TP. Hồ Chí Minh: Buôn bán hàng nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp

(Banker.vn) Trong tháng 10/2023, tình trạng buôn bán hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh vẫn còn diễn biến phức tạp.
Xử phạt cơ sở kinh doanh quả lê giả mạo xuất xứ; phát hiện container chứa hàng nhập lậu 9 tháng đầu năm: TP. Hồ Chí Minh phát hiện, xử lý hơn 503 nghìn sản phẩm nhập lậu Bà Rịa - Vũng Tàu: Một doanh nghiệp bị phạt 100 triệu đồng vì kinh doanh hàng nhập lậu

Thông tin từ Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh cho biết, thực hiện kịp thời chỉ đạo đột xuất của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 thành phố và tin báo qua đường dây nóng; báo cáo công tác đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả định kỳ, trong tháng 10, các Đội Quản lý thị trường đã kiểm tra 972 vụ chuyên ngành và liên ngành. Trong đó, tổng số vụ kiểm tra chuyên ngành là 578 vụ (tăng 76 vụ so với tháng trước), phát hiện 532 vụ vi phạm. Thu nộp ngân sách với số tiền là hơn 9,6 tỉ đồng. Trị giá hàng hóa đã tiêu hủy là 5.397.914.000 đồng.

Đáng chú ý, trong tháng 10, Cục Quản lý thị trường thành phố đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 1 vụ sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa.

Cũng trong tháng 10/2023, các Đội Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 106 trường hợp vi phạm kinh doanh hàng hóa nhập lậu; tạm giữ 65.641 đơn vị sản phẩm, trong đó có một số mặt hàng trọng điểm kiểm tra như quần áo, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thực phẩm chức năng, dụng cụ cầm tay, dụng cụ làm đẹp, đồ chơi trẻ em, phụ tùng xe máy, mỹ phẩm, quần áo, phụ kiện điện thoại di động, hàng điện gia dụng, hàng gia dụng, văn phòng phẩm, vải, giày dép…

TP. Hồ Chí Minh: Buôn bán hàng nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp
Hàng loạt hàng hóa vi phạm được lực lượng Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh phát hiện và xử lý

Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đánh giá, tình hình kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử… rất phức tạp. Hàng hóa vi phạm cũng đa dạng chủng loại. Việc tạo lập tài khoản sử dụng thông tin giả để bán hàng rất khó để xác định được đối tượng vi phạm và nơi chứa trữ hàng hóa vi phạm để kiểm tra, xử lý; giao nhận hàng hóa qua dịch vụ giao nhận hàng hóa, phương tiện sử dụng bằng xe gắn máy, với số lượng ít nên rất cơ động và khó phát hiện.

Những tháng cuối năm, tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, gian lận thương mại vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Đặc biệt, nguồn hàng hóa di chuyển vào thị trường từ hướng biên giới Tây Nam được tập kết tại các kho hàng, điểm trung chuyển, chứa trữ và được bày bán, kinh doanh tại các tuyến phố du lịch, địa bàn nổi cộm, trọng điểm, trung tâm thương mại trong các tháng cuối năm sẽ hoạt động sôi nổi.

Trong bối cảnh đó, Cục Quản lý thị trường thành phố tiếp tục chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường phải tập trung đẩy mạnh hơn nữa thực hiện các biện pháp nghiêp vụ giám sát, thẩm tra, xác minh để kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các đối tượng vi phạm tại các địa bàn trọng điểm, nổi cộm, các tuyến đường liên tỉnh, quốc lộ và tại các kho bãi, điểm chứa trữ hàng hóa.

Đồng thời, xây dựng và triển khai Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Tăng cường phối hợp thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt tại các địa bàn nổi cộm, trọng điểm và chú ý đến nhóm mặt hàng xăng dầu, thực phẩm, mỹ phẩm, hóa chất, thức ăn chăn nuôi,…

Ngoài ra, đơn vị sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi ngưng bán hàng không có lý do chính đáng, hành vi găm hàng, kinh doanh xăng dầu không đạt chất lượng.

Hà Linh

Theo: Báo Công Thương