Tín hiệu tích cực cho nhóm cổ phiếu chứng khoán

(Banker.vn) Động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước được đánh giá là tạo tác động tích cực tới thị trường chứng khoán và nhóm cổ phiếu chứng khoán là nhóm cổ phiếu có độ “nhạy” với VN-Index rất cao. Bên cạnh đó, việc nhiều công ty chứng khoán đặt kế hoạch tăng trưởng dương được cho là tín hiệu tích cực cho nhóm cổ phiếu chứng khoán khởi sắc trở lại.

Cổ phiếu chứng khoán duy trì lực hút dòng tiền

Thị trường chứng khoán khởi sắc những phiên gần đây, giao dịch của nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng cho thấy sự tích cực. Đáng chú ý, trong phiên 4/4, mặc dù VN-Index đứt mạch 10 phiên tăng điểm liên tiếp, song thanh khoản vẫn duy trì mức cao với giá trị khớp lệnh trên HoSE đạt hơn 12.544 tỷ đồng.

Tín hiệu tích cực cho nhóm cổ phiếu chứng khoán

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ lãi suất, thị trường chứng khoán có thể tiếp tục nối dài đà tăng trong ngắn hạn. Hình minh họa

Trong đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn duy trì lực hút dòng tiền. Đáng chú ý, SSI (SSI Research) tiếp tục có thanh khoản cao nhất toàn sàn (688 tỷ đồng) và VND (VNDirect) đứng thứ 2 với 649 tỷ đồng. Mức thanh khoản này bỏ xa cổ phiếu đứng thứ 3 là STB (473 tỷ đồng). Một số cổ phiếu như APS, PSI, BSI, ORS đồng loạt tăng trần.

Trải qua một năm 2022 ảm đạm của toàn ngành và toàn thị trường khiến thị giá hầu hết các mã cổ phiếu nhóm chứng khoán đều giảm trên 50%, thậm chí nhiều mã còn mất hơn 70%, vốn hóa thị trường “bốc hơi” hàng nghìn tỷ đồng. Theo đó, định giá nhóm cổ phiếu chứng khoán đã giảm về mức thấp và trở nên hấp dẫn hơn.

Hầu hết cổ phiếu nhóm chứng khoán đều đang có P/B dưới 1,5 lần, thấp hơn nhiều so với giai đoạn bùng nổ cuối năm 2021 - thời điểm một loạt cổ phiếu nhóm này có P/B trên 3 lần. Điều đó được cho là đã tạo một mức nền tương đối thấp với mức giá được chiết khấu tương đối sâu trở thành “điểm tựa” giúp nhóm cổ phiếu chứng khoán trở nên hấp dẫn.

Bên cạnh đó, động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước được đánh giá là tạo tác động tích cực tới thị trường chứng khoán và nhóm cổ phiếu chứng khoán là nhóm cổ phiếu có độ “nhạy” với VN-Index rất cao. Cho nên, nên cổ phiếu nhóm ngành này khởi sắc mạnh mẽ là điều dễ hiểu.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Nhà sáng lập FIDT cho rằng, chuỗi tăng của thị trường gần đây nhờ hưởng ứng những chính sách của Chính phủ. Hàng loạt về giải pháp hỗ trợ thị trường ra đời như Nghị định 08, Dự thảo sửa đổi 16 đã tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư. Nếu cuối tuần không ra tin giảm lãi suất thì xác suất giảm ở tuần sau là rất lớn. Tuy nhiên, với việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ lãi suất, thị trường chứng khoán có thể tiếp tục nối dài đà tăng trong ngắn hạn.

Thực tế, chính sách nới lỏng tiền tệ cần thời gian thẩm thấu từ 6-9 tháng. Dòng tiền sẽ dần chảy vào thị trường chứng khoán, những cổ phiếu có thanh khoản cao sẽ được hưởng lợi trong ngắn hạn.

Ông Tuấn cho rằng, “khi chúng ta thắt chặt chính sách từ năm ngoái, chứng khoán đã giảm mạnh từ đỉnh. Lãi suất liên tục hạ nhiệt sẽ là chất xúc tác giúp thị trường chứng khoán hưng phấn trong ngắn hạn. Những nhóm ngành có độ nhạy với dòng tiền là ngân hàng - chứng khoán - bất động sản sẽ bật tăng mạnh vượt trội so với thị trường”.

Tuy nhiên, nhà sáng lập FIDT nhấn mạnh xu hướng này vẫn chủ yếu mang tính chất tâm lý. Bởi báo cáo các quý tới của những nhóm này vẫn chưa có quá nhiều khởi sắc, đơn cử như nhóm ngân hàng nợ xấu bất động sản tăng; Chứng khoán cho vay margin giảm, tự doanh giảm; Bất động sản vẫn đối diện nhiều áp lực liên quan đến đáo hạn trái phiếu, thị trường thực chỉ “ấm” lên ở một số phân khúc đất nhà phố, văn phòng.

Chuyên gia cho rằng, trong ba nhóm thì cổ phiếu chứng khoán nhiều cơ hội khởi sắc hơn vì hoàn nhập tự doanh trong quý này khi thị trường cũng đang trong nhịp hồi phục từ đầu năm và đây cũng là cơ hội đầu tư và đầu cơ với chứng khoán đều có. Song khi nền kinh tế đang trong tình trạng suy kiệt, nhiều rủi ro thế giới vẫn chưa thẩm thấu hết thì chiến lược “đánh nhanh” vẫn ưu tiên hơn.

Nếu đầu tư theo trường phái dài hạn thì danh mục vô cùng quan trọng, nhà đầu tư cần bóc tách được rất nhiều thứ liên quan đến rủi ro nguy cơ nợ, mô hình kinh doanh, của các doanh nghiệp.

Các công ty chứng khoán tự tin với kế hoạch tăng trưởng cao

Thời điểm hiện tại còn quá sớm để khẳng định về bất kỳ xu hướng nào, nhưng nhiều thông tin tích cực đang mang tới những yếu tố kỳ vọng cho thị trường. Từ đó, nhiều công ty chứng khoán đã tự tin hơn trong việc đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023. Hàng loạt mục tiêu tăng trưởng mạnh, "tăng bằng lần" đã được công bố, thậm chí một số công ty còn có tham vọng mở rộng quy mô để chiếm thị phần.

Đơn cử như Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) dự trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận trước thuế 565 tỷ đồng, tăng gấp 3,7 lần so với thực hiện năm 2022. BSC cũng đặt mục tiêu vào top 10 thị phần môi giới cổ phiếu trên HoSE trong năm nay.

Mặt khác, theo tài liệu đại hội, HĐQT BSC cũng sẽ trình cổ đông thông qua phương án phát hành thêm 15 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh doanh của công ty. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của BSC sẽ tăng từ hơn 1.878 tỷ đồng lên gần 2.028 tỷ đồng.

Theo ban lãnh đạo BSC, kinh tế vĩ mô Việt Nam đối diện nhiều thách thức khi suy thoái kinh tế nhiều khả năng xảy ra. Song, Việt Nam vẫn là quốc gia được nhiều tổ chức uy tín nhận định là điểm đến đầu tư lý tưởng với mức tăng trưởng tốt.

Tương tự, dù đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2023 sẽ còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) vẫn đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 900 tỷ đồng, tăng trưởng 36% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, MBS đặt mục tiêu vào Top 5 thị phần môi giới trong năm nay.

Một công ty chứng khoán khác là VietinBank Securities (CTS) đã thông qua kế hoạch 2023 đầy tự tin với mục tiêu lợi nhuận trước thuế hơn 230 tỷ đồng, gấp gần 3 lần thực hiện năm trước.

CTS cũng đánh giá thị trường năm nay vẫn còn áp lực điều chỉnh, song sông ty sẽ có các giải pháp hướng tới việc mở rộng thị phần, gia tăng hoạt động môi giới, tăng dư địa cho vay ký quỹ và đặc biệt tập trung phát triển mảng M&A.

