TOP 10 ngân hàng có ROE lớn nhất quý I/2021

(Banker.vn) Bảng xếp hạng các ngân hàng theo chỉ số ROE có nhiều biến động trong quý đầu năm 2021. Với lợi nhuận tăng đột biến gấp 12 lần cùng kỳ năm trước, Kienlongbank vươn lên vị trí dẫn đầu về ROE trong nhóm các ngân hàng khảo sát.

Theo thống kê từ báo cáo tài chính hợp nhất của 27 ngân hàng đã công bố quý I/2021, cùng với sự tăng trưởng mạnh về lợi nhuận, chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của phần lớn ngân hàng đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Chỉ có 5/27 ngân hàng ghi nhận ROE giảm.

Tuy nhiên, sự thay đổi của ROE quý I năm nay đã tạo thay đổi lớn trong bảng xếp hạng về chỉ số này của các ngân hàng với những gương mặt mới.

TOP 10 ngân hàng có ROE cao nhất gồm những ngân hàng: Kienlongbank, VIB, VietinBank, Vietcombank, MB, ACB, HDBank, TPBank, LienVietPostBank và VPBank.

Kienlongbank, một ngân hàng nhỏ và nhiều năm lợi nhuận ở mức thấp do gánh nặng nợ xấu tạo bất ngờ trong 3 tháng đầu năm khi ghi nhận lợi nhuận tăng vọt, kéo theo ROE từ 1,19% lên 12,55% và trở thành ngân hàng có ROE cao nhất trong nhóm khảo sát.

VIB xếp ở vị trí thứ hai với ROE đạt 7,75%. Nhờ tăng trưởng mạnh về lợi nhuận trong quý đầu năm mà VietinBank thành công lọt Top 10 ngân hàng có ROE cao nhất với 7,3% (cùng kỳ năm trước là 3,08%), cao hơn cả ROE của Vietcombank 7,06%.

Đáng chú ý, "ông lớn" còn lại là BIDV mặc dù có lợi nhuận ở mức cao luôn nằm trong Top 10 ngân hàng dẫn đầu về lợi nhuận, ROE cũng cải thiện rõ rệt từ 1,84% lên 3,35% nhưng vẫn xếp sau nhiều nhiều ngân hàng khác như Techcombank, OCB, SHB, ABBank.

Nhóm có ROE thấp nhất gồm Saigonbank (1,37%), Eximbank (1,02%) và NCB (0,51%).

Nguồn: Diệp Bình tổng hợp.

Chỉ số ROE (Return on equity) hay Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu thước đo đánh giá một đồng vốn của cổ đông bỏ ra và tích lũy được tạo ra bao nhiêu đồng lãi. Từ đó nhà đầu tư có cơ sở tham khảo khi quyết định mua công ty X hay công ty Y có cùng ngành nghề với nhau.

Tỉ lệ ROE càng cao chứng tỏ công ty sử dụng hiệu quả đồng vốn của cổ đông, điều này có nghĩa công ty cân đối một cách hài hòa giữa đồng vốn cổ đông với đồng vốn vay (vì nếu vay nhiều thì phải trả lãi vay làm giảm lợi nhuận) để khai thác lợi thế cạnh tranh của mình trên thị trường để tăng doanh thu, tăng lợi nhuận.

ROE = Lợi nhuận ròng/ Vốn chủ sở hữu bình quân x 100%.

Diệp Bình - Đồ hoạ: Đức Bùi

Theo Tạp chí Kinh tế chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục