Tổng Giám đốc Sacombank: Giữa năm 2023, Sacombank có thể tuyên bố tái cơ cấu thành công

(Banker.vn) Trao đổi tại tọa đàm:"Chính phủ và doanh nghiệp: Đồng hành vượt khó" do Cổng TTĐT Chính phủ tổ vừa chức, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) cho biết, với tiến độ như hiện nay thì giữa năm 2023, Sacombank có thể tuyên bố tái cơ cấu thành công.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Sacombank

Sacombank tái cơ cấu thành công Ngân hàng Phương Nam

Chia sẻ về thành công của Sacombank trong công tác tái cơ cấu Ngân hàng Phương Nam, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết, với khoản nợ xấu ban đầu là 96.000 tỷ đồng, sau 5 năm, Sacombank xử lý được trên 76.000 tỷ đồng. Đó là sự nỗ lực rất lớn của ban điều hành Sacombank, cũng như sự chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Từ thành công trong công tác tái cơ cấu, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết, Sacombank đã rút ra một số bài học đáng, có thể kể đến như:

Thứ nhất, cần xác định thực trạng toàn diện của ngân hàng yếu kém đó, từ cơ cấu chủ sở hữu, đến quản trị, điều hành đến nợ xấu và đến những tài sản tồn đọng trong kinh doanh. Phải xác định nhanh, đặc biệt những tài sản có khả năng sinh lời. Phải có công ty tư vấn kiểm toán tổ chức độc lập đánh giá hiện trạng. Đồng thời, báo cáo rõ thực trạng với cơ quan chủ quản, từ đó xác định phương hướng làm sao để tái cấu trúc phù hợp.

Thứ hai, khi thực hiện tái cơ cấu và xử lý nợ xấu ngân hàng cần khẩn trương, kịp thời. Vì càng kéo dài thì hệ lụy của nền kinh tế rất lớn. Xử lý nhanh cũng giúp tránh được tình trạng chuyển biến xấu hơn, khó khăn hơn cho cả ngành, chứ không chỉ riêng ngân hàng yếu kém đó.

Thứ ba, từ thực tế của Sacombank cho thấy, nên ưu tiên nguồn lực kinh tế tư nhân thay vì tập trung vào ngân sách nhà nước. Thông qua khuyến khích các ngân hàng tự tái cơ cấu, sát nhập ngân hàng tốt với ngân hàng xấu; NHNN và Chính phủ đứng ra hỗ trợ cơ chế đi kèm…

Đồng thời, cần có sự phối kết hợp nhịp nhàng từ các cơ quan trung ương, các bộ, ngành, đến NHNN, nhằm tạo cơ chế thông thoáng. “Nếu Sacombank không được phê duyệt đề án từ Chính phủ đến NHNN thì chắc chắn chúng tôi không có hành lang pháp lý để tái cơ cấu thành công”, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm chia sẻ.

Thứ tư, tổ chức, cá nhân tham gia vào tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, phải có nguồn lực tài chính hợp pháp, nếu không có nguồn lực sẽ rất khó triển khai. Bên cạnh đó, hội đồng quản trị, ban điều hành của ngân hàng phải có trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, có năng lực, có tâm, có tầm, đặc biệt phải quản trị ngân hàng theo hướng công khai, minh bạch và thượng tôn pháp luật.

Đây là những bài học được rút ra trong quá trình tái cơ cấu đối với Sacombank. “Nếu như vẫn với đà này, giữa năm 2023 chúng tôi có thể tuyên bố tái cơ cấu thành công. Chúng tôi xin được báo cáo thành tích với NHNN và Thủ tướng”, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm chia sẻ.

Tiếp tục đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp

Đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp trong hơn 2 năm vừa qua. Dù cũng gặp nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch nhưng bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết, ngành Ngân hàng nói chung, Sacombank nói riêng luôn luôn xác định đồng hành cùng khách hàng, sẵn sàng hy sinh một phần lợi nhuận để chưa sẻ với doanh nghiệp và nền kinh tế, đặc biệt là với những doanh nghiệp khó khăn do dịch.

Trong đại dịch, ngân hàng luôn là ngành dẫn đầu trong việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, với những chính sách như: cho vay ưu đãi lãi suất, miễn giảm phí, cơ cấu lại thời hạn trả nợ… “Như Sacombank. Trong năm 2021, chúng tôi đã ‘hy sinh’ gần 3.000 tỷ đồng lợi nhuận để chia sẻ và đồng hành cùng doanh nghiệp, từ: hỗ trợ lãi suất, miễn giảm phí, miễn giảm lãi vay… và ủng hộ phòng, chống dịch”, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết.

Với Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN, về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, các ngân hàng đã tham gia và hưởng ứng nhiệt tình. Hạn mức cho vay đã được phân bổ, các ngân hàng đang tích cực tìm ra những đối tượng khách hàng phù hợp để triển khai hỗ trợ lãi suất.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhiều lần chia sẻ quan điểm "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân, nhất là trong lúc khó khăn, thách thức hiện nay. Đồng thời kêu gọi các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn, đóng góp tích cực hơn cho nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp. Bởi nền kinh tế và cả nước có vượt qua được khó khăn, thách thức, thì doanh nghiệp và ngân hàng mới phát triển được, "nước nổi, bèo nổi".

Ấn tượng với sự chia sẻ của Thủ tướng Chính phủ, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết, Sacombank đồng tình và luôn luôn ủng hộ những chia sẻ và định hướng của Thủ tướng. “Khi doanh nghiệp làm ăn thuận lợi, có lợi nhuận, sẽ tạo ra sự phân phối hài hoà giữa doanh nghiệp, người lao động và đóng góp vào ngân sách nhà nước. Khi doanh nghiệp gặp khó khăn, Nhà nước luôn đồng hành, hỗ trợ rất cụ thể, như có những chính sách giảm thuế, chính sách hỗ trợ người lao động, chính sách hỗ trợ lãi suất…”, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm chia sẻ.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cũng cho rằng, với thông điệp nhất quán, đó là “ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải kiểm soát lạm phát và tạo điều kiện cho doanh  nghiệp tiếp cận được vốn với chi phí thấp nhất”, các chính sách điều hành của Chính phủ đưa ra chắc chắn sẽ có sự linh hoạt để đảm bảo các mục tiêu đề ra. “Tôi tin chắc rằng chúng ta sẽ kiểm soát chặt chẽ và tuân thủ tất cả các chỉ đạo, định hướng của Chính phủ và NHNN và chúng ta sẽ được an toàn", bà Nguyễn Đức Thạch Diễm nhấn mạnh.

Lan Nguyễn

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục