Tổng giám đốc BIDV: Bán vàng không vì mục tiêu lợi nhuận

(Banker.vn) Tổng giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm - cho biết, tham gia bán vàng nhằm thực hiện chủ trương bình ổn thị trường nên không đặt ra mục tiêu lợi nhuận.
Từ 3/6, Vietinbank, Vietcombank, Agribank, BIDV trực tiếp bán vàng tới người dân Dự báo giá vàng ngày 30/5/2024: Giá vàng giảm sốc sau thông tin ngân hàng thương mại bán vàng? Giá vàng tăng trở lại, nhà đầu tư 'vội vã' bán vàng chốt lời

Nhằm đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu bình ổn thị trường vàng theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt nam sẽ thực hiện bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại Nhà nước: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank); Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank); Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) để các ngân hàng này bán vàng trực tiếp tới người dân.

Chia sẻ thông tin về việc chuẩn bị bán vàng, ông Lê Ngọc Lâm - Tổng giám đốc BIDV cho biết, ngân hàng đã triển khai đồng bộ các giải pháp: Công bố danh sách các điểm bán vàng miếng, thời gian bắt đầu thực hiện bán vàng miếng trên website của Ngân hàng; hoàn thiện thủ tục thiết lập quan hệ giao dịch mua, bán vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước. “BIDV sẽ công bố công khai hàng ngày giá bán vàng trên website của Ngân hàng” - Tổng giám đốc BIDV thông tin.

Tổng giám đốc BIDV: Bán vàng không vì mục tiêu lợi nhuận
Ông Lê Ngọc Lâm - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Theo ông Lê Ngọc Lâm, việc bán vàng trực tiếp tới người dân sẽ được thực hiện bắt đầu ngay trong ngày Thứ Hai (3/6) tới. Còn về địa điểm, BIDV sẽ thiết lập mạng lưới phân phối ở các địa bàn chính về kinh doanh vàng như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bà Rịa -Vũng Tàu… “Trước mắt là triển khai ngay tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội” - ông Lê Ngọc Lâm nói; đồng thời cho biết thêm, ngay trong ngày 3/6, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại Nhà nước theo mức giá do Ngân hàng Nhà nước xác định căn cứ theo giá thế giới và mục tiêu điều hành giảm giá chênh lệch trong nước và quốc tế so với hiện nay. Giá bán vàng miếng sẽ được công bố công khai trên wesite chính thức của các ngân hàng thương mại Nhà nước để người dân tiện theo dõi.

“Chúng tôi xác định nhằm thực hiện chủ trương bình ổn thị trường của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nên không đặt ra mục tiêu lợi nhuận mà sẽ cung ứng với mức giá phù hợp trên cơ sở giá mua từ Ngân hàng Nhà nước. Việc này sẽ góp phần để sớm hiện thực hoá mục tiêu giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới”, ông Lê Ngọc Lâm khẳng định.

Trước đó, sau khi tổ chức 9 phiên đấu thầu, Ngân hàng Nhà nước công bố dừng đấu thầu vàng và quyết định sẽ bán trực tiếp vàng cho 4 ngân hàng thương mại Nhà nước để bán cho người dân. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng - nhận định, bên cạnh các yếu tố mang tính thị trường như quan hệ cung - cầu, không loại trừ khả năng có các hành vi phạm pháp, thao túng, làm giá, gây mất ổn định thị trường vàng.

Tổng giám đốc BIDV: Bán vàng không vì mục tiêu lợi nhuận
Các ngân hàng thương mại Nhà nước với mạng lưới rộng khắp của mình đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để tổ chức bán vàng trực tiếp tới người dân

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, đơn vị này đang phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Thanh tra Chính phủ tổ chức thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng đối với các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp. Đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định, sẽ kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật nếu có.

Về việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng trực tiếp cho các ngân hàng thương mại, Phó Thống đốc cho biết, các ngân hàng thương mại Nhà nước với mạng lưới rộng khắp của mình đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để tổ chức bán vàng trực tiếp tới người dân có nhu cầu.

Từ cuối năm 2023, giá vàng liên tục lập đỉnh mới. Vàng miếng SJC có lúc đạt kỷ lục hơn 92 triệu đồng vào tháng 5. Chênh lệch với giá thế giới neo ở mức cao, có thời điểm hơn 20 triệu đồng/lượng.

Để tăng cung bình ổn thị trường, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu gọi đấu thầu vàng miếng SJC từ ngày 22/4. Sau 9 phiên đấu thầu, có 6 phiên thành công, với hơn 48.000 lượng vàng miếng SJC được nhà điều hành tung ra thị trường.

Ngoài tăng cung qua đấu thầu, cuối tháng 5, Ngân hàng Nhà nước thông báo sẽ thanh tra kinh doanh vàng của 4 doanh nghiệp lớn SJC, DOJI, PNJ, Bảo Tín Minh Châu và 2 ngân hàng TPBank, EximBank. Thời gian thanh tra từ 2020 đến giữa tháng 5/2024.

Ngân Thương

Theo: Báo Công Thương