà cung cấp giải pháp công nghệ có nhiều, quy mô lớn nhỏ khác nhau, chi phí chênh lệch, làm cho các đơn vị thực hiện thủ tục hành chính công còn khó khăn trong lựa chọn giải pháp công nghệ áp dụng vào đơn vị của mình.

Từ góc độ ứng dụng, người thực thi nhiệm vụ hành chính công vẫn còn thói quen làm việc bàn giấy và sử dụng tiền mặt, đâu đó lãnh đạo các đơn vị còn chưa quyết tâm thay đổi, thậm chí lo ngại thay đổi, do thiếu thông tin tin cậy từ độ ngũ chuyên viên tư vấn và triển khai áp dụng công nghệ… Từ góc độ truyền thông, thông tin còn chưa cập nhật kịp thời, đầy đủ, rõ ràng, dễ hiểu... nên người tiêu dùng vẫn còn băn khoăn e ngại vấn đề bảo mật dữ liệu, an toàn trong giao dịch.

TP. Hồ Chí Minh hướng đến mục tiêu dẫn đầu cả nước về thanh toán không tiền mặt
Các đại biểu thự chiện nghi thức khai mạc chuỗi sự kiện Tuần lễ Chuyển đổi số TP. Hồ Chí Minh năm 2023. Ảnh: TTBC

Đưa ra một số định hướng, giải pháp, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong thời gian tới tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử; chỉ đạo nâng cấp, phát triển Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, hệ thống thanh toán của các ngân hàng; tiếp tục ứng dụng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động; tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” nhằm từng bước làm sạch cơ sở dữ liệu khách hàng… để phát triển các ứng dụng nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực chính phủ, dịch vụ hành chính công, nhất là trong công tác phối hợp thu ngân sách nhà nước, trong lĩnh vực y tế, giáo dục; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn nâng cao nhận thức về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó có bảo vệ, quyền lợi ích hợp pháp của người sử dụng phương tiện, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Hà Linh

Theo: Báo Công Thương