Tại phiên thảo luận sáng 28/5/2025, Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Các đại biểu Quốc hội đề xuất nhiều bổ sung quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực thi hành, mở rộng đối tượng áp dụng và đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm của Nhà nước trong việc tổ chức hạ tầng và thúc đẩy các sáng kiến tiết kiệm năng lượng.
![]() |
Sáng 28/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ảnh: VPQH |
Coi giảm ùn tắc giao thông là chính sách tiết kiệm năng lượng
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) bày tỏ quan điểm đồng tình với dự thảo Luật, đặc biệt là các chính sách ưu đãi với phương tiện sử dụng năng lượng sạch như khí hóa lỏng, khí thiên nhiên, điện, hydrogen, nhiên liệu sinh học tổng hợp. Đại biểu bổ sung một nội dung cần ưu tiên đó là khuyến khích cá nhân, tổ chức đưa ra các giải pháp tổ chức giao thông hợp lý để các phương tiện đi lại được nhanh chóng, thông suốt. Vì nội dung này cũng giúp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Ông phân tích, nếu giao thông bị tắc nghẽn thì mọi người có đi xe xăng, xe điện, xe hybrid, xe sử dụng khí hóa lỏng,... cũng đều phải tiêu hao năng lượng hơn bình thường.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định. Ảnh: VPQH |
Trong điều kiện đô thị lớn thường xuyên xảy ra ùn tắc, dù người dân sử dụng phương tiện hiện đại, tiết kiệm nhiên liệu thì vẫn sẽ tiêu hao nhiều hơn bình thường do thời gian di chuyển kéo dài, phương tiện phải chờ đợi, tăng cường độ hoạt động. Điều này không chỉ làm tiêu tốn năng lượng mà còn kéo theo hệ lụy về chi phí logistics, giá thành hàng hóa, sức khỏe và môi trường.
Dẫn chứng từ báo cáo thực tế, đại biểu cho biết, chỉ riêng Thành phố Hồ Chí Minh đã thiệt hại khoảng 6 tỷ USD mỗi năm do ùn tắc giao thông. Hà Nội cũng mất khoảng 1 tỷ USD mỗi năm vì lý do tương tự. Những con số này cho thấy lãng phí năng lượng không còn là vấn đề kỹ thuật hay thiết bị, mà là vấn đề quy hoạch, tổ chức vận hành giao thông hiệu quả.
Từ thực tiễn nghiên cứu và quan sát, ông nêu ví dụ điển hình tại vòng xoay ngã 6 Phù Đổng, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Đây là một trong những khu vực giao thông đông đúc nhất thành phố, tuy nhiên nhờ được tổ chức hợp lý nên không xảy ra tình trạng tắc nghẽn, ngay cả trong giờ cao điểm. Cụ thể, tại vòng xoay này, các phương tiện từ bên ngoài được điều tiết bằng 4 trụ tín hiệu giao thông. Bên trong vòng xoay, hai vạch nhường đường được vẽ rõ ràng. Phương tiện di chuyển được phân thành 6 khối và điều khiển thông qua hệ thống đèn tín hiệu, giúp giao thông vận hành thông suốt, tránh xung đột luồng phương tiện.
Theo ông, cách làm này mang lại lợi ích lớn về mặt tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, giảm stress cho người tham gia giao thông, tăng hiệu suất sử dụng hạ tầng đô thị. Đặc biệt, cách tổ chức này có thể áp dụng tại nhiều vòng xoay khác trên toàn quốc với chi phí đầu tư thấp, thời gian triển khai nhanh, phù hợp với điều kiện các địa phương.
Từ thực tế trên, đại biểu kiến nghị bổ sung vào khoản 8 Điều 1 sửa đổi khoản 1 Điều 21 một nội dung mới: “Bộ Xây dựng có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức tìm kiếm ý tưởng và giải pháp giảm ùn tắc giao thông”. Đồng thời, tại khoản 17 Điều 1 bổ sung khoản 6 Điều 41 về Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ông đề xuất quy định thêm: “Quỹ tài trợ cho cá nhân, tổ chức ngoài Nhà nước có ý tưởng và giải pháp giảm ùn tắc giao thông khả thi có thể triển khai tại nhiều địa phương, không trùng với các nhiệm vụ chi từ ngân sách nhà nước”.
Ông nhấn mạnh rằng quy định chỉ tài trợ cho cá nhân, tổ chức ngoài Nhà nước là cần thiết nhằm tránh trùng lặp với các đề tài sử dụng ngân sách, đồng thời khuyến khích đổi mới sáng tạo trong xã hội dân sự. Điều này cũng góp phần tránh việc cán bộ công chức lợi dụng thời gian làm việc để nghiên cứu các đề tài hưởng ngân sách kép từ hai nguồn.
Không dừng lại ở đó, đại biểu còn đề xuất mô hình cải tạo tổ chức giao thông tại một vòng xoay khác ngã 6 Dân chủ, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh. Đây là khu vực thường xuyên tắc nghẽn vào giờ cao điểm. Trong khi chờ xây dựng cầu vượt theo kế hoạch gắn với tuyến Metro số 2, nên lắp 4 trụ đèn tín hiệu tại các tuyến đường chính như Võ Thị Sáu, 3 Tháng 2 và 2 đầu đường Cách Mạng Tháng Tám, đồng thời kẻ vạch dừng bên trong vòng xoay để phân chia thành 7 khối phương tiện. Giải pháp này, nếu được áp dụng, có thể mang lại hiệu quả ngay trong điều kiện hiện tại mà không chờ đợi các dự án hạ tầng lớn.
Tăng tính ràng buộc, mở rộng đối tượng áp dụng
Cùng chung quan điểm về sự cấp thiết sửa đổi luật, đại biểu Cầm Thị Mẫn (Đoàn Thanh Hóa) tán thành cao với nội dung trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra. Bà đánh giá việc sửa đổi luật là phù hợp với yêu cầu phát triển, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang cam kết mạnh mẽ với các mục tiêu phát triển bền vững và chuyển đổi xanh.
Đại biểu Cầm Thị Mẫn đề xuất cần làm rõ hơn vai trò của luật khung, tạo điều kiện tích hợp linh hoạt các nội dung liên quan đến tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng không tái tạo như dầu khí, nhằm quản lý hiệu quả các sản phẩm tiêu thụ nhiều năng lượng. Việc này cũng nhằm thể chế hóa Kết luận số 76 của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển ngành dầu khí đến năm 2035.
![]() |
Đại biểu Cầm Thị Mẫn - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: VPQH |
Về đối tượng áp dụng, bà nhấn mạnh, Luật hiện hành chưa đề cập đến các cơ quan Nhà nước trong hệ thống chính trị như một chủ thể tiêu thụ năng lượng. Bà đề nghị cần bổ sung rõ trách nhiệm và nghĩa vụ sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả với các bộ, ngành, cơ quan hành chính, vì họ là những đơn vị tiêu thụ đáng kể điện, xăng dầu từ ngân sách.
Đáng chú ý, phải đưa tiêu chí sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trở thành một trong các chỉ tiêu bắt buộc trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và địa phương. Tuy nhiên, để tránh hình thức, cần quy định rõ trách nhiệm Chính phủ trong việc hướng dẫn chi tiết cách xác định, đo lường và phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương.
Về thỏa thuận sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, việc khuyến khích là cần thiết với các hộ dân, doanh nghiệp nhỏ, nhưng với các cơ sở trọng điểm, đặc biệt là cơ quan Nhà nước, cần quy định bắt buộc.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị tại khoản 8 Điều 1 sửa đổi khoản 1 Điều 21 quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động giao thông vận tải cần bổ sung một nội dung ngay sau điểm c, đó là: "Bộ Xây dựng có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức tìm kiếm ý tưởng và giải pháp giảm ùn tắc giao thông". |