Đặc biệt, CTS cho biết sẽ tận dụng lợi thế từ ngân hàng mẹ - VietinBank - để nắm bắt xu hướng M&A khi doanh nghiệp nước ngoài đẩy mạnh thâu tóm. Các định hướng chính là tư vấn chuyển nhượng, tư vấn thu xếp vốn quốc tế và dịch vụ chứng khoán cho khách hàng quốc tế.

Một số công ty khác cũng đặt kế hoạch tăng trưởng dương, như: Chứng khoán VIX; Chứng khoán Mirae Asset; Công ty CP Chứng khoán Tiên Phong (TPS, mã: ORS).

Đáng chú ý, Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIG) còn đưa ra mục tiêu đầy tham vọng với doanh thu hoạt động gần 119 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hơn 50 tỷ đồng, lần lượt tăng 65% và gấp 19 lần thực hiện năm 2022. Năm 2023, công ty đặt mục tiêu xóa hết lỗ lũy kế từ nguồn lợi nhuận để lại và các nguồn thặng dư vốn khác.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận, những năm gần đây, “cuộc đua” giảm phí vẫn gây áp lực lớn với các công ty chứng khoán. Bên cạnh đó, chính sách zero-fee (miễn phí giao dịch) cho thấy hiệu quả ở ngành ngân hàng, nhưng trong lĩnh vực chứng khoán, các công ty không dễ đưa phí môi giới về 0, vì đây là nguồn thu chủ lực của họ. Từ đó tạo nên sức ép đối với các công ty trong ngành.

Trên thực tế, cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ cũng là định hướng được nhiều công ty chứng khoán theo đuổi trong những năm qua. Tuy nhiên, mức phí hấp dẫn mà một số công ty chứng khoán áp dụng là yếu tố tác động mạnh đến quyết định chọn nơi đặt tài khoản của nhà đầu tư, bởi điều đó giúp họ tiết giảm phần nào chi phí trong giai đoạn khó kiếm lời hiện tại.

Thị phần môi giới nắm giữ không chỉ trực tiếp tác động đến nguồn thu nhập của công ty chứng khoán, mà còn là tiêu chí đánh giá mức độ uy tín của công ty đó. Ở giai đoạn tiền rẻ, đa phần các công ty chứng khoán đã nhận được khoản vốn huy động lớn từ các cổ đông.

Bởi vậy, không chỉ đối diện với bài toán giữ “miếng bánh” trong một thị trường đang co hẹp, việc đảm bảo tỷ suất sinh lời, hiệu quả sử dụng vốn hay tỷ lệ cổ tức cho cổ đông cũng là bài toán khó của các lãnh đạo công ty chứng khoán trong bối cảnh hiện nay.

Những năm gần đây, “cuộc đua” giảm phí khiến bảng xếp hạng thị phần môi giới chứng khoán có nhiều xáo trộn và chứng kiến sự vươn lên của nhiều gương mặt mới. Là một trong những đơn vị sớm miễn/giảm phí cho nhà đầu tư mới, VPS đã trở thành công ty chứng khoán đứng số 1 về thị phần trên sàn HoSE từ quý I/2021 và duy trì vị trí này đến nay nhờ thu hút được các nhà đầu tư cá nhân - dòng tiền làm nên “cơn sóng” của thị trường giai đoạn vừa qua.

Tiền nội, ngoại "lệch pha": Yếu tố kích thích dòng tiền quay trở lại

Theo các chuyên gia, sự lệch pha của dòng tiền nội và ngoại đến từ bản chất hai nhóm nhà đầu tư này có những ...

Chứng khoán Phú Hưng tạm ngưng việc lên HOSE

Lý do xin rút hồ sơ được đưa ra là do tình hình thị trường chứng khoán chưa thuận lợi cho việc niêm yết cổ ...

Chuyên gia chứng khoán nêu vấn đề cần lưu ý khi mùa đại hội cổ đông đang diễn ra

Trong chương trình Bí mật đồng tiền diễn ra trưa ngày 5/4, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng kiêm Trưởng ban đào tạo Công ...

Quỳnh Nga

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán