Tôn Đông Á củng cố vị thế số 2 thị trường tôn mạ với kế hoạch đầu tư nhà máy Phú Mỹ

(Banker.vn) Nhà máy Phú Mỹ của Công ty CP Tôn Đông Á (GDA) vừa được cấp giấy phép đầu tư trong quý 4/2024 và đang tiến hành xin giấy phép xây dựng, dự kiến sẽ hoàn tất vào đầu năm 2025. Theo kế hoạch, giai đoạn 1 của nhà máy sẽ đi vào hoạt động từ quý 2-3/2026.

Theo BCTC Công ty CP Tôn Đông Á (UpCoM: GDA) vừa công bố, trong quý 3/2024, doanh thu và lợi nhuận gộp của GDA lần lượt đạt 5.166 tỷ đồng và 374 tỷ đồng, tăng 26% và 77% svck. Biên lợi nhuận gộp giảm nhẹ còn 7,2% do giá nguyên liệu HR và thành phẩm đều giảm. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm nhẹ, đạt 303 tỷ đồng, tương đương 5,9% doanh thu, chủ yếu từ hoạt động xuất khẩu.

Lợi nhuận sau thuế quý 3 giảm về 54 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ và 69% so với quý trước. Lũy kế 9 tháng, Công ty đạt 321 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 22% so với cùng kỳ và vượt kế hoạch kinh doanh đề ra, với công suất nhà máy đạt khoảng 103%.

Tôn Đông Á củng cố vị thế số 2 thị trường tôn mạ với kế hoạch đầu tư nhà máy Phú Mỹ
Lũy kế 9 tháng, công ty đạt 321 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 22% so với cùng kỳ và vượt kế hoạch kinh doanh đề ra, với công suất nhà máy đạt khoảng 103%.

Đối với năm 2025, công ty dự kiến sản lượng bán hàng đạt 820-840 nghìn tấn, tương đương mức của năm 2024 khi nhà máy đã hoạt động hết công suất. Biên lợi nhuận gộp dự kiến duy trì trên 8%. Về thị trường tiêu thụ, công ty đang giữ cân bằng tỷ lệ 50:50 giữa nội địa và xuất khẩu, nhưng dự kiến sẽ tăng tỷ trọng đơn hàng nội địa lên 60% do kỳ vọng thị trường trong nước khả quan hơn trước bối cảnh các nước xuất khẩu thắt chặt các biện pháp phòng vệ thương mại.

Đối với việc áp thuế chống bán phá giá với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc, Công ty kỳ vọng:

Trong trường hợp áp thuế, sẽ chuyển một phần chi phí cho giá bán và tạo nên mặt bằng giá mới.

Kỳ vọng nguồn cung trong nước tăng lên sẽ đáp ứng được nhu cầu của các công ty tôn mạ nội địa.

Chiến lược đầu tư nhà máy Phú Mỹ

Nhà máy Phú Mỹ của công ty vừa được cấp giấy phép đầu tư trong quý 4/2024 và đang tiến hành xin giấy phép xây dựng, dự kiến sẽ hoàn tất vào đầu năm 2025. Theo kế hoạch, giai đoạn 1 của nhà máy sẽ đi vào hoạt động từ quý 2-3/2026. Với dây chuyền sản xuất áp dụng công nghệ mới sử dụng năng lượng tái tạo, nhà máy Phú Mỹ hướng đến đáp ứng các tiêu chuẩn về giảm phát thải của các thị trường xuất khẩu lớn.

Tôn Đông Á củng cố vị thế số 2 thị trường tôn mạ với kế hoạch đầu tư nhà máy Phú Mỹ
Kế hoạch phân kỳ đầu tư GDA với nhà máy Phú Mỹ. Nguồn VDSC Research.

Ban lãnh đạo của GDA kỳ vọng, khi nhà máy Phú Mỹ đi vào hoạt động, doanh thu của GDA sẽ tăng trưởng trung bình 5-10% mỗi năm. Tỷ trọng tiêu thụ giữa thị trường nội địa và xuất khẩu dự kiến duy trì ở mức cân bằng 50:50, tuy nhiên công ty có thể linh hoạt điều chỉnh, tăng tỷ trọng tiêu thụ nội địa lên 60% nếu điều kiện thị trường thuận lợi.

Hiện tại, khoảng 30% sản lượng nội địa đang đến từ các nhà cung cấp có chất lượng thấp hơn, và ban lãnh đạo tự tin rằng với thương hiệu và chất lượng vượt trội, họ có thể giành thêm thị phần từ các doanh nghiệp này.

Với dòng sản phẩm thép chất lượng cao dành cho sản xuất thiết bị gia dụng, giá bán dự kiến sẽ cao hơn khoảng 30% so với thép tôn mạ dùng trong xây dựng. Trong dài hạn, khi nhà máy hoạt động ổn định, công ty kỳ vọng sẽ đạt được ROE trên 20%, đánh dấu một bước tiến vững chắc trong chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Đối với việc xuất khẩu, GDA cho biết công ty đang duy trì mối quan hệ hợp tác lâu dài với các đối tác xuất khẩu, nhờ đó có thể linh hoạt điều chỉnh chiến lược xuất khẩu trong giai đoạn chi phí vận chuyển biến động. Nếu đàm phán được mức chi phí vận chuyển cạnh tranh, doanh nghiệp có thể thực hiện xuất khẩu theo hình thức CIF, giúp tối ưu hóa chi phí và tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Tôn Đông Á củng cố vị thế số 2 thị trường tôn mạ với kế hoạch đầu tư nhà máy Phú Mỹ
GDA dự kiến sẽ bắt đầu nộp lại hồ sơ niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vào năm 2025

Về kế hoạch niêm yết, công ty dự kiến sẽ bắt đầu nộp lại hồ sơ niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vào năm 2025, một bước quan trọng nhằm nâng cao uy tín và tăng tính thanh khoản của cổ phiếu.

Đồng thời, Công ty đặt mục tiêu hoàn thành các chứng nhận ISO 14064 và ISO 14067 vào cuối năm 2024. Đây là các tiêu chuẩn quốc tế về đo lường và quản lý lượng phát thải, giúp GDA nâng cao khả năng tuân thủ quy định môi trường, tạo lợi thế cạnh tranh khi thâm nhập vào các thị trường khắt khe về tiêu chuẩn xanh.

Chứng khoán Rồng Việt đánh giá cao tiềm năng phát triển dài hạn của công ty, nhờ vị thế là nhà sản xuất tôn mạ lớn thứ hai tại Việt Nam với thương hiệu uy tín trong nước. Lợi thế về công nghệ hiện đại và thương hiệu mạnh sẽ giúp GDA nhanh chóng bước vào phân khúc thép chất lượng cao, mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng mới.

Theo đó, Rồng Việt duy trì mức giá mục tiêu cho cổ phiếu GDA ở mức 38.700 đồng, upside 43% so với mức giá hiện tại ngày 8/11/2024 để phản ánh tiềm năng tăng trưởng và các yếu tố thuận lợi trong chiến lược kinh doanh của công ty.

Khánh Nguyễn

Khánh Nguyễn

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục